Chứng chỉ xanh trong du lịch: Xu hướng định hình lại thị hiếu khách quốc tế hậu 2025

Các chứng chỉ xanh không còn chỉ là biểu tượng thân thiện với môi trường mà đã trở thành yếu tố quyết định trong việc cạnh tranh thị trường và thu hút khách du lịch cao cấp. Theo báo cáo mới nhất của UNWTO (2024), du lịch quốc tế đã phục hồi đạt 99% mức trước đại dịch với 1.4 tỷ lượt khách, trong đó xu hướng ưu tiên điểm đến bền vững ngày càng rõ nét[1].

Chứng chỉ xanh trong du lịch: Từ biểu tượng đến đòn bẩy thị trường

Theo định nghĩa của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Tourism Council - GSTC), chứng chỉ xanh trong du lịch là các hệ thống đánh giá và công nhận những điểm đến, doanh nghiệp lưu trú hoặc công ty lữ hành đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững được quốc tế công nhận.

Các tiêu chuẩn này thường bao gồm 4 trụ cột chính: quản trị bền vững, tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa, và giảm thiểu tác động môi trường[2].

Các chứng chỉ xanh được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy minh bạch, cải thiện năng lực quản lý bền vững và tạo niềm tin cho người tiêu dùng - đặc biệt trong bối cảnh du khách toàn cầu ngày càng ưu tiên các lựa chọn thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Các hệ thống chứng nhận đáng tin cậy thường yêu cầu kiểm toán bên thứ ba, tái đánh giá định kỳ, tuân thủ bộ tiêu chuẩn như của GSTC hoặc EU Ecolabel.

Hệ thống chứng chỉ bền vững trong du lịch đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, với các tiêu chuẩn quốc tế như Green Globe, EarthCheck, Blue Flag và Travelife dẫn đầu thị trường. Theo báo cáo của ECOTRANS, 10 chương trình chứng nhận quốc tế hàng đầu đã cấp chứng chỉ cho hơn 23,000 khách sạn, khu cắm trại, công ty lữ hành và điểm đến trên toàn cầu. Trong đó, Green Key dẫn đầu với 5,459 cơ sở được chứng nhận, tiếp theo là Blue Flag với 4,650 bãi biển và cảng[3].

Global Sustainable Tourism Council (GSTC) đã thiết lập bộ tiêu chuẩn toàn cầu với ba nhóm tiêu chí chính: Destination Criteria cho các nhà hoạch định chính sách, Industry Criteria cho khách sạn và công ty lữ hành, và MICE Criteria mới được công bố tháng 2/2024 cho các địa điểm tổ chức sự kiện. Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên bốn trụ cột: quản lý bền vững, tác động kinh tế - xã hội, tác động văn hóa và tác động môi trường[4].

Xu hướng khách du lịch quốc tế ngày càng ưu tiên các điểm đến có trách nhiệm môi trường đã được khẳng định qua nghiên cứu của Booking.com năm 2024. Theo báo cáo này, 83% du khách toàn cầu xác nhận rằng du lịch bền vững quan trọng với họ, trong khi 75% du khách thể hiện mong muốn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra sự "mệt mỏi" mới nổi, với 28% du khách cho biết họ cảm thấy mệt mỏi khi liên tục nghe về biến đổi khí hậu[5].

Thế hệ Gen Z (những người sinh từ khoảng 1997 đến 2012) và Millennial (hay Thế hệ Y, sinh từ khoảng 1981 đến 1996) đóng vai trò then chốt trong xu hướng này. Nghiên cứu của Sojern (2024) cho thấy 77% người trong độ tuổi 18-29 báo cáo rằng tính bền vững ảnh hưởng đến quyết định du lịch của họ. Họ tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa chân thực, với khoảng 60% thế hệ Millennial coi trải nghiệm văn hóa chân thực là phần quan trọng nhất trong chuyến du lịch[6].

Liên kết giữa du lịch xanh và tiêu chuẩn ESG ngày càng chặt chẽ, đặc biệt trong chính sách mua sắm công tại châu Âu. Báo cáo "EU Tourism in 2024" của Transition Pathways Europa cho thấy các quy định nghiêm ngặt hơn theo European Green Deal yêu cầu hãng hàng không và công ty du thuyền báo cáo phát thải chi tiết, trong khi cơ sở lưu trú phải đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận sinh thái nghiêm ngặt hơn[7].

Các chứng chỉ xanh có tạo ra khác biệt trong hành vi khách du lịch?

Nghiên cứu thực nghiệm về tác động của chứng chỉ xanh đến hành vi khách du lịch cho thấy những kết quả đáng khích lệ. Theo khảo sát của YouGov từ 17 thị trường quốc tế, hơn 42% du khách Australia sẵn sàng chi trả thêm để ở tại khách sạn thân thiện với môi trường. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, con số này còn cao hơn với 55% du khách sẵn sàng trả phí bổ sung, so với 41% ở châu Âu và 38% ở châu Mỹ[8].

Mức độ sẵn sàng chi trả thêm cho khách sạn thân thiện với môi trường theo khu vực
Nguồn: YouGov Surveys

Khảo sát cũng bóc tách mức độ sẵn sàng chi trả cụ thể theo từng khu vực. Tại Châu Á - Thái Bình Dương, 27% du khách đồng ý trả thêm đến 10% giá phòng, và 13% sẵn sàng chi thêm tới 25%. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng ở châu Âu và châu Mỹ thấp hơn đáng kể. Kết quả này phản ánh rõ nét rằng thị trường châu Á - đặc biệt là các quốc gia có tăng trưởng du lịch mạnh như Việt Nam - đang dẫn đầu về mức độ chấp nhận "premium green pricing", mở ra cơ hội rõ ràng cho các cơ sở lưu trú đầu tư vào tiêu chuẩn bền vững[9].

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định giá hàm thụ (hedonic pricing) - một kỹ thuật phân tích kinh tế  nhằm ước lượng giá trị của một thuộc tính cụ thể thông qua tác động của nó đến mức giá thị trường. Trong trường hợp này, chứng chỉ xanh được xem là một yếu tố làm tăng giá phòng khách sạn mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy. Các khách sạn xanh được chứng nhận tại Bắc Kinh có mức giá phòng cao hơn 6.5% so với các khách sạn thông thường mà không làm giảm tỷ lệ lấp đầy.

Nghiên cứu tiếp tục cho thấy các khách sạn có chứng nhận vàng đạt mức phí bổ sung 8.4%, trong khi chứng nhận bạc chỉ đạt 1.5%. Quan trọng hơn, doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPAR) của khách sạn xanh cao hơn 8.3% so với các đối thủ không có chứng nhận[10].

Nghiên cứu mới tại Phuket, Thái Lan (2025) tiếp tục khẳng định xu hướng này với phát hiện du khách sẵn sàng trả phí bổ sung lên tới 68% cho khách sạn có chứng nhận Green Leaf. Còn ở các quốc gia như Mỹ, Canada, châu Âu, 68-75% người tiêu dùng sẵn sàng trả phí cao hơn cho khách sạn có chứng nhận xanh[11].

Costa Rica, New Zealand và Slovenia đã thành công trong việc tích hợp chứng chỉ xanh vào chiến lược tiếp thị quốc gia. Slovenia, với danh hiệu "Green Destination" được công nhận, đã phát triển chương trình chứng nhận quốc gia với 55 điểm đến được chứng nhận, nhắm mục tiêu du khách cao cấp thông qua chiến dịch "I feel sLOVEnia" và "sLOVEnia Green". Costa Rica đã vận hành sáng kiến năm 2020 để xác định các thách thức và giải pháp then chốt cho phục hồi du lịch xanh, chọn lọc và tài trợ 13 dự án từ 195 đề xuất[12].

Báo cáo của HRS cho thấy xu hướng mạnh mẽ trong du lịch doanh nghiệp, với việc giảm dấu chân carbon tại các khách sạn tham gia Green Stay Initiative (GSI) trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh áp lực ngày càng tăng từ các tập đoàn trong báo cáo phạm vi 3 (Scope 3) về phát thải từ hoạt động du lịch doanh nghiệp[13].

Ảnh minh họa.

