Cơn sốt robot Trung Quốc đã tìm thấy lý do để tồn tại
Những cỗ máy robot Trung Quốc cùng các nhà phát triển đứng sau đang dần biết cách thu hút sự chú ý. Robot đã trở thành tâm điểm khi trình diễn những điệu múa truyền thống trong chương trình Gala Tết Nguyên đán phát sóng trên đài CCTV đầu năm nay, và gần đây còn góp mặt trong một giải marathon. Hai robot quyền anh hiện đang chuẩn bị tham gia vào trận đấu “máy đấu máy” đầu tiên trên thế giới.
Ngay cả Fox News, kênh truyền thông Mỹ vốn thường thận trọng khi nói về Trung Quốc, cũng không khỏi ấn tượng trước những màn biểu diễn Kung Fu của các robot này.
Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy vẫn còn nhiều hạn chế. Các robot múa chỉ có thể biểu diễn vài phút với những động tác được lập trình kỹ lưỡng, và trong gần hai chục robot hình người tham gia chạy marathon, chưa đến một phần ba hoàn thành được quãng đường 13 dặm. Nhiều ý kiến hoài nghi đã xuất hiện, từ Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Joe Tsai, đến nhà đầu tư mạo hiểm Allen Zhu, người cho rằng khách hàng lớn nhất của các robot này chỉ là “các doanh nghiệp nhà nước mua về để trưng bày ở quầy lễ tân”.
Không khó để nghi ngờ về tương lai của robot, nhất là khi làn sóng truyền thông từng rầm rộ rồi lắng xuống (như trường hợp robot Pepper của Softbank Group Corp) mà chưa đưa chúng ta đến gần hơn với viễn cảnh do các nhà văn, đạo diễn khoa học viễn tưởng vẽ ra suốt nhiều thập kỷ. Những giới hạn về kỹ thuật trong việc phát triển trí thông minh, nhận thức không gian cho robot từ lâu đã là rào cản lớn, đòi hỏi nguồn lực và chi phí không nhỏ.
Sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc cho hai làn sóng công nghệ AI và robot hình người
Tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về robot đã là mục tiêu chính sách suốt một thập kỷ qua, nhưng một số diễn biến trong năm nay đã khiến trọng trách này trở nên cấp thiết hơn. Bỏ qua yếu tố tuyên truyền, hiện đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng vươn lên dẫn đầu trong phát triển và ứng dụng robot, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho Washington.
Trí tuệ nhân tạo đã thổi bùng lại khát vọng công nghệ của Trung Quốc, nhưng robot hình người mới là nguồn cảm hứng lớn không kém. Hai làn sóng công nghệ này bổ trợ cho nhau, trong khi cuộc chiến thương mại cũng mang lại cho nỗ lực tự động hóa của Bắc Kinh một mục tiêu mới.
Unitree Robotics, công ty khởi nghiệp đang dẫn dắt làn sóng này, có nhiều điểm tương đồng với DeepSeek, một “ngôi sao” AI khác. Cả hai đều đặt trụ sở tại Hàng Châu, và CEO Unitree Vương Hưng Hưng đã có mặt ở vị trí hàng đầu khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ các lãnh đạo công nghệ hồi tháng 2. Unitree cũng cạnh tranh mạnh về giá, với các sản phẩm chỉ bằng một phần nhỏ so với đối thủ Mỹ. Tương tự DeepSeek, Unitree mở mã nguồn phần mềm, cho phép bất kỳ kỹ sư hay nhà sáng chế nào cũng có thể phát triển trên nền tảng công nghệ của họ.
Ngay trước khi Unitree đạt được những bước tiến gần đây, sự hỗ trợ bền bỉ của Chính phủ đối với ngành robot như một ưu tiên chiến lược đã mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Bắc Kinh bắt đầu đầu tư vào robot từ sáng kiến “Made in China 2025” công bố cách đây 10 năm, và liên tục khẳng định lại cam kết này bằng việc bơm thêm các khoản đầu tư có sự hậu thuẫn của nhà nước
Ngành công nghiệp robot của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng công nghệ cao trong lĩnh vực xe điện và pin, giúp dễ dàng tiếp cận nhiều linh kiện dùng cho robot. Lực lượng kỹ sư đông đảo của nước này cũng vượt trội so với Mỹ, dù Thung lũng Silicon vẫn có thế mạnh về chip và phần mềm. Trung Quốc cũng âm thầm dẫn đầu về nghiên cứu, chiếm tới 78% tổng số bằng sáng chế về robot trong hai thập kỷ qua, trong khi Mỹ chỉ chiếm 3%, theo một báo cáo của Citigroup Inc. năm ngoái.
Thương chiến khiến công ty công nghệ Mỹ khó cạnh tranh
Sự bất ổn do cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump gây ra khiến các công ty công nghệ Mỹ rất khó duy trì sức cạnh tranh, khi các nhà cung cấp Trung Quốc nay đã kiểm soát phần lớn linh kiện.
Trong khi đó, theo một báo cáo kỹ thuật gần đây của SemiAnalysis, mẫu robot hình người chủ lực G1 của Unitree “hoàn toàn không phụ thuộc vào linh kiện Mỹ”. Báo cáo này cũng nhận định Trung Quốc đã vượt Mỹ về mọi mặt trong lĩnh vực robot. Điều này đặt ra nguy cơ lớn, bởi nó có thể giúp Trung Quốc khai thác nguồn lao động miễn phí, hoạt động 24/7, qua đó hạ giá thành cho nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Robot của Trung Quốc có thể nhảy múa, nhưng vẫn chưa thể thay thế con người trong nhiều công việc hay môi trường nhà máy. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Unitree, chỉ trong 9 năm đã tạo ra sản phẩm mà nhiều người coi là robot hình người khả thi duy nhất trên thị trường, là lời nhắc nhở rằng thời gian không còn nhiều. Nước Mỹ không thể để mình bị xao nhãng.
* Tỷ phú giàu nhất châu Á tham gia cuộc đua phát triển robot hình người
* Đội quân robot trong nhà máy Trung Quốc
Quốc An (Theo Bloomberg)