Lễ hội thống nhất hằng năm: Tại sao không?

Trong 5 ngày nghỉ lễ, từ 30/4 - 1/5 năm nay, doanh thu du lịch TPHCM tăng 101%. Với con số 1.95 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt 120,000 lượt, tăng gấp đôi so với 54,000 lượt của năm ngoái. Tổng thu ước đạt hơn 7,100 tỷ đồng.

Trong 15 ngày, từ 20/4 khi bắt đầu diễn ra các sự kiện sơ duyệt, tổng duyệt, bắn pháo hoa tầm cao đến 4/5, thành phố phục vụ 2.7 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt 15,700 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi mức ngành du lịch thành phố thu về trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, với 7,690 tỷ đồng, bằng doanh thu tháng 3/2024 - một trong những tháng có doanh thu cao nhất năm ngoái.

Chỉ trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 129,000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu từ dịch vụ ăn uống tăng trên 86%, lưu trú tăng gần 97% so với cùng kỳ. Dịch vụ lữ hành thu về hơn 7,000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và 10 lần so với tháng 4 của các năm 2021, 2022 và 2023.

Dù đã dự báo ngành du lịch - dịch vụ thành phố sẽ tăng cao trong tháng 4 nhưng tăng với mức 101% thì ngoài sự mong đợi. Đó là còn chưa nói đến âm hưởng kéo dài của các chương trình, sự kiện trong đời sống, sự lan tỏa và truyền đi những thông điệp đẹp, tích cực cho xã hội. Đơn cử, sau 1 số kịch mục trong chương trình văn nghệ phục vụ đại lễ mít ting 30/4, người dân trông chờ sẽ gặp lại, xem lại trong đại lễ Quốc khánh 2/9 tới. Hay hình ảnh người lính ở mọi binh chủng đều đi vào, ở lại trong lòng người dân sau lễ diễu binh, diễu hành…

Và, một ý tưởng đã được nêu ra, tại kỳ họp kinh tế, xã hội thành phố tháng 4 vào ngày 8/5 vừa qua. Theo đó, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đề xuất: "Sự hưởng ứng của tất cả tầng lớp nhân dân và kết quả nổi bật của các chuỗi sự kiện trong lễ kỷ niệm vừa qua đủ cơ sở để từng bước hình thành lễ hội thống nhất hàng năm vào dịp 30/4".

Đó là một ý tưởng hay, hợp lý và hoàn toàn khả thi

Gắn kết sự kiện với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh khai thác lễ hội du lịch - văn hóa dưới khía cạnh dịch vụ, tiêu dùng… để không chỉ phát huy những ngày cao điểm mà có thể kéo dài trong suốt nhiều tháng như một biện pháp kích hoạt có tính bền vững, thường niên.

Một trong những điểm dễ nhận diện nhất trong “mùa bội thu” vừa qua là các tour du lịch bản địa (của TPHCM) đã phát huy lợi thế. Số du khách tham quan các điểm, các tour "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" tăng vọt. Nếu biết cách khai thác tiếp ưu thế này với chất lượng cao hơn, có tính kết nối sáng tạo hơn nội vùng, liên vùng (của TPHCM mở rộng) nhất là trong vị thế thành phố có núi có biển thì sản phẩm du lịch - dịch vụ sẽ phong phú hơn lên rất nhiều.

Tất nhiên, khi hình thành và vận hành lễ hội, thành phố - nhất là TPHCM mở rộng sắp tới (bao gồm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó đặc biệt là phải sớm tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng. Như phát biểu của tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng tại Hội nghị nói trên: thành phố phải chủ động và đặc biệt hạ tầng văn hóa du lịch, dịch vụ của thành phố phải nâng cấp nhanh để chuẩn bị cho tình huống lượng người đông như vừa qua.

Đơn cử như việc bố trí cho toàn bộ cựu chiến binh cả nước về tham dự là điều bất khả thi trong điều kiện hạ tầng của thành phố hiện nay. Do đó, ban tổ chức đã không thể chủ động ngay từ đầu mà chỉ có thể xử lý theo tình huống, hoặc vì không thể đáp ứng được hết nên mới phát sinh một số trường hợp “dành chỗ” xấu xí hay “nhường chỗ” rất đáng ghi nhận như vừa qua.

Không chỉ không gian phục vụ lễ hội mà hệ thống giao thông cũng là một “điểm nghẽn” lớn của thành phố, kéo theo đó là các loại hình phương tiện giao thông công cộng đủ sức phục vụ lượng khách tăng đột biến (trên 100% như 5 ngày nghỉ lễ vừa qua), cơ sở lưu trú, dịch vụ giải trí, mua sắm, ăn uống được tổ chức chuyên nghiệp, phong phú chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý…

Hơn nữa, nếu hình thành một lễ hội, trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay thì song song các hoạt động thực tế có tính “truyền thống” còn có các hoạt động trên không gian mạng, nhất là qua social và các nền tảng đa phương tiện, phục vụ cho công dân số. Chính sức lan tỏa dù “ảo” nhưng tác động, kích thích và lôi kéo được du khách-thực đến với lễ hội.

Đúng là đã đến lúc cần “nghĩ lớn, làm lớn” để tương xứng với không gian rộng lớn, đa dạng, đa chiều của TPHCM mở rộng, càng mở rộng lại càng cần có sự thống nhất, kết nối, lan tỏa, trong đó Lễ hội Thống nhất của đất nước - TPHCM sau cột mốc 50 năm hòa bình là hết sức chí lý.

Quốc Học

FILI - 10:50:00 11/05/2025