Thuế quan, Apple và 'núi' tiền mặt: Những điểm "nóng" chờ Warren Buffett giải đáp tại đại hội Berkshire Hathaway
Khi bước lên sân khấu tại cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway vào ngày 03/05, Warren Buffett sẽ thu hút sự chú ý tuyệt đối của giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là khi huyền thoại 94 tuổi đã chọn cách tránh xa ánh đèn sân khấu trong suốt thời gian qua.
Với tư cách là Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway, ông Buffett đã kiềm chế không đưa ra bình luận về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump cũng như triển vọng bấp bênh của nền kinh tế. "Nhà hiền triết xứ Omaha" cũng hầu như không chia sẻ suy nghĩ về động thái đầu tư gây sốc nhất của Berkshire trong năm qua: Quyết định cắt giảm mạnh cổ phần tại Apple nhưng vẫn giữ gã khổng lồ công nghệ này là khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất của tập đoàn tính đến tháng 12/2024.
![]() Nhà hiền triết xứ Omaha Warren Buffett
|
“Tiếng nói đáng tin cậy nhất”
"Mọi người đều muốn nghe quan điểm của ông về thuế quan", Steven Check, Giám đốc đầu tư của Check Capital Management và là cổ đông lâu năm của Berkshire Hathaway, chia sẻ. "Ông luôn là tiếng nói đáng tin cậy nhất trên thị trường, trong suốt nhiều thập kỷ qua”.
Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều biến động, các nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi để phân tích từng lời phát biểu của ông Buffett tại cuộc họp ở Omaha, Nebraska. Họ tìm kiếm gợi ý về cách "nhà hiền triết xứ Omaha" nhìn nhận thuế quan của Mỹ, phản ứng của các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như hiểu sâu hơn về định hướng tương lai của chính Berkshire Hathaway.
Ở tuổi 94, ông Buffett là bậc trưởng lão không thể thiếu của Phố Wall. Thành tích vang dội của ông trong việc biến Berkshire Hathaway từ một nhà sản xuất dệt may đang gặp khó khăn thành công ty có giá trị nhất nước Mỹ ngoài lĩnh vực công nghệ đã khiến các nhà đầu tư, kể cả những người không phải cổ đông của ông, đều lắng nghe khi ông lên tiếng.
Qua nhiều thập kỷ, ông Buffett hiếm khi im lặng - dù là khi khuyến khích các nhà đầu tư mua cổ phiếu Mỹ trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09, chỉ trích các chiến thuật và các khoản phí trên Phố Wall, hay gọi Bitcoin là "thuốc chuột".
Tuy nhiên, trong thời điểm bất thường này của nền kinh tế và thị trường, một số người theo dõi Buffett không nên chờ đợi một lời chỉ trích gay gắt từ ông với việc áp thuế của Tổng thống Trump. Ông Buffett có thể thẳng thắn, nhưng hiếm khi muốn rơi vào một cuộc tranh cãi công khai, đặc biệt là với một vị Tổng thống thường xuyên bày tỏ bất bình trên mạng xã hội.
"Ông ấy có kiến thức sâu rộng đáng kinh ngạc và luôn đặt mọi thứ vào đúng bối cảnh", Darren Pollock, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Cheviot Value Management, chia sẻ. "Tôi rất muốn nghe suy nghĩ của ông về vấn đề này nhưng không dám hy vọng nhiều vì tôi không nghĩ ông muốn chỉ trích một cách công khai”.
Khi được hỏi về thuế quan trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đầu năm nay, ông Buffett gọi việc áp thuế như vậy là "một hành động chiến tranh, ở một mức độ nào đó". Muốn biết thêm về quan điểm của ông, các nhà phân tích đã tìm lại một bài báo năm 2003, trong đó Buffett đề xuất Mỹ nên khắc phục thâm hụt thương mại thông qua hệ thống chứng chỉ nhập khẩu có thể giao dịch, nhưng chính ông đã thừa nhận đây cũng là “thuế quan nhưng dưới một cái tên khác”.
Apple
Thương mại không phải chủ đề nóng duy nhất mà vị tỷ phú nổi tiếng này giữ im lặng gần đây. Ngoài một gợi ý về các cân nhắc thuế tại cuộc họp thường niên năm ngoái, Buffett chưa giải thích lý do tại sao Berkshire bán phần lớn cổ phần trong Apple - hoặc tại sao công ty dường như đã ngừng bán vào những tháng cuối của năm 2024.
Xét về mặt thời điểm, quyết định bán cổ phiếu thật hoàn hảo. Khoản đầu tư của Berkshire đã tăng vọt về giá trị khi cổ phiếu Apple bùng nổ trong những năm gần đây. Công ty sau đó đã bán 2/3 cổ phần không lâu trước khi “táo khuyết” bắt đầu lao dốc. Cổ phiếu Apple đã giảm 21% so với mức đỉnh vào tháng 12, do sự bất ổn về thuế quan và các thách thức khác.
Đồng thời, một số nhà phân tích thắc mắc tại sao Warren Buffett không tiếp tục bán cổ phiếu Apple trong quý 4 năm ngoái, khi cổ phiếu “táo khuyết” tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Công ty công nghệ này vẫn là khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất của Berkshire, với tổng trị giá 75 tỷ USD vào cuối năm.