Bài toán triển khai của Việt Nam

Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ với du lịch bền vững thông qua Chiến lược phát triển du lịch đến 2030. Theo thông tin từ AsemconnectVietnam, chiến lược này định hướng "phát triển du lịch bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng trưởng xanh, tối đa hóa đóng góp của du lịch vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc"[14]. Tại VITM Hanoi 2024, ngành du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh vì phát triển bền vững".

Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều thách thức. Tại tỉnh Quang Nam, được coi là điểm sáng trong chuyển đổi xanh, tính đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định công nhận 20 đơn vị đạt chứng nhận Du lịch xanh Quang Nam, trong đó 11 đơn vị đạt 3/3 lá Sâm Ngọc Linh và 9 đơn vị đạt 2/3 lá[15]. Con số này vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương.

Theo nghiên cứu về Southeast Asia Tourism Performance 2024, Việt Nam đã có sự phục hồi ấn tượng với 17.6 triệu khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng 39.5% năm 2024, dẫn đầu khu vực[16]. Tuy nhiên, việc tích hợp chứng chỉ bền vững vào chuỗi giá trị du lịch vẫn chậm.

Các rào cản chính bao gồm hạ tầng pháp lý chưa hoàn thiện, chi phí chứng nhận cao và thiếu nhận thức từ doanh nghiệp. Dự án ST4SD (Swiss Tourism for Sustainable Development in Vietnam) giai đoạn 2024-2027 đang hỗ trợ phát triển ngành du lịch Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện hơn[17]. Dự án thí điểm giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam đã được triển khai tại Ninh Bình và Quảng Nam từ tháng 6/2023 đến 2024.

Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia 2021-2030 của Việt Nam cũng tạo khung pháp lý thuận lợi, với quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược này, nhấn mạnh vai trò của tăng trưởng xanh trong tái cơ cấu kinh tế[18]. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ chính sách sang thực thi vẫn cần nhiều nỗ lực.

Tương lai ngành du lịch trong bối cảnh Net Zero: Xanh có là điều kiện bắt buộc?

Xu hướng áp thuế carbon cho ngành hàng không và vận tải du lịch đang gia tăng mạnh mẽ. EU Emissions Trading System (ETS) đã mở rộng sang ngành hàng không với mức thuế carbon 50 USD/tCO2e từ năm 2023, tác động trực tiếp đến chi phí đi lại đến Việt Nam[19]. Nghiên cứu của Transport & Environment (2024) cho thấy tiềm năng carbon leakage khi các chuyến bay có thể được chuyển hướng để tránh các chính sách khí hậu của EU[20].

Theo Statista (2025), lượng phát thải CO2 toàn cầu từ vận tải hàng không đã tăng gần 8% năm 2024, đạt 882 triệu tấn CO2, với khoảng 60% phát thải đến từ các chuyến bay quốc tế[21]. Điều này tạo áp lực lớn cho các điểm đến như Việt Nam trong việc cân bằng tăng trưởng du lịch với cam kết giảm phát thải.

World Economic Forum's Travel & Tourism Development Index 2024 xếp hạng Việt Nam ở vị trí 59 với điểm số 3,96, tăng 4 bậc so với năm trước. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững môi trường và tác động kinh tế-xã hội của du lịch trong bối cảnh mới. Các nước dẫn đầu như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản đều có điểm mạnh về cơ sở hạ tầng và chính sách du lịch bền vững[22].

Trong lĩnh vực MICE, GSTC đã công bố GSTC MICE Criteria (Meetings, Incentives, Conferences and Exhibitions – Tiêu chuẩn cho loại hình Du lịch Hội họp, Khen thưởng, Hội nghị và Triển lãm) vào tháng 3/2024 với sự hỗ trợ của Singapore Tourism Board, thiết lập tiêu chuẩn bền vững toàn cầu cho ngành công nghiệp hội họp, du lịch kích cầu, hội nghị và triển lãm. Điều này đặc biệt quan trọng khi du lịch MICE không đạt chuẩn ESG có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu[23].

