Từ bất ổn chính trị, thuế quan cho tới du lịch, khủng hoảng bủa vây kinh tế Thái Lan

Chính trường Thái Lan một lần nữa rơi vào hỗn loạn khi Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ trong tuần qua. Động thái này khiến các nhà phân tích lo ngại về tương lai đầy bất định của quốc gia Đông Nam Á này.

Quyết định đình chỉ được đưa ra sau khi tòa án chấp nhận đơn kiện từ 36 thượng nghị sĩ, cáo buộc nữ thủ tướng không trung thực và vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức. Cáo buộc này xuất phát từ cuộc gọi điện thoại bị rò rỉ giữa bà Paetongtarn và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Sự kiện này đánh dấu một chương mới trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài của Thái Lan. Quyền Thủ tướng hiện tại Phumtham Wechayachai đã trở thành người thứ 6 nắm giữ chức vụ này chỉ trong vòng hai năm qua.

Joshua Kurlantzick, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đánh giá: "Tôi nghĩ không có cách nào bà ấy có thể trở lại làm Thủ tướng. Đây là nỗ lực phối hợp của quân đội và các đồng minh nhằm kết thúc hoàn toàn ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra, đặc biệt là Thaksin".

Gia tộc Shinawatra có lịch sử chính trị lâu dài tại Thái Lan. Ông Thaksin Shinawatra, cha của bà Paetongtarn, từng là Thủ tướng từ 2001 đến 2006. Em gái ông, Yingluck Shinawatra, là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước từ 2011 đến 2014.

Hậu quả từ vụ rò rỉ cuộc gọi đã làm rung chuyển liên minh cầm quyền khi Đảng Bhumjaithai - đảng lớn thứ hai trong liên minh - quyết định rút lui. Động thái này khiến đảng Pheu Thai của bà Shinawatra chỉ còn lại một lợi thế rất mong manh tại Hạ viện.

Kurlantzick cảnh báo rằng dù đảng Pheu Thai có thể giữ được quyền lực trong thời gian ngắn, Chính phủ "sẽ rất bấp bênh" và có thể sụp đổ "trong 1 hoặc 2 tháng tới". Ông nhấn mạnh đảng này hiện "không được lòng dân".

Kinh tế chịu đòn từ bất ổn chính trị

Cuộc khủng hoảng chính trị này đến vào thời điểm vô cùng nhạy cảm khi Thái Lan đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Đất nước đang phải đối mặt với tình trạng du lịch suy giảm và mối đe dọa thuế quan từ chính quyền Trump.

Sreeparna Banerjee từ Quỹ Nghiên cứu Observer cho rằng việc thiếu một người đứng đầu Chính phủ ổn định sẽ "hạn chế khả năng phản ứng quyết đoán của Thái Lan trước các áp lực kinh tế bên ngoài, đặc biệt là thuế quan tiềm tàng từ Mỹ".

Theo chính sách thuế quan "có đi có lại" mà Tổng thống Trump công bố hồi tháng 4, Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế 36% nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước ngày 09/07 - thời điểm kết thúc giai đoạn đình chỉ 90 ngày.

Theo bà Banerjee, mặc dù Thái Lan vẫn tiếp tục các chính sách hỗ trợ kinh tế và xuất khẩu, nhưng khủng hoảng lãnh đạo sẽ khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn và các cuộc đàm phán thương mại bị ảnh hưởng.

"Niềm tin nhà đầu tư có thể suy yếu, và sự trì trệ của bộ máy quan liêu có thể trì hoãn những phản ứng cần thiết, đúng lúc Thái Lan cần gấp sự chỉ đạo rõ ràng để hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ", bà nhấn mạnh.

Những lo ngại này đã được Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định khi cơ quan này cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong ngày 03/07. Dự báo năm 2025 được điều chỉnh từ 2.9% xuống còn 1.8%, trong khi dự báo năm 2026 giảm từ 2.7% xuống 1.7%.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3.1% trong quý đầu năm 2025 và 2.5% cho cả năm 2024. Sự bi quan cũng phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán, khi chỉ số SET đã giảm khoảng 20% từ đầu năm.

Du lịch gặp khó, du khách từ Trung Quốc giảm 34%

Paul Gambles, đồng sáng lập nhóm tư vấn đầu tư MBMG Group, cho rằng thuế quan có thể không phải vấn đề lớn nhất của Thái Lan. Theo ông, các vấn đề cơ cấu nội tại đang trở nên nghiêm trọng hơn.

"Nhiều vấn đề cơ cấu dài hạn đang nổi lên vào đúng thời điểm tồi tệ nhất", ông Gambles nhận định.

Mặc dù nợ hộ gia đình Thái Lan đang ở mức thấp nhất trong năm năm, tỷ lệ nợ so với GDP vẫn cao hơn các nước Đông Nam Á khác, gây lo ngại về khả năng tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Ngành du lịch - trụ cột của nền kinh tế - cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Tổng lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lượt khách từ Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Thái Lan - giảm tới 34%.

Các phương tiện truyền thông địa phương dẫn nguồn từ Hiệp hội Đại lý Du lịch Thái Lan cho biết đất nước có thể bỏ lỡ mục tiêu đón 39 triệu lượt khách trong năm 2025.

Vòng luẩn quẩn chính trị

Tình trạng bế tắc chính trị của Thái Lan có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Năm 2023, đảng Move Forward do Pita Limjaroenrat lãnh đạo đã gây sốc khi giành chiến thắng bầu cử, đánh bại các thế lực truyền thống gồm quân đội và hoàng gia.

Tuy nhiên, đảng này không thể thành lập Chính phủ do thượng viện - do quân đội kiểm soát - phản đối chiến dịch sửa đổi luật lese-majeste (luật về tội phạm thượng). Một năm sau, đảng này bị giải tán và được thay thế bởi Đảng Nhân dân, hiện đang là lực lượng đối lập chính.

Kurlantzick dự báo: "Có thể cuối cùng sẽ xuất hiện một liên minh khác được quân đội ủng hộ tại Quốc hội. Hoặc có thể sẽ có cuộc bầu cử mới, và quân đội sẽ cố gắng ngăn đảng đối lập giành đa số".

Trong khi đó, ông Gambles nhận định: "Bất ổn chính trị ở Thái Lan không phải là điều gì mới lạ. Thành thật mà nói, đây chỉ là chuyện bình thường ở Thái Lan".

"Chúng ta có thể chứng kiến sự thay đổi thủ tướng và những biến động lớn trong Quốc hội, nội các. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy", ông kết luận.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi - 11:20:31 05/07/2025