Vì sao các ngân hàng trung ương tăng mua vàng từ các mỏ địa phương?

Các ngân hàng trung ương tìm cách tăng cường dự trữ vàng và chuyển hướng sang các mỏ trong nước mua kim loại quý này.

Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, việc mua vàng trực tiếp từ các mỏ giúp hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương và tăng dự trữ mà không gây áp lực lên dự trữ ngoại hối, theo các chuyên gia.

Trong khi các nước như Philippines và Ecuador đã thực hiện điều này trong nhiều năm, nhiều ngân hàng trung ương khác có quyền tiếp cận mỏ vàng trong nước đã bắt đầu hoặc đang xem xét mua trực tiếp từ địa phương, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Trong cuộc điều tra mới nhất của WGC, 19 trong số 36 ngân hàng được khảo sát cho biết họ đang mua vàng trực tiếp từ các thợ mỏ vàng thủ công và quy mô nhỏ trong nước bằng đồng nội tệ. Bốn ngân hàng khác đang cân nhắc làm theo. Con số này cao hơn so với cuộc khảo sát năm ngoái khi khoảng 14 ngân hàng trung ương trong số 57 cho biết họ đang mua từ nguồn nội địa.

"Xu hướng chúng tôi đang thấy là một số ngân hàng trung ương, đặc biệt ở châu Phi và châu Mỹ-Latin, bắt đầu mua vàng trực tiếp từ các mỏ vàng quy mô nhỏ trong nước khi giá vàng cao hơn", Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu bộ phận ngân hàng trung ương tại WGC, cho biết.

Các ngân hàng trung ương Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mongolia và Philippines đang mua vàng khai thác trong nước để xây dựng dự trữ.

Hội đồng Vàng Ghana - cơ quan nhà nước quản lý việc mua vàng thay mặt Ngân hàng Trung ương Ghana - vào tháng 4 đã ký thỏa thuận với một số công ty khai thác để mua 20% sản lượng vàng, theo Reuters. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan khai thác Tanzania yêu cầu tất cả nhà xuất khẩu vàng, bao gồm thợ mỏ và thương nhân, dành ít nhất 20% sản lượng để bán cho ngân hàng trung ương.

"Có thể lập luận rằng mua vàng từ nội địa rẻ hơn so với mua trên thị trường quốc tế, vì nhiều ngân hàng trung ương mua vàng với mức chiết khấu nhẹ so với giá quốc tế", Fan nói.

Theo truyền thống, các ngân hàng trung ương mua vàng thông qua thị trường OTC toàn cầu - thường tập trung ở London - nơi vàng được giao dịch qua các ngân hàng kim loại quý lớn, định giá bằng USD, Euro hoặc Bảng Anh. Những giao dịch này thường là các thỏi vàng London Good Delivery (LGD) độ tinh khiết cao, đáp ứng tiêu chuẩn giao dịch toàn cầu và được lưu trữ tại các kho hàng đầu như Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Do giá vàng tăng vọt và tính hấp dẫn như công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị, việc các ngân hàng trung ương của các nước sản xuất chuyển sang nguồn cung trong nước là điều tự nhiên, Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault, nhận định.

Giá vàng đã tăng mạnh, liên tục đạt đỉnh mới giữa bất ổn địa chính trị và suy giảm niềm tin vào các kênh trú ẩn an toàn truyền thống khác. Giá vàng giao ngay hiện giao dịch ở 3,328 USD/oz, tăng gần 27% từ đầu năm, theo dữ liệu LSEG. Mua từ mỏ trong nước giúp tiết kiệm phí ngân hàng, trung gian và vận chuyển.

Tuy nhiên, các nước cần trả chi phí chế biến và tinh luyện kim loại theo tiêu chuẩn vàng LGD - chuẩn quốc tế cho vàng miếng lớn. Những quy trình này cần thực hiện ở nước ngoài nếu không có cơ sở tinh luyện thỏi vàng LGD trong nước, điều này sẽ tăng chi phí, Ash cho biết.

Các ngân hàng trung ương mua thỏi vàng từ mỏ địa phương và có năng lực tinh luyện LGD trong nước sẽ triệt tiêu những chi phí bổ sung đó. Ngân hàng trung ương Philippines chẳng hạn là nhà tinh luyện thỏi vàng LGD đã được chứng nhận. Kazakhstan có hai nhà tinh luyện được Hiệp hội Thị trường Kim loại quý London công nhận. Nga có 7 nhà tinh luyện cho đến khi bị đình chỉ năm 2022 sau xung đột với Ukraine. Các nước khác như Ghana và Zambia có thể cần dựa vào nhà tinh luyện bên ngoài, từ đó làm gia tăng chi phí.

Một động lực hấp dẫn khác để mua vàng trong nước là tính linh hoạt tiền tệ. Mua vàng qua thị trường quốc tế thường cần tới USD - một tài sản dự trữ. Điều này có nghĩa các ngân hàng trung ương phải hoán đổi dự trữ này lấy dự trữ khác. