Quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng phải có khuyến cáo rõ ràng, cấm gắn với bác sĩ

Theo dự thảo mới từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quảng cáo các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe phải tuân thủ nội dung bắt buộc, không gây hiểu nhầm là thuốc và không được gắn với hình ảnh, tên tuổi cơ sở y tế, nhân viên y tế.

Quy định chặt chẽ với từng nhóm sản phẩm đặc biệt

Tại Chương II, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo đã bổ sung, hoàn thiện quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về nội dung quảng cáo bắt buộc, nội dung khuyến cáo, nội dung cảnh báo, hành vi bị cấm trong quảng cáo đối với từng nhóm sản phẩm.

Dự thảo Nghị định liệt kê cụ thể 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đặc biệt bao gồm: mỹ phẩm; thực phẩm chức năng và các nhóm thực phẩm chuyên biệt; sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ; hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn; thiết bị y tế; dịch vụ khám chữa bệnh; các nhóm thuốc và vật tư nông nghiệp - chăn nuôi; phân bón, giống cây trồng; thuốc; và đồ uống có cồn.

Bộ đề xuất nội dung quảng cáo các nhóm sản phẩm trên phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu bắt buộc (tên sản phẩm, công dụng, tên và địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm…), đi kèm cảnh báo hoặc khuyến cáo cụ thể tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ. Đáng chú ý, ngoài việc liệt kê cụ thể, Dự thảo còn mở rộng cơ chế để Chính phủ có thể bổ sung nhóm sản phẩm mới theo từng thời kỳ.

Tăng cường khuyến cáo, cảnh báo đối với mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

Với mỹ phẩm, ngoài việc phải nêu rõ tên, công dụng, đơn vị chịu trách nhiệm và cảnh báo theo hiệp định quốc tế, Dự thảo lần đầu tiên bổ sung quy định cấm sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ trong quảng cáo - nhằm ngăn ngừa tình trạng gây hiểu nhầm mỹ phẩm là thuốc. Nội dung này được siết chặt hơn so với Nghị định 181/2013/NĐ-CP trước đây.

Với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nội dung quảng cáo phải thể hiện rõ cụm từ nhận diện từng loại sản phẩm, đồng thời phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" - kể cả trong trường hợp quảng cáo âm thanh dưới 15 giây, khuyến cáo này vẫn phải hiển thị bằng hình ảnh. Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu nêu rõ công dụng, tên, địa chỉ nhà sản xuất và tổ chức chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Riêng sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, quảng cáo phải bắt đầu bằng thông điệp "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" và ghi rõ "Sản phẩm này là thức ăn bổ sung cho trẻ trên 6 tháng tuổi".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đăng tải Dự thảo để lấy ý kiến người dân trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. 

Tùng Phong

FILI - 21:13:00 16/07/2025