Chuyên gia VPBankS: Thị trường sẽ tìm kiếm nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới

Chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 21/07, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết thị trường sẽ tìm kiếm các nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới trong giai đoạn tới, điển hình là chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ.

Ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 21/07

Vốn ngoại giải ngân mạnh chờ nâng hạng

Chiều 17/07 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gerald Toledano - thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell, thuộc Tập đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán London (London Stock Exchange Group - LSEG). Sự kiện đã gia tăng sức nóng cho câu hỏi liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có chắc chắn được FTSE nâng hạng lên thị trường Mới nổi ngay trong tháng 9 hay không.

Về vấn đề này, ông Đức khẳng định khả năng nâng hạng đã rất gần, có thể ngay trong tháng 9. Dễ dàng nhìn thấy một tín hiệu rất rõ từ thị trường là nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua ròng rất mạnh trong vòng một tháng trở lại đây, quy mô giải ngân lên đến 800 - 900 triệu USD. Đây chính là dòng tiền của những nhà đầu tư chờ nâng hạng.

Câu chuyện nâng hạng vào tháng 9 năm nay hay tháng 3 năm sau không quá quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài, mà điều quan trọng là họ mua được cổ phiếu ở mức giá rẻ, đến khi các quỹ chủ động buộc phải cơ cấu danh mục, họ có thể bán lại. Đây là lý do chính khiến thị trường tăng mạnh trong hai tháng vừa qua.

Thị trường có thể tiến lên 1,900 - 2,000 điểm

Trong bối cảnh thị trường đang liên tục gặp khó tại ngưỡng 1,500 điểm sau khi đã có nhịp tăng mạnh, ông Đức nhận định thị trường vừa qua chưa tăng quá nóng.

Cụ thể, hai đỉnh gần nhất là vào năm 2018 với P/E 21 lần và giai đoạn 2021 - 2022 gần 19 lần, còn hiện tại P/E chỉ khoảng 16.8 lần, nghĩa là vẫn còn dư địa khoảng 20%. Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp còn có thể tăng thêm. Nếu cả P/E và lợi nhuận đều tăng, thị trường hoàn toàn có thể kỳ vọng tiến lên 1,900 - 2,000 điểm. Vì vậy, hiện tại chưa phải là đỉnh, mà sẽ là khi P/E khoảng 19 - 20 lần.

Nhìn lại lịch sử, chứng khoán Việt Nam chỉ có khoảng 5 đợt tăng giá thật sự mạnh mẽ, gồm giai đoạn 2007 - 2008, 2009 - 2010, 2017 - 2018, 2021 - 2022 và năm 2025 hiện tại. Nếu không tận dụng cơ hội lúc này sẽ rất khó để kiếm lời.

Dự báo trong ngắn hạn, ông Đức cho rằng thị trường sẽ tích lũy quanh 1,500 điểm thay vì vượt mốc này ngay trong tháng 7.

Kỳ vọng lớn vào nhóm chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ

Nhìn vào cấu trúc thị trường giai đoạn vừa qua, cổ phiếu dẫn dắt chủ yếu là nhóm Vingroup nói riêng và bất động sản nói chung. Trong đó, thị giá VIC đã gần gấp ba lần đầu năm. Nếu nhìn lại lịch sử, VIC hiện tại khá giống HPG năm 2021, nhưng khi đó HPG tăng đến 6 lần.

Từ giữa năm 2021, các cổ phiếu dẫn dắt bắt đầu yếu đi và thị trường tìm kiếm nhóm mới, chẳng hạn như chứng khoán. Hiện tượng này bắt đầu lặp lại trong 1 - 2 tuần gần đây.

Với nhóm chứng khoán, ông Đức cho rằng các công ty có thị phần lớn và giữ được “mặt trận” thu phí sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự trở lại của những phiên giao dịch tỷ đô, chưa kể câu chuyện nâng hạng và các sản phẩm mới đang được triển khai. Đặc biệt, những công ty có liên quan đến dòng tiền nước ngoài sẽ có mức tăng trưởng còn tích cực hơn mặt bằng chung.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến các cổ phiếu gắn với nền kinh tế thực. Khi kinh tế tăng trưởng 8.3 - 8.5% như Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng, các ngành như bán lẻ và ngân hàng sẽ hưởng lợi.

Trước câu hỏi về việc nên hành động gì khi đang giữ toàn bộ tiền ở giai đoạn hiện tại, ông Đức cho rằng nhà đầu tư phải chấp nhận là việc tranh thủ mua vào khi có nhịp điều chỉnh, cố gắng nâng tỷ trọng cổ phiếu lên tối thiểu 50%.

Thực tế ở những nhịp điều chỉnh giữa chu kỳ, các cổ phiếu chưa tăng nhiều sẽ không giảm nhiều. Với những mã còn kỳ vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm, nhà đầu tư nên tìm cơ hội để mua vào, ưu tiên một số nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công, bán lẻ và ngân hàng.

Theo ông Đức, trong một thị trường “bull market”, đừng bao giờ giữ tỷ trọng cổ phiếu dưới 70%. Trong đợt điều chỉnh tháng 7 này, khi thị trường kiểm định ngưỡng 1,500 điểm, nhà đầu tư nên bắt đầu giải ngân vào một số cổ phiếu.

Huy Khải

FILI - 19:28:00 21/07/2025