Nhìn về nửa cuối 2025, chứng chỉ quỹ được nhiều chuyên gia "chọn mặt gửi vàng"

Tại hội thảo tổ chức bởi VNSC by Finhay với chủ đề “Triển vọng & cơ hội đầu tư nửa cuối 2025”, các chuyên gia đã đưa ra những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới và gợi ý chiến lược, kênh đầu tư phù hợp.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng & cơ hội đầu tư nửa cuối 2025" chiều ngày 16/07.

Thuế quan, nâng hạng và dòng vốn ngoại cần đặc biệt lưu tâm

Dự báo thị trường trong nửa cuối năm nay, ông Phùng Minh Hoàng - Chuyên gia phân tích cao cấp, Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM) cho biết có ba yếu tố sẽ chi phối.

Thứ nhất là vấn đề thuế quan. Dù là yếu tố chính trong nửa đầu năm, nhưng đến nay câu chuyện này vẫn chưa kết thúc, có cả rủi ro tích cực và tiêu cực. Việc Mỹ công bố mức thuế 20% là khá tích cực, thấp hơn nhiều so với mức 46% trước đó, giúp giảm rủi ro. So với các nước đối thủ, mức 20% không tạo ra sự chênh lệch lớn và không làm thay đổi triển vọng dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất định xoay quanh các thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt và định nghĩa hàng hóa thuần Việt hay trung chuyển. Ngoài ra, khả năng các nước đối thủ đàm phán được mức thuế tốt hơn cũng là rủi ro cần theo dõi.

Thứ hai là câu chuyện nâng hạng thị trường. Việt Nam đã vào danh sách theo dõi của FTSE từ 2018 nhưng chưa đạt tiến bộ rõ rệt. Gần đây, các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực đáp ứng tiêu chí thị trường mới nổi, như giải quyết vấn đề non-prefunding hay triển khai hệ thống KRX. Qua các buổi làm việc với đại diện FTSE, ông Hoàng nhận thấy tín hiệu khá tích cực. Nếu lạc quan, Việt Nam có thể được nâng hạng vào tháng 9-10 năm nay, nếu chậm hơn sẽ rơi vào đầu năm 2026.

Thứ ba, dòng vốn ngoại đang quay lại, thể hiện qua hành động mua ròng mạnh sau thông tin về thuế 20%. Trong 3-5 năm qua, thị trường Việt Nam bị bán ròng khoảng 5-6 tỷ USD do đồng USD mạnh và xu hướng đầu tư theo trào lưu AI tại Mỹ. Tuy nhiên, đầu năm 2025, xu hướng AI tại Mỹ bắt đầu chững lại, trong khi đồng USD yếu đi rõ rệt (chỉ số DXY giảm hơn 10% trong nửa đầu năm). Điều này khiến nhà đầu tư toàn cầu tái cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng Mỹ, tăng phân bổ vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Xu hướng của nền kinh tế, chính sách tài khóa và tiêu dùng mở ra cơ hội đầu tư

Trước câu hỏi về những nhóm ngành nào hiện nay đang có định giá hợp lý, phù hợp cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn, theo ông Vương Khắc Huy - Trưởng phòng phân tích và đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN), có ba xu hướng chính mà nhà đầu tư cần quan tâm.

Thứ nhất là xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhà đầu tư phải xác định rằng Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng, mọi nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ đều hướng đến việc thúc đẩy tăng trưởng. Khi nền kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, làm ăn tốt và ghi nhận lợi nhuận tốt hơn.

Thứ hai là chính sách tài khóa mở rộng. Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khóa mà đặc biệt là đầu tư công sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính cho tăng trưởng. Đầu tư công như ngọn lửa lan tỏa, quan trọng nhất là hiệu ứng lan tỏa từ khu vực công sang khu vực tư nhân, kích thích doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo hiệu ứng tích cực lên toàn nền kinh tế.

Thứ ba là xu hướng tiêu dùng hồi phục. Đây là cấu phần lớn nhất và cũng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Những năm gần đây, tiêu dùng có phục hồi nhưng vẫn chưa đạt tiềm năng vốn có. Kỳ vọng trong thời gian tới, tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh, đặc biệt nếu được tiếp sức từ đầu tư công. Mức tăng trưởng kỳ vọng là hai chữ số trở lên.