Global Business Travel Association (GBTA) đã phát hành GBTA Sustainable Procurement Standards đầu năm 2024, cung cấp tiêu chuẩn mua sắm bền vững đầu tiên cho ngành du lịch doanh nghiệp toàn cầu. Điều này tạo áp lực lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, bao gồm cả Việt Nam, trong việc đáp ứng yêu cầu ESG của khách hàng doanh nghiệp[24].

Trước thực tế này, Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: phát triển hệ thống chứng chỉ xanh nội địa hoặc tích hợp với tiêu chuẩn GSTC quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy các nước thành công như Slovenia đã phát triển hệ thống chứng nhận riêng nhưng vẫn tuân thủ tiêu chuẩn GSTC và European Tourism Indicator System[25]. Điều này cho phép duy trì đặc thù địa phương trong khi đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế.

Với xu hướng toàn cầu hóa của các tiêu chuẩn bền vững và áp lực ngày càng tăng từ thị trường khách cao cấp, "xanh" đang trở thành điều kiện bắt buộc hơn là lựa chọn. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, đầu tư vào đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chứng chỉ quốc tế để duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ.


[1] http://www.unwto.org/news/international-tourism-recovers-pre-pandemic-levels-in-2024

[2] https://www.gstcouncil.org/gstc-criteria/

[3] https://destinet.eu/News/2024/3/travel-green-planet-maps-the-top10-certificates/

[4] https://www.gstcouncil.org/wp-content/uploads/GSTC-Annual-Report-2023.pdf

[5] https://www.gstc.org/booking-sustainable-travel-report-2024/

[6] https://www.sojern.com/blog/sustainable-tourism-six-destination-marketing-tactics-to-attract-millennial-and-gen-z-travelers

[7] https://transition-pathways.europa.eu/articles/eu-tourism-2024-key-updates-and-emerging-trends-1

[8] https://www.accomnews.com.au/2024/04/aussies-eager-to-pay-premium-for-eco-friendly-escapes/

[9] https://www.accomnews.com.au/2024/04/aussies-eager-to-pay-premium-for-eco-friendly-escapes/

[10] https://thuwujing.net/wujing/wp-content/uploads/2018/10/Zhang_et_al-2017-Real_Estate_Economics.pdf

[11] https://aber.apacsci.com/index.php/st/article/viewFile/2852/3696

[12] https://www.oecd.org/en/publications/oecd-tourism-trends-and-policies-2022_a8dd3019-en/full-report/promoting-a-green-tourism-recovery_6754d0a3.html

[13] https://sustainablehotelnews.com/exclusive-hrss-state-of-sustainability-in-corporate-travel-report/

[14] http://asemconnectvietnam.gov.vn/default.aspx?ZID1=14&ID1=2&ID8=95695

[15] https://www.vietnam.vn/en/thao-luan-giai-phap-tiep-can-chung-chi-du-lich-xanh

[16] https://the-outbox.com/southeast-asia-tourism-performance-2024-recap/

[17] https://www.vietnam.vn/en/du-lich-ben-vung-o-viet-nam-chon-loi-di-nao-hieu-qua-va-nhanh-can-dich

[18] https://en.baochinhphu.vn/national-green-growth-strategy-for-2021-2030-vision-towards-2050-11142515.htm

[19] https://carboncredits.com/how-mckinsey-is-charting-its-path-to-net-zero-2023-esg-report-highlights/

[20] https://www.transportenvironment.org/articles/assessment-of-carbon-leakage-potential-for-european-aviation

[21] https://www.statista.com/statistics/1534854/worldwide-co2-emissions-by-flight-type/

[22] https://www3.weforum.org/docs/WEF_Travel_and_Tourism_Development_Index_2024.pdf

[23] https://www.stb.gov.sg/about-stb/media-publications/media-centre/the-global-sustainable-tourism-council--gstc--publishes-new-gstc-mice-criteria

[24] https://www.gbta.org/gbta-launches-industrys-first-global-sustainable-procurement-standards-to-pave-the-way-for-responsible-practices-in-business-travel/

[25] https://www.oecd.org/en/publications/oecd-tourism-trends-and-policies-2022_a8dd3019-en/full-report/promoting-a-green-tourism-recovery_6754d0a3.html

Nguyễn Nhiều Lộc

FILI - 13:00:00 12/07/2025