“Núi” tiền mặt khổng lồ
Trong khi tỷ trọng Apple của Berkshire thu nhỏ lại, kho dự trữ tiền mặt và trái phiếu Chính phủ Mỹ của tập đoàn đã tăng lên mức chưa từng có. Theo Dow Jones Market Data, con số này đạt kỷ lục 321 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Trong bức thư thường niên trước đó, ông Buffett đã giảm nhẹ tầm quan trọng của việc tăng tiền mặt. Ông nhấn mạnh rằng phần lớn tiền của cổ đông vẫn nằm trong cổ phiếu khi xét đến cả các công ty con của Berkshire Hathaway và danh mục đầu tư cổ phiếu.
"Cổ đông Berkshire có thể yên tâm rằng chúng tôi sẽ luôn luôn dành phần lớn tiền của họ vào cổ phiếu - chủ yếu là cổ phiếu Mỹ, mặc dù nhiều trong số này sẽ có hoạt động quốc tế đáng kể", ông viết trong bức thư thường niên.
Trong thời điểm thị trường đầy bất ổn, “núi” tiền mặt khổng lồ của Berkshire cùng danh mục đa dạng các doanh nghiệp đã thu hút các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công ty. Cả cổ phiếu loại A và B đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày 02/05, tăng khoảng 19% trong năm nay - một con số ấn tượng so với mức giảm 3.3% của S&P 500. Theo phân tích của Dow Jones Market Data, cả hai loại cổ phiếu Berkshire hiện đều có hiệu suất vượt trội lớn nhất so với thị trường kể từ năm 1998.
"Chúng tôi nhìn nhận đây là một đối trọng hoàn hảo với cơn sốt thị trường hiện tại", Grant Stark, Giám đốc nghiên cứu tại CapWealth - công ty quản lý tài sản ở Franklin, Tennessee và có Berkshire Hathaway là một trong những khoản đầu tư lớn nhất - chia sẻ. "Ông ấy sở hữu những doanh nghiệp thực sự chất lượng, cho phép chúng hoạt động độc lập trong tập đoàn, tạo ra dòng tiền ổn định, và từ đó xây dựng nên tấm đệm tiền mặt khổng lồ này”.
Kho tiền dự trữ không chỉ đảm bảo khả năng Berkshire Hathaway có thể đáp ứng mọi nghĩa vụ tài chính, mà còn giúp ông Buffett nhanh chóng nắm bắt các cơ hội đầu tư hấp dẫn khi chúng xuất hiện. Nếu biến động thị trường kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính, Berkshire Hathaway sẽ sẵn sàng hỗ trợ các công ty khác - dĩ nhiên với một mức giá phải chăng. Ông đã từng làm điều này vào năm 2008 khi đầu tư vào Goldman Sachs và General Electric, sau đó là Bank of America vào năm 2011.
Khán giả của ông Buffett trong ngày 03/05 sẽ không chỉ có những cổ đông Berkshire Hathaway. Nếu ông đưa ra ý kiến về thương mại toàn cầu, những nhận xét đó chắc chắn sẽ vang vọng khắp thế giới đầu tư.
Vài ngày sau thông báo "Ngày Giải phóng" của ông Trump, Berkshire Hathaway đã nhanh chóng bác bỏ một tuyên bố được Trump lan truyền, cho rằng Buffett ủng hộ chính sách này. Tổng thống Trump đã chia sẻ một bài đăng trên mạng xã hội kèm video tuyên bố Buffett nói ông Trump đang "thực hiện các động thái kinh tế tốt nhất mà ông đã thấy trong hơn 50 năm qua". Phản ứng của công ty là một tuyên bố ngắn gọn rằng tất cả các báo cáo đang lưu hành trên mạng xã hội về các bình luận được cho là của Buffett đều sai sự thật.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News đầu năm nay, khi được hỏi thuế quan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát, ông Buffett đã trả lời: "Theo thời gian, chúng là một loại thuế đối với hàng hóa. Không có bà tiên nào đứng ra trả những khoản phí này đâu".
Qua nhiều năm, ông Buffett đã bày tỏ lo ngại về thâm hụt thương mại của Mỹ và hậu quả tiềm tàng của nó, bao gồm sự suy yếu của đồng USD. Trong bài báo năm 2003 trên tạp chí Fortune, ông đề xuất một giải pháp độc đáo: Mỹ nên cân bằng thương mại nước ngoài bằng cách phát hành chứng chỉ bắt buộc cho việc nhập khẩu hàng hóa.
Theo đề xuất của ông, các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ nhận được những chứng chỉ này và có thể bán chúng cho các bên muốn nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ. Điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất Mỹ cắt giảm giá trên thị trường quốc tế, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng giá của hầu hết các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng lên.
"Biện pháp khắc phục của tôi có thể nghe có vẻ như một mánh lới, và thật sự thì nó cũng là một loại thuế quan nhưng được gọi bằng cái tên khác", Buffett viết. "Nhưng đây là một loại thuế quan giữ lại hầu hết các đức tính của thị trường tự do, không bảo vệ các ngành công nghiệp cụ thể, không trừng phạt các quốc gia cụ thể, cũng không khuyến khích các cuộc chiến tranh thương mại”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)