Quỹ tài trợ – “Nguồn sống” của các đại học Mỹ

Dù đang có nhiều tranh cãi về chính sách và áp lực mới, mô hình quỹ tài trợ đại học của Mỹ đã góp phần quan trọng tạo dựng nền tảng tài chính ổn định cho nghiên cứu và giáo dục bậc cao.

Quỹ tài trợ là gì ?

Quỹ tài trợ (endowment) là những khoản đóng góp dài hạn từ các nhà hảo tâm, cựu sinh viên hoặc các quỹ từ thiện dành cho các cơ sở giáo dục, nghiên cứu.

Đây là khoản tiền đầu tư của những tổ chức phi lợi nhuận như trường đại học, viện nghiên cứu được dùng cho các mục đích phù hợp với ý nguyện của người tặng.

Nguyên tắc chung là không tiêu hết gốc, mà chỉ sử dụng lợi nhuận đầu tư, thông thường khoảng 4 - 5%, giá trị quỹ mỗi năm để đảm bảo tính bền vững. Cách vận hành này thường được gọi là “mô hình Yale” – một chiến lược phân bổ tài sản nổi tiếng do David Swensen khởi xướng tại Đại học Yale.

Mô hình này thiên về chiến lược dài hạn, tìm kiếm các quản lý tài sản tốt nhất và đa dạng hóa danh mục (tập trung nhiều vào cổ phiếu và tài sản thay thế). Nhờ vậy, quỹ có thể chấp nhận rủi ro cao hơn với kỳ vọng lợi suất lớn hơn so với kênh đầu tư truyền thống.

Thông thường quỹ tài trợ có chính sách rút ra giới hạn, chẳng hạn chỉ 4 - 5% giá trị quỹ mỗi năm, nhằm đảm bảo quỹ tồn tại mãi mãi. Thực tế, thu nhập của quỹ tài trợ đã cung cấp nguồn tài chính ổn định cho các hoạt động quan trọng như tài trợ học bổng, vị trí giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale, Stanford,...

Thực trạng các quỹ tài trợ của các trường đại học Mỹ

Theo nghiên cứu gần nhất của NACUBO-Commonfund công bố đầu năm 2025, 658 trường đại học tham gia khảo sát có tổng cộng khoảng 873.7 tỷ USD tài sản quản lý thuộc các quỹ tài trợ.

Năm 2024, các quỹ này đạt lợi suất đầu tư trung bình 11.2% (sau phí),cao hơn đáng kể so với mức ~7.7% của năm 2023 (lợi suất trung bình hàng năm trong 10 năm qua đạt 6.8%/năm). Về lâu dài, kết quả thu nhập của các quỹ này dự kiến vẫn bền vững nhờ đa dạng danh mục và triển vọng tăng trưởng, nhưng cũng chịu tác động từ chu kỳ kinh tế thế giới.

Các trường đã rút tổng cộng khoảng 30 tỷ USD từ quỹ để chi tiêu, tăng 6.4% so với năm trước. Trong đó, gần một nửa số này (48.1%) dành cho học bổng sinh viên, 17.7% cho hoạt động học thuật, 10.8% cho các vị trí giảng dạy, 6.7% cho bảo trì cơ sở vật chất và phần còn lại cho các mục đích khác. Bình quân, quỹ tài trợ đóng góp khoảng 15.3% chi phí hoạt động hàng năm của các trường đại học Mỹ.

Về cơ cấu tài sản, các quỹ endowment theo mô hình Yale thường đa dạng hóa rất mạnh. Danh mục của họ gồm nhiều loại tài sản từ cổ phiếu niêm yết, trái phiếu cho đến các khoản đầu tư thay thế (quỹ đầu tư tư nhân, quỹ phòng hộ, bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài sản vật chất khác…).

Điều này giúp tối ưu hóa lợi nhuận nhưng đồng thời cũng mang đến rủi ro và hạn chế về thanh khoản.

Mặt trái của các quỹ tài trợ

Dù là mô hình tư nhân hóa nguồn lực tài chính phi lợi nhuận để thúc đẩy khoa học, song gần đây quỹ endowment cũng bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị. Đặc biệt, có những cảnh báo rằng có quốc gia đã đẩy mạnh “đầu tư mềm” vào giáo dục Mỹ để thu lợi tri thức và gia tăng ảnh hưởng tư tưởng.

