Ngành Ngân hàng và Tòa án phối hợp gỡ vướng trong xử lý tranh chấp tín dụng

Hoạt động xử lý nợ xấu và tranh chấp liên quan tổ chức tín dụng (TCTD) đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các vụ kiện ngày càng gia tăng, kéo theo nhiều vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ, đòi hỏi tăng cường phối hợp giữa ngành ngân hàng, tòa án và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD, đồng thời bảo vệ sự minh bạch, ổn định của hệ thống tài chính.

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân" - Ảnh: VGP/HT

Tín dụng tăng trưởng, tranh chấp cũng gia tăng

Phát biểu tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân" tổ chức ngày 18/7, tại TP Nha Trang, ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH), nhấn mạnh công tác xử lý nợ xấu những năm qua đạt kết quả thực chất, góp phần lành mạnh hóa hoạt động TCTD. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng ổn định hơn, giảm áp lực rủi ro.

Song song, từ năm 2020 đến nay, quy mô hoạt động TCTD tăng mạnh, kéo theo các vụ tranh chấp ngày càng nhiều. HHNH cho biết các TCTD phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình tòa án giải quyết vụ án.

Cụ thể là vấn đề thời gian giải quyết vụ án, quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm trễ tại một số ngân hàng.

TCTD phản ánh về số vụ án đổ dồn về Tòa án nơi có trụ sở của TCTD, Tòa án nơi có Chi nhánh của TCTD (Tòa án không đồng ý thụ lý, hoặc thụ lý nhưng vẫn chuyển về Tòa án nơi bị đơn có trụ sở/nơi cư trú, làm việc…).

Các TCTD cũng phản ánh một số vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại TCTD, nhưng TCTD không nhận được thông báo của Tòa án về tham gia tố tụng trong vụ án.

Về xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm, TCTD phản ánh về việc các đương sự không hợp tác, chống đối, gây rối, đóng cửa, bỏ đi, vắng mặt; chưa có quy định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; các tranh chấp có nhiều tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất với diện tích rộng, ranh giới không rõ ràng việc thẩm định tại chỗ, đo đạc thực tế và xác định vị trí tranh chấp khó khăn.

Các TCTD phản ánh gặp vướng mắc về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình; tranh chấp về tài sản bảo đảm của hộ gia đình sử dụng đất.

Về việc hoàn trả, xử lý vật chứng trong vụ án hình sự phản ánh tài sản đã được giao dịch hợp pháp với TCTD (bên thứ ba ngay tình) nhưng vẫn bị tuyên vô hiệu, hủy bỏ. tài sản bảo đảm bị "đóng băng" trong khi công tác tố tụng có thể kéo dài nhiều năm khiến TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.

"Trong các vướng mắc nêu trên, có nguyên nhân xuất phát từ TCTD, có nguyên nhân do quan điểm về áp dụng quy định của pháp luật, về cách đánh giá chứng cứ của những người tiến hành tố tụng. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất về các tình huống nêu trên để Tòa án các cấp áp dụng giải quyết các tình huống thực tiễn phát sinh", ông Phạm Toàn Vương nhấn mạnh.

Ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo- Ảnh: VGP/HT

Các vấn đề pháp lý nổi bật cần tháo gỡ

Về pháp lý, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) chỉ ra ba nhóm vấn đề nổi bật.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN - Ảnh: VGP/HT

Thứ nhất, về lãi suất cho vay khi xử lý tài sản cầm cố, một số bản án sơ và phúc thẩm bác yêu cầu TCTD tính lãi trên dư nợ chưa tất toán, dù thỏa thuận hợp đồng và chứng từ hợp lệ. NHNN viện dẫn Luật Các TCTD, văn bản hướng dẫn, và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, nhấn mạnh tòa án cần áp dụng đúng quy định để bảo vệ quyền thu hồi nợ. Thực tế, TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án sơ và phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại.

