Tại sao gói kích thích tiêu dùng của Trung Quốc lại thất bại?
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, Bắc Kinh đang đặt hy vọng vào 1.4 tỷ người tiêu dùng trong nước để bù đắp thiệt hại bằng cách tăng chi tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn tiếp tục tích lũy tiết kiệm thay vì mở hầu bao.
Câu chuyện của Zhuang Chengzhan tại Thượng Hải phản ánh rõ nét tâm lý này. Người đàn ông 42 tuổi làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận cho biết anh phải kiểm soát chặt chẽ chi tiêu để trả nợ thế chấp cho căn hộ mua với giá 2.2 triệu Nhân dân tệ năm 2017, nhưng hiện chỉ còn trị giá khoảng 1.8 triệu Nhân dân tệ (250,000 USD). Zhuang ước tính phần lớn lương của anh được dùng để trả khoản vay còn lại 300,000 Nhân dân tệ.
"Tôi đã mất khoảng 1 triệu Nhân dân tệ trên thị trường bất động sản kể từ năm 2022, đủ để mua một chiếc Porsche. Thật không thể tin được khi tài sản có thể bay hơi chỉ trong vài năm", anh chia sẻ.
Mặc dù Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng 5.3% trong nửa đầu năm nhờ xuất khẩu mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước vẫn ở mức ảm đạm. Các chủ sở hữu nhà đang thắt chặt chi tiêu do lo ngại tài sản tiếp tục bị xói mòn trong bối cảnh giá bất động sản suy giảm kéo dài và thị trường việc làm trì trệ.
"Ngày càng nhiều người Trung Quốc trở nên lo lắng về cách bảo vệ tài sản đã tích lũy", Giáo sư tài chính Chen Zhiwu từ Đại học Hồng Kông nhận xét. "Có một cảm giác bất an tài chính lan tỏa trong xã hội”.
Xu hướng chi tiêu yếu này là tín hiệu báo động cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt khi Trung Quốc đang đấu tranh để thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong lúc thuế quan cao của ông Trump đe dọa làm giảm nhu cầu xuất khẩu trong nửa cuối năm.
Các nhà kinh tế cảnh báo Trung Quốc có thể đang đối mặt với sự thay đổi đau đớn trong mô hình tăng trưởng. "Quốc gia không thể tái cân bằng nền kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng mà không có sự chậm lại lớn trong tăng trưởng kinh tế", bà Sima Jing, Chuyên gia chiến lược đầu tư Trung Quốc tại BCA Research, nhận định.
Bà dự báo trong 6-12 tháng tới, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc có thể vẫn dưới mức trước đại dịch, và Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực vào sản xuất cao cấp bất chấp tình trạng công suất dư thừa.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kích thích tiêu dùng năm nay, bao gồm tăng gấp đôi quy mô trợ cấp chương trình đổi cũ lấy mới lên 300 tỷ Nhân dân tệ, tăng lương hưu cơ bản 2% và thử nghiệm trợ cấp khuyến khích sinh con.
Tổng tiền gửi và dư nợ của hộ gia đình
Đvt: Trăm triệu Nhân dân tệ
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy xu hướng chi tiêu ít và tiết kiệm nhiều của các gia đình Trung Quốc dường như đã “bám rễ sâu” - một hiện tượng có điểm tương đồng với Nhật Bản sau vụ sụp đổ bất động sản cuối những năm 1980.
Người dân Trung Quốc đã gửi 10.7 ngàn tỷ Nhân dân tệ vào ngân hàng trong nửa đầu năm, chỉ vay thêm 1.17 ngàn tỷ Nhân dân tệ, tạo ra kỷ lục tiết kiệm ròng 78 ngàn tỷ Nhân dân tệ theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Đồng thời, tăng trưởng bán lẻ - chỉ số tiêu dùng quan trọng - bất ngờ mất đà trong tháng 6 sau đợt tăng ngắn ngủi tháng 5. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng ít cải thiện so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 11/2022.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng
Vấn đề cốt lõi theo nhiều nhà phân tích vẫn là sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản. Kể từ giữa 2021, giá nhà đã giảm 15%, xóa sổ ít nhất 103 ngàn tỷ Nhân dân tệ tài sản hộ gia đình trên giấy - con số tương đương 77% GDP Trung Quốc năm 2024, theo tính toán của nhà kinh tế Adam Wolfe từ Absolute Strategy Research.
Quy mô suy giảm này thậm chí vượt qua những gì các hộ gia đình Mỹ phải chịu từ 2007-2012, khi mất mát giá trị bất động sản dân cư chỉ bằng 40% GDP năm 2012.
Goldman Sachs ước tính giá nhà Trung Quốc, đã giảm 20% từ đỉnh năm 2021, có thể giảm thêm 10% nữa trước khi ổn định vào năm 2027.
Gánh nặng nợ cao là rào cản khác. Chủ nhà bắt đầu trả nợ thế chấp từ 2022 khi nợ hộ gia đình lên tới 145% thu nhập, kìm hãm tiêu dùng và thúc đẩy tiết kiệm.
Thị trường lao động yếu cũng làm nản lòng chi tiêu, làm suy yếu kế hoạch kích thích tiêu dùng 300 tỷ nhân dân tệ của Chính phủ. Do chính sách thương mại thất thường của ôngTrump, các nhà máy cắt giảm tuyển dụng. Chỉ số việc làm sản xuất trong PMI đã co hẹp liên tục từ tháng 2/2023.
Capital Economics tính toán gần 6 triệu người (1.3% lực lượng lao động thành thị) có nguy cơ mất việc trực tiếp do thuế quan Mỹ. Ngành dịch vụ thay thế thường trả lương thấp hơn – người lao động ngành bán lẻ kiếm ít hơn 12% so với sản xuất, ngành khách sạn ít hơn 17%.
"Các việc làm mới được tạo ra để thay thế những việc đã mất thường được trả lương thấp hơn, điều này sẽ cản trở nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng", Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định.
Đối với Zhuang ở Thượng Hải, phiếu ưu đãi đổi cũ lấy mới không khuyến khích mua sắm - anh chỉ mua một tủ lạnh mới 700 Nhân dân tệ. Lo lắng tài chính vẫn ám ảnh anh khi không được tăng lương suốt ba năm. Mặc dù dự định kết hôn, anh đã từ bỏ kế hoạch mua nhà lớn hơn.
"Tôi cần tiết kiệm để phòng khi bị sa thải, có đủ tiền trả nợ thế chấp", anh nói.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)