Ví dụ, các Viện Khổng Tử do Chính phủ Trung Quốc tài trợ trên nhiều đại học Mỹ từng bị Thượng viện Mỹ chỉ trích mạnh mẽ. Báo cáo của Ủy ban Điều tra Thượng viện Mỹ nêu rõ ngân sách cho Viện Khổng Tử kèm theo “những điều khoản có thể làm tổn hại tự do học thuật”, trong đó chính quyền Trung Quốc phê chuẩn toàn bộ giáo viên, sự kiện và diễn giả.

Tương tự, các quan chức Quốc hội Mỹ cũng đang yêu cầu các đại học lớn rà soát và loại bỏ các khoản đầu tư hoặc nguồn tài trợ có liên quan đến các công ty Trung Quốc bị coi là “đối thủ.

Rắc rối dưới thời nhiệm kỳ Trump 2.0

Dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump tái đắc cử, các chính sách với giáo dục đại học trở nên cứng rắn hơn.

Mới đây, Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật chi tiêu liên bang, trong đó tăng thuế trên lợi tức đầu tư của quỹ endowment lên rất cao, từ mức 1.4% hiện tại có thể lên tới 21% đối với các trường đại học danh tiếng nhất.

Lý do được đưa ra là nhằm “truy thu các trường đại học tự cho mình đặc quyền về thuế” và kiềm chế những trường bị cho là quá “thân tả”. Giới học thuật lo ngại động thái này sẽ buộc họ phải cắt giảm chi tiêu cho học bổng, nghiên cứu và giảng viên.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu minh bạch tuyệt đối mọi dòng vốn nước ngoài chảy vào các trường đại học Mỹ.

Cụ thể, tất cả khoản đóng góp từ đối tác nước ngoài phải công khai đầy đủ cả nguồn gốc và mục đích, đồng thời Bộ Giáo dục và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành thanh tra, điều tra bất kỳ trường nào không tuân thủ.

Chính quyền Trump viện dẫn con số 60 tỷ USD tài trợ nước ngoài đã chảy vào hệ thống đại học Mỹ trong vài thập niên qua mà thiếu kiểm soát, được mô tả như một “hố đen” cần được soi sáng. Và các biện pháp mạnh tay khác cũng đã được đẩy mạnh.

Gần nhất, chính quyền Trump đã thu hồi quyền cấp visa du học sinh cho Đại học Harvard, một động thái trừng phạt những gì được cho là vi phạm tự do học thuật.

Tất cả yếu tố nói trên, cộng hưởng với bối cảnh kinh tế khó khăn từ khủng hoảng trần nợ công, lãi suất cao, đến biến động mạnh trên thị trường trái phiếu, đã đặt thêm áp lực lên các quỹ endowment, đặc biệt là về giá trị và tính thanh khoản.

Mới đây, trong một buổi phỏng vấn với Đại học Austin, nhà đầu tư huyền thoại Bill Ackman (cũng là cựu sinh viên Harvard), đã công khai bày tỏ lo ngại rằng các tài sản trong quỹ endowment của Harvard có thể đang bị định giá quá cao so với giá trị thực tế.

Theo ông Bill Ackman, phần lớn danh mục của Harvard bao gồm các tài sản thay thế như bất động sản, quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm – những khoản đầu tư kém thanh khoản và không định giá theo thị trường hàng ngày.

Ông chỉ ra rằng khi các tài sản này bị đòn bẩy tài chính lớn, một mức giảm nhỏ trong giá trị cơ sở có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về vốn chủ sở hữu. Bill Ackman cho rằng, nếu Harvard buộc phải bán nhanh danh mục này vì áp lực thanh khoản, giá trị thu về có thể chỉ bằng 40% giá trị sổ sách hiện tại – dù một số chuyên gia phản biện rằng con số hợp lý hơn là chiết khấu 7–15%.

Kết luận

Dù đang có nhiều tranh cãi về chính sách và áp lực mới, mô hình quỹ tài trợ đại học của Mỹ đã góp phần quan trọng tạo dựng nền tảng tài chính ổn định cho nghiên cứu và giáo dục bậc cao.

Phần lớn quỹ này cam kết “bảo tồn gốc vốn để tương lai còn được hưởng lợi” và đã giúp nguồn lực đại học hàng thập kỷ qua duy trì ổn định.

Mong rằng trong các bước điều chỉnh chính sách sắp tới, các nhà làm luật sẽ cân nhắc sao cho không làm suy giảm nguồn lực phục vụ khoa học và học thuật – những giá trị xuyên thế hệ mà quỹ endowment đã mang lại cho nước Mỹ.

Chính quyền Trump cấm Harvard tuyển sinh viên nước ngoài

LH

fili - 09:02:35 24/05/2025