Giá vé máy bay dưới ống kính “phóng đại”

Nhiều hành khách không khỏi bất ngờ khi giá vé máy bay hiển thị ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng đến bước thanh toán, số tiền thực tế phải trả lại cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân từ đâu?

Ảnh minh họa

Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên các ứng dụng đặt vé, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo hấp dẫn như vé “0 đồng” hoặc vé chỉ vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, khi đến bước cuối cùng của quá trình thanh toán, nhiều người cảm thấy “hụt hẫng” vì tổng chi phí thực tế phải trả chênh lệch lớn so với giá công bố ban đầu.

Tổng tiền vé máy bay Vietnam Airlines chặng một chiều đi TP.HCM – Hà Nội.
Nguồn: Vietnam Airlines

Chẳng hạn, vé một chiều chặng TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines, hạng phổ thông, bay vào ngày thứ Tư trong tuần, được hiển thị với giá gần 2.1 triệu đồng. Nhưng sau khi cộng các loại thuế, phí, chiết khấu, tổng số tiền hành khách phải thanh toán là hơn 2.8 triệu đồng - tăng gần phân nửa so với giá ban đầu.

Tổng tiền vé máy bay Vietjet Air chặng một chiều đi
TP.HCM – Buôn Ma Thuột
Nguồn: Vietjet Air

Còn tại Vietjet, vé máy bay chặng TPHCM - Buôn Ma Thuột vào lúc 6h sáng thứ Hai, ngày 11/8/2025, có giá vé cơ bản là 190,000 đồng. Sau khi cộng thêm thuế VAT, phụ thu của hãng và các loại phí sân bay, giá vé cuối cùng mà hành khách phải thanh toán lên tới 788,600 đồng - cao đáng kể so với mức giá ban đầu.

Các hãng hàng không cho biết, giá hiển thị ban đầu thường chỉ là phí vận chuyển hàng không, chưa bao gồm các loại thuế và khoản phụ thu bắt buộc.

Các loại phí phổ biến khi mua vé máy bay

Khi mua vé máy bay chuyến nội địa, bên cạnh giá vé cơ bản (giá vận chuyển), hành khách thường phải trả thêm nhiều loại thuế và phí. Câu chuyện “phí còn nhiều hơn giá vé” không còn xa lạ, song cụ thể một chiếc vé máy bay đang “gánh” bao nhiêu loại phí thì không phải ai cũng nắm rõ.

Nguồn: Người viết tổng hợp từ website các hãng hàng không

Trước hết, có một số loại phí cố định mà hành khách bắt buộc phải trả, bao gồm phí phụ thu từ hãng hàng không và phí sân bay. Mỗi hãng bay thường thu phí quản trị hệ thống nhằm duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu hành trình, với mức dao động từ 430,000 đến 450,000 đồng/vé (đã hoặc chưa gồm VAT).

Nguồn: Người viết tổng hợp

Ngoài ra, hành khách còn phải trả các khoản phí do sân bay quy định, như: phí dịch vụ hành khách đối với các chặng nội địa (59,000-99,000 đồng), phí soi chiếu an ninh đối với hành khách và hành lý (thường từ 20,000-40,000 đồng), cùng với thuế giá trị gia tăng (VAT). Các khoản này do hãng hàng không thu hộ và nộp lại cho cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, còn có các loại phí không cố định và có tính VAT, tùy theo chính sách của từng hãng bay. Có thể kể đến các loại phí như: phí tiện ích, phụ thu nhiên liệu chưa tính vào giá vé máy bay (để bù đắp biến động giá xăng dầu hàng không trên thị trường quốc tế), phí hành lý ký gửi mua thêm, phí chọn chỗ ngồi, hay phụ thu nếu hành khách đến trễ hoặc đổi vé…

Minh họa các yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay
Nguồn: Người viết tổng hợp

Việc nắm rõ các loại thuế và phí này giúp người tiêu dùng chủ động hơn khi so sánh giá vé giữa các hãng và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

Cẩm nang “săn” vé máy bay giá rẻ

Mặc dù giá vé máy bay hiện nay thường bị “đội” lên bởi nhiều khoản thuế và phụ phí, người tiêu dùng vẫn có thể tiết kiệm đáng kể nếu nắm rõ thời điểm và cách thức đặt vé.

Điều quan trọng đầu tiên là: đừng vội. Đặt vé sớm luôn là chiến lược hiệu quả để có được mức giá tốt. Với các chặng bay nội địa, nên đặt trước từ 4-8 tuần. Đối với các chuyến quốc tế, thời gian lý tưởng là trước từ 2-3 tháng. Việc chủ động lên kế hoạch sớm giúp tránh tình trạng giá tăng đột biến do nhu cầu cao.

Giá vé cũng “nhạy cảm” với ngày và giờ bay. Nếu có thể linh hoạt, hãy tránh đặt vé vào cuối tuần, đặc biệt là thứ Sáu và Chủ nhật - thời điểm nhu cầu di chuyển thường cao. Thay vào đó, các chuyến bay vào thứ Ba, thứ Tư, hoặc vào khung giờ ít người chọn như sáng sớm hoặc tối muộn thường có giá mềm hơn.

Thay vì truy cập từng website của hãng hàng không, những người “săn vé” có kinh nghiệm thường sử dụng các nền tảng so sánh giá như Google Flights, Skyscanner hoặc các ứng dụng như Traveloka, BestPrice… Các công cụ này cho phép theo dõi và nhận thông báo khi giá vé giảm.

Tuy nhiên, cần lưu ý: vé rẻ thường đi kèm nhiều giới hạn - không bao gồm hành lý ký gửi, suất ăn hay chọn chỗ ngồi. Nếu không tính toán kỹ, chi phí phát sinh có thể khiến tổng giá vé cao hơn dự kiến. Vì vậy, nếu chỉ bay chặng ngắn và không cần nhiều tiện ích, hãy cân nhắc bỏ qua các dịch vụ không cần thiết. Ngược lại, đôi khi chọn vé trọn gói với giá cao hơn lúc ban đầu lại tiết kiệm hơn về lâu dài.

Cuối cùng, đừng bỏ qua các ưu đãi thanh toán. Nhiều ví điện tử, ngân hàng hoặc thẻ tín dụng liên kết với hãng bay thường cung cấp mã giảm giá, chương trình hoàn tiền hoặc khuyến mãi định kỳ. Chỉ cần người dùng chịu khó để ý và tận dụng đúng lúc.

Một chiếc vé máy bay không chỉ là tấm thẻ lên đường, mà còn là bài toán kinh tế và người chiến thắng không phải là người nhanh tay hơn mà là người biết canh đúng thời điểm và chọn đúng giá.

Thiết kế: Khang Di

Khang Di

FILI - 12:00:00 12/07/2025