Dựa trên ba xu hướng đó, ông Huy đánh giá và lựa chọn một số nhóm ngành phù hợp với phong cách đầu tư dài hạn. Có thể kể tới nhóm hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ đầu tư công, như xây dựng, bất động sản, hạ tầng.... Ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công giúp khơi thông dòng chảy tín dụng. Nhóm hàng tiêu dùng, bao gồm nhóm doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn, dự kiến có tăng trưởng mạnh, đặc biệt có một nhóm tiêu dùng thiết yếu, định giá thấp nhưng có biên lợi nhuận cao, uy tín, tài chính lành mạnh, đang bị thị trường tạm lãng quên nhưng có thể bật lên mạnh mẽ khi chu kỳ thị trường đổi chiều. Đồng thời, ngành công nghệ là xu hướng dài hạn, tiềm năng lớn trong tương lai.

Đánh giá kênh đầu tư dự báo có sức hút lớn hơn trong 6 tháng cuối năm, ông Huy cho rằng việc lựa chọn kênh đầu tư nên được đặt trong bối cảnh của một số xu hướng chính để đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

Theo chuyên gia DFVN, bối cảnh hiện nay đang là mặt bằng lãi suất thấp nhằm kích thích nền kinh tế; cấu trúc và khung pháp lý các sản phẩm tài chính ngày càng minh bạch, rõ ràng và chuẩn chỉnh hơn giúp củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư; cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ tài chính (fintech).

Từ ba xu hướng này, chứng chỉ quỹ là kênh đầu tư dài hạn phù hợp cho các cá nhân có mục tiêu tích lũy tài sản bền vững, kể cả từ số tiền nhỏ. Tuy nhiên, ông Huy nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư nên xem chứng chỉ quỹ như một công cụ cho kế hoạch tài chính lâu dài, chứ không nên coi đây là công cụ đầu cơ để “lướt sóng” kiếm lời ngắn hạn.

Về phân bổ danh mục đầu tư, ông Nguyễn Minh Hoàng (PHFM) cho rằng, trong môi trường lãi suất thấp, các kênh như cổ phiếu và bất động sản thường có hiệu quả đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, với nhà đầu tư vốn nhỏ, mua bất động sản vật lý là không khả thi do giá quá cao. Do đó, chuyên gia PHFM gợi ý một tỷ trọng phân bổ danh mục bao gồm cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ cổ phiếu 50-70%, vì đây là kênh có tiềm năng tăng trưởng tốt, phù hợp với xu hướng thị trường; trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ trái phiếu 20-30%, để đảm bảo thu nhập ổn định, lợi suất cao hơn gửi tiết kiệm và kiểm soát rủi ro tổng thể danh mục; vàng 10-20%, như một công cụ phòng hộ trước bất định vĩ mô toàn cầu, nhất là khi các yếu tố địa chính trị và tiền tệ còn nhiều biến động.

Chọn quỹ ESG để tối ưu hóa danh mục và quản trị rủi ro một cách bền vững

Chia sẻ tại chương trình, ông Trương Minh Hùng - Giám đốc Bộ phận ESG, Công ty Quản lý Quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM) cho biết, ESG hiện nay không chỉ là một xu hướng đầu tư toàn cầu, mà còn là cách tiếp cận nhằm tối ưu hóa danh mục và quản trị rủi ro một cách bền vững. ESG là viết tắt của ba yếu tố gồm E - Môi trường (Environment), S - Xã hội (Social) và G - Quản trị doanh nghiệp (Governance).

Ví dụ đơn giản khi một công ty có hệ thống xả thải kém có thể gặp rủi ro pháp lý, bị khách hàng quay lưng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngược lại, doanh nghiệp đầu tư bài bản cho xử lý môi trường sẽ giảm thiểu rủi ro trong dài hạn, đó chính là lợi ích ESG mang lại.

Tuy nhiên, việc đánh giá ESG một cách toàn diện là rất khó với nhà đầu tư cá nhân do cần nhiều kiến thức chuyên môn. Nếu muốn tự tìm hiểu, ông Hùng cho rằng nên bắt đầu từ yếu tố G - quản trị doanh nghiệp, vì đây là phần dễ đánh giá nhất. Những doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt thường cũng sẽ quan tâm tới yếu tố môi trường và xã hội.

Trong trường hợp không có thời gian hay kinh nghiệm, nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ tích hợp yếu tố ESG, tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều quỹ chuyên ESG.

Huy Khải

FILI - 11:37:32 17/07/2025