Thứ hai, về lãi suất thỏa thuận. Theo NHNN, lãi suất giữa TCTD và khách hàng dựa trên cung cầu vốn thị trường, do đó khách hàng phải trả gốc, lãi và lãi chậm trả nếu vi phạm. Khi xét xử, tòa án cần áp dụng Luật Các TCTD và các văn bản liên quan, thay vì sử dụng giới hạn lãi suất trong Bộ luật Dân sự, để đảm bảo quyền lợi các bên.

Thứ ba, về việc tòa án không tính lãi sau ngày khởi tố vụ án hình sự. NHNN cho rằng cần xác định thiệt hại của TCTD đến thời điểm xét xử sơ thẩm, vì ngân hàng vẫn phải trả chi phí vốn và chưa thu hồi nợ. Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP cũng quy định thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, phù hợp đề xuất này.

Đặc biệt, với quy định "người thứ ba ngay tình", NHNN lưu ý nhiều TCTD mất quyền bảo đảm do giao dịch thế chấp bị vô hiệu vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy hoặc có giả mạo. Trong khi các ngân hàng thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định và không có lỗi, họ vẫn bị rủi ro pháp lý lớn. Các ngân hàng đề nghị TAND Tối cao hướng dẫn bổ sung, đảm bảo quyền xử lý tài sản nếu giao dịch hợp pháp.

Nhiều ngân hàng cũng phản ánh phán quyết tòa án buộc họ hoàn trả khoản tiền bảo lãnh đã chi trả cho bên thụ hưởng, mặc dù thư bảo lãnh vô điều kiện đã đáp ứng quy định. Theo Luật Các TCTD và thông tư NHNN, TCTD có nghĩa vụ chi trả khi chứng từ hợp lệ, không cần yêu cầu thêm điều kiện.

Đại diện Vụ Pháp chế NHNN kiến nghị TAND Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật rõ ràng, đẩy mạnh tập huấn thẩm phán, đồng thời tạo cơ chế trao đổi liên ngành với Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án và HHNH để rút ngắn thời gian xét xử và thi hành.

Các đề xuất cụ thể gồm: Cho phép TCTD kê biên, phát mại tài sản bảo đảm khi bản án có hiệu lực; ban hành quy định xử lý khi đương sự không hợp tác; áp dụng thủ tục rút gọn với tranh chấp đáp ứng tiêu chí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản tranh chấp; và hướng dẫn thống nhất về xử lý vật chứng trong án hình sự, để tài sản hợp pháp sớm được trả cho ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc HHNH nêu kiến nghị - Ảnh: VGP/HT

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc HHNH kiến nghị: Cần có văn bản của TAND Tối cao yêu cầu Tòa án các cấp khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải xử lý hậu quả theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Tòa án cần ghi nhận đầy đủ cơ sở pháp lý, ý kiến của các bên liên quan trong các vụ tranh chấp.

Hiệp hội kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn rõ việc TCTD được quyền kê biên, phát mại tài sản bảo đảm ngay sau khi bản án có hiệu lực. Đồng thời, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng tài sản tranh chấp, đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong quá trình thi hành án.

TAND Tối cao được đề nghị có nghị quyết hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn cho các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quyền xử lý tài sản bảo đảm, hoặc hợp đồng tín dụng không có tài sản bảo đảm khi đáp ứng tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn để Tòa án khu vực có thể chuyển vụ án sang khu vực khác nhằm nhập hoặc tách vụ án, cũng như phân định rõ thẩm quyền giải quyết...

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND Tối cao, nhận định tranh chấp tín dụng phức tạp, không chỉ về nợ mà còn liên quan tài sản chung, thừa kế, và nhiều quan hệ pháp luật khác. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi thường nằm ở tài sản bảo đảm, đòi hỏi xử lý chính xác để giảm rủi ro. Ông Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết trong thực tế hợp đồng tín dụng ba bên: người vay, bên bảo đảm và ngân hàng, cần minh bạch và tuân thủ chặt chẽ.

Các đại biểu thống nhất cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng, tòa án và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các TCTD, đồng thời bảo vệ sự minh bạch, ổn định của hệ thống tài chính.

Khang Di

FILI - 13:54:49 18/07/2025