Bộ Y tế: Chính sách miễn viện phí sẽ chạm đến trái tim hàng triệu người dân

Chiều 06/05, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương mang tính chiến lược, đầy tính nhân văn, thể hiện rõ ưu việt của chế độ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cung cấp thông tin về việc thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân - Ảnh: VGP

Trước đó, ngày 08/04, tại buổi gặp mặt cán bộ cơ quan chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ chú trọng phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho người dân.

"Chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Theo ông, miễn viện phí sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tiếp cận dịch vụ y tế, giúp người dân chủ động phòng và điều trị bệnh, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế và giảm gánh nặng tài chính. Chính sách này còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng GDP và thúc đẩy công bằng xã hội.

Đặc biệt, ưu tiên triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, nhằm giảm khoảng cách tiếp cận y tế giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư.

Giai đoạn 2026-2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% dân số được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật và chăm sóc sức khỏe ban đầu, 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Với 100 triệu dân và chi phí khám khoảng 250.000 đồng/lần, ngân sách cần bố trí khoảng 25.000 tỷ đồng mỗi năm cho chương trình này.

Người dân sẽ được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý toàn diện suốt vòng đời, sống trong môi trường xanh, sạch, an toàn thực phẩm và được bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật cũng sẽ được chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội đầy đủ hơn.

Ngân sách nhà nước sẽ tăng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, Bộ Y tế đang mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm, tiến tới chi trả cho cả dịch vụ dự phòng, sàng lọc và điều trị sớm bệnh tật. Mục tiêu là giảm tỷ lệ chi trả của người dân xuống dưới 20% tổng chi tiêu y tế, và đồng chi trả bảo hiểm y tế xuống dưới 10%.

Từ nay đến năm 2045, hệ thống y tế sẽ được nâng cấp toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân, tiến tới không phải chi thêm khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm. Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Song song đó, Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để ban hành từ 1/7/2025, quy định rõ mức hỗ trợ từ Nhà nước, quyền lợi và phạm vi hưởng BHYT của từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, các thông tư mới đang được soạn thảo để quy định danh mục, tỉ lệ, mức thanh toán dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế cho người có BHYT, theo hướng tăng chi trả và miễn phí cho các nhóm chính sách.

Từ năm 2026-2030, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản lên mức 20-30% lương cơ sở (hiện tại là 15%), áp dụng thí điểm khám định kỳ, sàng lọc phát hiện bệnh theo độ tuổi và nghề nghiệp. Mức hưởng BHYT sẽ được nâng lên 100% cho nhóm đang hưởng 95%, và có lộ trình tăng đối với nhóm đang hưởng 80%.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu mở rộng chi trả dịch vụ y tế cho người nghèo, cận nghèo, người có mức sống trung bình và một số nhóm bệnh. Các quỹ thành phần của BHYT sẽ được thiết kế lại, gồm quỹ khám chữa bệnh, quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ bệnh hiểm nghèo.

Để tăng hiệu quả, tránh chồng chéo và lãng phí, BHYT sẽ được liên kết với Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách miễn phí khám chữa bệnh, ngăn tình trạng quá tải bệnh viện.

Giai đoạn 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, nhằm hiện thực hóa việc miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, ổn định và lâu dài. Hiện tại, Luật BHYT vẫn chưa quy định chi trả cho dịch vụ khám, sàng lọc sớm.

"Hai định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra - khám sức khỏe định kỳ mỗi năm và miễn viện phí toàn dân - không chỉ là mục tiêu y tế, mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng: Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. Ông cho rằng đây không phải điều xa vời nếu có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận xã hội và một lộ trình rõ ràng, bài bản.

Tùng Phong

FILI - 17:55:44 06/05/2025