Chuyển đổi 400,000 xe máy công nghệ sang xe điện: Khả thi nhờ bài toán kinh tế?
Tiết kiệm 40,000–60,000 đồng mỗi ngày, cùng với các gói vay tài chính và ưu đãi thuế đang được xây dựng, chương trình chuyển đổi xe máy công nghệ sang xe điện tại TP.HCM được đánh giá có tính khả thi cao.
![]() Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo chiều 22/5. Ảnh: Khang Di
|
Chiều 22/5, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho biết, Viện đang xây dựng dự thảo chính sách chuyển đổi 400,000 xe máy công nghệ sang xe điện. Đây được xem là một trong những giải pháp khả thi nhằm kiểm soát khí thải đô thị và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại TP.HCM.
Theo ông Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển dự kiến hoàn tất dự thảo chính sách vào tháng 6/2025. Sau đó, một hội thảo tham vấn sẽ được tổ chức để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước trước khi trình UBND TP.HCM xem xét trong tháng 7/2025.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Viện xác định nhóm tài xế công nghệ là một trong những nguồn phát thải lớn tại thành phố, bên cạnh xe buýt. Trung bình mỗi tài xế di chuyển khoảng 100 km/ngày, hoạt động từ 8–12 tiếng, dẫn đến lượng khí thải phát sinh rất cao. Việc ưu tiên chuyển đổi nhóm này sang xe điện sẽ góp phần đáng kể trong việc kiểm soát khí thải trên địa bàn.
Tiết kiệm từ 1 triệu đồng/tháng nếu chuyển sang xe điện
Một khảo sát do Viện thực hiện với hơn 400 tài xế trên các nền tảng Grab, Gojek và Be trong năm 2023 cho thấy, trung bình tài xế xe xăng tiêu tốn 70,000-100,000 đồng/ngày tiền nhiên liệu. Trong khi đó, với quãng đường tương tự, tài xế sử dụng xe điện (đơn cử như xanh SM) chỉ tốn khoảng 20,000 đồng/ngày cho sạc pin.
Sau khi trừ chi phí sạc, khấu hao pin và chi phí cơ hội trong thời gian dừng sạc, tài xế vẫn có thể tiết kiệm 40,000 – 60,000 đồng/ngày, tương đương khoảng 1 – 1.5 triệu đồng mỗi tháng. Với khoản tiết kiệm này, trong vòng 24 – 30 tháng, tài xế hoàn toàn có thể trả góp một chiếc xe máy điện mới mà không làm tăng chi phí sinh hoạt – ông Hải nhận định.
Để tăng tính khả thi, Viện đã làm việc với một số ngân hàng để thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù cho tài xế chuyển đổi phương tiện. Đồng thời, nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối xe máy điện cũng cam kết đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt để đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển đổi này.
Về mặt chính sách, Viện sẽ kiến nghị trung ương miễn lệ phí trước bạ cho xe điện đăng ký mới trong vòng 2 năm kể từ khi chính sách có hiệu lực, đồng thời miễn thuế VAT cho tài xế công nghệ sử dụng xe điện và miễn thuế VAT của mỗi đơn hàng cho tài xế. Việc tạo ra một “khoảng cách ưu đãi” giữa tài xế xe xăng và xe điện trong giai đoạn 2–3 năm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Nếu các chính sách trên được thông qua và triển khai quyết liệt, TP.HCM kỳ vọng có thể chuyển đổi 80% xe công nghệ 2 bánh sang xe điện trong vòng 2 năm. Sau đó, trong khoảng 3–5 năm, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn để tiến tới mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn đội ngũ tài xế công nghệ sang xe điện.
Khang Di