400,000 xe xăng sau khi được thay thế bằng xe điện sẽ ‘đi đâu, về đâu’?

Số phận của 400,000 xe xăng sau khi chuyển đổi sang xe điện là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.

* TP.HCM sắp trình đề án chuyển đổi 400,000 xe xăng sang xe điện

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 17/7, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – đã có những chia sẻ chi tiết về tính khả thi của đề án chuyển đổi 400,000 xe xăng sang xe điện, đồng thời nêu rõ phương án xử lý đối với lượng xe xăng sau quá trình chuyển đổi.

Khả thi nhờ mang lại lợi ích kinh tế và sức khỏe

Theo ông Hải, đề án chuyển đổi này có ảnh hưởng rộng khắp trên toàn địa bàn thành phố và liên quan trực tiếp đến sinh kế của lực lượng tài xế công nghệ - những người sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh chính mỗi ngày. Tuy nhiên, trên cơ sở khảo sát thực hiện năm 2023 với 470 tài xế công nghệ đang sử dụng xe xăng (thuộc ba nền tảng Be, Grab và Gojek), Viện đã thu thập được nhiều dữ liệu khả quan chứng minh lợi ích kinh tế khi chuyển sang xe điện.

Cụ thể, mỗi tài xế xe xăng hiện tốn khoảng 70,000–100,000 đồng/ngày tiền nhiên liệu cho quãng đường di chuyển trung bình 100–150 km/ngày. Trong khi đó, với xe điện, chi phí sạc chỉ vào khoảng 20,000 đồng/ngày. Nếu cộng thêm các khoản tiết kiệm khác như dầu nhớt hay hao mòn máy móc, trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm ít nhất 40,000 đồng/ngày, tương đương khoảng 1 triệu đồng/tháng với 25 ngày làm việc.

“Đây là mức tiết kiệm kinh tế rõ rệt, hoàn toàn có thể tính toán được. Hầu hết tài xế khi được khảo sát đều công nhận con số này là hợp lý. Trên cơ sở đó, chúng tôi khẳng định tính khả thi của đề án là rất cao. Không những không gây thiệt hại kinh tế, việc chuyển đổi còn mang lại lợi ích tài chính cho tài xế”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu. Với mức giá khoảng 30 triệu đồng/chiếc xe điện, đây là khoản chi không nhỏ đối với nhiều tài xế có thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Do đó, Viện đã thiết kế các gói tín dụng hỗ trợ tài xế chuyển đổi, kết hợp cùng chính sách hỗ trợ bán xe xăng cũ.

Hiện tại, xe xăng bán lại có thể thu về từ 2–30 triệu đồng tùy tình trạng, trong đó mức hỗ trợ trung bình ở giai đoạn đầu khoảng 8 triệu đồng – tương đương 20–25% giá trị xe điện. Khoản còn lại (khoảng 24 triệu đồng) có thể được trả góp. Với mức tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng, tài xế có thể hoàn tất trả góp trong 24–30 tháng, sau đó sở hữu hoàn toàn xe điện và tiếp tục hưởng lợi về kinh tế khi tiết kiệm năng lượng.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh tài chính, ông Hải còn nhấn mạnh đến lợi ích về sức khỏe. “Tài xế là đối tượng làm việc ngoài đường từ 8–10 tiếng/ngày, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khói bụi và tiếng ồn. Việc thay thế xe xăng bằng xe điện sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm áp lực sức khỏe lên lực lượng lao động này”, ông nói.

Xử lý xe xăng ra sao sau chuyển đổi?

Liên quan đến “số phận” của 400,000 xe xăng sau chuyển đổi, ông Hải cho biết, đã có phương án phân loại và xử lý dựa trên mức độ hao mòn và tuổi thọ phương tiện. Những xe quá cũ sẽ khó vượt qua các quy chuẩn kiểm định khí thải – vốn sẽ được áp dụng nghiêm ngặt tại các đô thị lớn như TP.HCM. Chi phí sửa chữa để đáp ứng tiêu chuẩn sẽ cao, nên chủ xe được khuyến khích bán làm phế liệu, tái chế.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới để thu gom và tái chế, hỗ trợ quá trình loại bỏ xe xăng ra khỏi thị trường.

Với những xe còn có thể sử dụng vài năm nữa, ông Hải dự báo, chúng sẽ theo cơ chế thị trường mà "dạt" về các địa phương chưa áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt như đô thị lớn. “Dù điều này có thể bị xem là đẩy ô nhiễm ra khu vực nông thôn, nhưng thực tế là các khu vực này hiện có mật độ xe thấp, khả năng chịu đựng phát thải vẫn còn trong giới hạn”, ông Hải phân tích.

Còn đối với những xe xăng mới, khi xe điện phổ biến thì thị trường xe xăng sẽ giảm giá mạnh. Hơn nữa, người dân có thể sẽ chọn mua xe xăng cũ vì có giá rẻ hơn các mẫu xe xăng mới 100%. Từ đó, nhà sản xuất cũng sẽ buộc phải dừng đầu tư, quảng bá, sản xuất xe xăng mới – góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển sang xe điện một cách tự nhiên theo quy luật cung – cầu.

Cuối cùng, ông Hải lưu ý rằng tài xế xe công nghệ hiện đang chạy trung bình gấp 3–4 lần so với người dân sử dụng xe máy cho mục đích cá nhân. Việc chuyển đổi 400,000 xe xăng thường xuyên hoạt động với cường độ cao sang xe điện sẽ mang lại tác động giảm phát thải rất đáng kể. Trong khi đó, nếu những chiếc xe này được chuyển cho người lao động thông thường sử dụng, mức độ phát thải tổng thể vẫn sẽ giảm.

Khang Di

FILI - 00:10:40 18/07/2025