Giá chứng chỉ quỹ có phải là thước đo độ hấp dẫn quỹ đầu tư?

Trong bối cảnh thị trường tài chính tiếp tục biến động và nhiều yếu tố vĩ mô còn bất định, hiệu suất đầu tư của các quỹ không còn đơn thuần là cuộc đua theo chỉ số VN-Index, mà trở thành thước đo về năng lực quản trị rủi ro và duy trì tầm nhìn dài hạn.

Giá chứng chỉ quỹ không phải là thước đo độ hấp dẫn

Một trong những nhầm lẫn phổ biến nhất của nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường, là dùng giá chứng chỉ quỹ để đo lường độ “đắt” hay “rẻ” và theo đó đánh giá hiệu suất đầu tư trong dài hạn. Tuy nhiên, việc đánh giá một quỹ đầu tư không thể chỉ dựa vào con số tuyệt đối của giá chứng chỉ quỹ tại một thời điểm cụ thể.

“Giá chứng chỉ quỹ gần như không phản ánh mức độ hấp dẫn hay tiềm năng đầu tư của quỹ”, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực Chứng khoán tại Dragon Capital nhận định tại sự kiện Investor Day 2025 ngày 12/07. Giá chứng chỉ quỹ cao hay thấp phụ thuộc vào giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đó, được tính bằng tổng giá trị tài sản của quỹ trừ đi các khoản nợ và chi phí, chia cho tổng số lượng chứng chỉ quỹ. Vì vậy, giá chứng chỉ quỹ cao có thể đến từ việc quỹ có giá trị tài sản ròng cao, do quỹ đầu tư hiệu quả, có nhiều tài sản có giá trị hoặc quỹ có ít nợ.

Thay vì lo ngại về giá, nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những yếu tố mang tính nền tảng như: Hiệu suất đầu tư trong trung và dài hạn với chu kỳ 2 năm, 5 năm, 10 năm; chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ; năng lực và uy tín của công ty quản lý quỹ; mức độ minh bạch, khả năng quản trị rủi ro và kỷ luật đầu tư của đội ngũ quản lý danh mục.

Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực Chứng khoán, Dragon Capital chia sẻ tại sự kiện.

Minh chứng qua câu chuyện của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS) do Dragon Capital quản lý. Ngược về cách đây hơn 2 năm, giá 1 chứng chỉ quỹ DCDS chỉ dao động quanh vùng 61,000 đồng. Đến đầu tháng 7/2025, con số này đã vượt mốc 92,000 đồng, tương đương mức tăng trưởng hơn 50% trong vòng chưa đầy 3 năm. Điều này cho thấy thành quả đầu tư đến từ chiến lược nắm giữ đúng quỹ, đúng thời điểm và đủ kiên nhẫn.

Khi nào là thời điểm chốt lời?

Trong giới đầu tư, câu hỏi “khi nào là thời điểm chốt lời tối ưu” luôn khiến nhiều người băn khoăn và theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, phần lớn quyết định chốt lời đều được đưa ra quá sớm và chưa tối ưu.

Lịch sử từng ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2017, khi VN-Index bứt phá sau thời gian dài tích lũy quanh vùng 600-700 điểm, không ít nhà đầu tư đã “chốt lời non” và bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng tiếp theo từ 50-70%. Hiện nay, thị trường đang chứng kiến giai đoạn tương tự khi VN-Index đã tích lũy gần 3 năm quanh mốc 1,200-1,300 điểm, trong khi nền kinh tế Việt Nam được ví như “chiếc lò xo bị nén” chỉ mới bắt đầu giai đoạn đầu tiên.

Ông Tuấn cũng đưa ra lời khuyên ngược với tâm lý đám đông. “Khi thị trường tăng tốc, với nhiều người đó là tín hiệu rủi ro, nhưng với chúng tôi đó lại là tín hiệu để tăng cường đầu tư. Nếu bạn vội vàng chốt lời khi quỹ mới tăng 10-15%, rất có thể bạn đã rời khỏi cuộc chơi ngay trước khi thị trường bắt đầu chu kỳ tăng mạnh".

Trong môi trường đầu tư đầy biến động như năm 2025, nơi các yếu tố địa chính trị, dòng vốn và chính sách điều hành thay đổi nhanh chóng, khả năng quản lý cảm xúc đang trở thành một trong những “vũ khí” quan trọng nhất giúp nhà đầu tư bảo toàn thành quả và tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo ông Lê Anh Tuấn, đầu tư là cuộc chiến tâm lý thực sự. Hãy đơn giản hóa việc đầu tư bằng cách tập trung vào yếu tố nền tảng và giữ vững kỷ luật đầu tư đều đặn, nắm giữ lâu dài.

Cát Lam

FILI - 11:31:39 17/07/2025