VASEP kiến nghị Chính phủ can thiệp vụ Mỹ không tiếp nhận hồ sơ thuế tôm

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết việc Mỹ từ chối tiếp nhận hồ sơ rà soát thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam là dấu hiệu đáng lo, cần sự vào cuộc từ Chính phủ để tránh thiệt hại diện rộng cho ngành.

* VASEP: Bất ngờ với mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam lên tới 35% từ Mỹ

Ngày 07/06, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19), áp dụng cho giai đoạn từ 01/02/2023 - 31/01/2024. Theo đó, Công ty Thông Thuận được xác định có biên độ 0%, trong khi Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) bị áp mức thuế 35.29%. Mức thuế này cũng được áp cho 22 doanh nghiệp khác thuộc nhóm không bị kiểm tra bắt buộc, khác hoàn toàn với cách tính trung bình gia quyền từ các bị đơn chính như các kỳ trước.

VASEP cho rằng mức thuế cao bất thường đặt ra nghi vấn về sai sót trong quá trình tính toán, tương tự kỳ POR12 khi DOC từng áp sai cho Thực phẩm Sao Ta (HOSEFMC), rồi sau đó điều chỉnh từ 25.76% xuống còn 4.58%. Hiệp hội nhấn mạnh, trong 19 năm tham gia các kỳ rà soát, chưa từng có doanh nghiệp nào bị áp mức thuế sơ bộ hai chữ số.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là phía Mỹ hiện không tiếp nhận hồ sơ bổ sung từ Việt Nam, điều khiến toàn bộ dữ liệu dù minh bạch, đầy đủ đến đâu cũng không được xem xét.

Tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 ngày 10/07, ông Nam cho biết VASEP đã gửi 2 văn bản lên Chính phủ và ban chính sách, đề nghị hỗ trợ cụ thể. Ngành tôm, đóng góp hơn 4 tỷ USD mỗi năm, đang rơi vào tình thế bất lợi ở thị trường lớn nhất. Nếu không có động thái ngoại giao cấp cao, nguy cơ mất đơn hàng, mất thị phần và ảnh hưởng sinh kế hàng triệu lao động là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện, họ (Mỹ) không tiếp nhận hồ sơ của chúng ta", ông nói, "Đồng nghĩa với việc sẽ không xem xét các tài liệu vốn rất đầy đủ, minh bạch và có số liệu rõ ràng. Nhưng họ không xem thì chúng ta sẽ bị điểm kém. Chúng tôi rất mong Chính phủ có văn bản gửi phía Mỹ, đề nghị họ tiếp nhận hồ sơ".

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Chính phủ gửi văn bản tới phía Hoa Kỳ, đề xuất họ tiếp nhận hồ sơ bổ sung liên quan đến đợt điều tra thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

5 kiến nghị để ngành thủy sản đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số 

Tại diễn đàn, đại diện VASEP cũng trình bày 5 nhóm kiến nghị nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và tạo xung lực mới cho ngành thủy sản, với kỳ vọng lĩnh vực này sẽ trở thành một trong những động lực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác thị trường, đặc biệt tại các quốc gia mà Chính phủ đã tạo điều kiện tiếp cận trong thời gian gần đây như Brazil, Trung Đông, Nam Mỹ, ASEAN, cùng các thị trường mới nổi đã ký hiệp định như Anh và Úc. VASEP đề nghị Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại qua kênh ngoại giao kinh tế và chương trình quốc gia, nhằm khai thông những điểm nghẽn hiện hữu.

Thứ hai, hỗ trợ phát triển nuôi tôm công nghệ cao, một lĩnh vực đang tạo lợi thế rõ rệt cho Việt Nam. Với suất đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, trong điều kiện bình thường có thể mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi ha. Nếu mở rộng quy mô lên 100,000ha, ngành có thể đóng góp đáng kể cho GDP. VASEP kiến nghị áp dụng lãi suất ưu đãi 2% trong 3 năm đầu, 5% cho suốt vòng đời và tháo gỡ rào cản về hạn điền, đất hoang.

Hiện nay, nhiều khu đất cho các mục đích nông nghiệp đang để hoang rất nhiều. Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe Quốc hội chuẩn bị sửa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Đây là cơ hội lớn để gỡ vướng cho doanh nghiệp, giải phóng đất phục vụ phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tạo thêm sinh kế và tăng nguồn thu ngoại tệ”, ông Nam nói.

Thứ ba, cần khơi thông các nút thắt về thể chế để thúc đẩy lực kéo cho nông - ngư dân. Dù xuất khẩu thủy sản đạt 9-11 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua, nhưng đà tăng đang chững lại. VASEP cho rằng cần có động lực mới từ chính sách, công nghệ đến phân vùng khai thác để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển hợp pháp, không bị cản trở bởi thủ tục bất hợp lý.

Cụ thể, VASEP kiến nghị cần xử lý dứt điểm các bất cập trong phân vùng khai thác thủy sản, đặc biệt liên quan đến nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ông Nam cho biết, hiện nhiều tàu đánh bắt dù được cấp phép khai thác ngoài khơi, nhưng thực tế phải hoạt động tại khu vực lộng - nơi có nguồn lợi phong phú hơn, lại bị coi là vi phạm, khiến hàng hóa không thể được cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu.

"Chúng tôi nhận thấy đây là một bất cập và cũng đã báo cáo. Đó chỉ là một hành động nhỏ nhằm gỡ vướng, nhưng điều cốt lõi là tạo động lực cho nông ngư dân", ông nói.

Thứ tư, củng cố chuỗi cung ứng theo hướng xanh, truy xuất nguồn gốc, gắn với công nghệ. Ông Nam cho rằng, với một chuỗi vững chắc, sản phẩm xuất khẩu không còn chỉ là hàng hóa, mà còn là sự xác tín, là “niềm tin” về chất lượng và tiêu chuẩn Việt Nam trong mắt đối tác.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải đầu tư vào công nghệ cao và hiện diện tại các thị trường lớn như Mỹ thì mới có thể bật lên được, cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn sinh kế”, đại diện VASEP nhận định.

Cuối cùng là vấn đề đấu tranh thương mại quốc tế. Bên cạnh vụ thuế tôm với Mỹ, ông Nam đề cập thêm bất cập về quota tôm trong FTA với Hàn Quốc. Trong khi Chile được miễn hoàn toàn hạn ngạch, Việt Nam chỉ được hưởng ưu đãi trong khuôn khổ 15,000 tấn mỗi năm, phần vượt sẽ bị đấu thầu. VASEP cho rằng cần rà soát lại để đảm bảo công bằng.

Phản hồi tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương bày tỏ sự chia sẻ với ngành thủy sản, dù đây không phải là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ nhưng là vấn đề sinh kế của hàng triệu người, đặc biệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông đề xuất cần chuyển đổi tư duy từ khai thác sang nuôi trồng, trong bối cảnh nhiều ngư trường đã suy kiệt. Việc “đóng cửa biển tạm thời trong vài năm” được xem là giải pháp khả thi để tái tạo nguồn lợi thủy sản, khi thực tế cho thấy không ít vùng biển đã bị khai thác quá mức, thậm chí “không nơi nào cá nhỏ như ở ta”. Ông cũng thông tin, tại kỳ họp thứ 10 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi 3 luật then chốt gồm Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản - những điểm nghẽn lâu nay trong quá trình phát triển.

Liên quan đến thể chế đất đai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang chủ trì đề xuất nhiều cải cách nhằm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý và sử dụng đất trong nông nghiệp. Riêng với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, một trong những nội dung đáng chú ý là việc xem xét chuyển đổi khoảng 500,000ha đất lúa kém hiệu quả sang mục đích khác để tạo dư địa phát triển.

Tử Kính

FILI - 20:29:52 12/07/2025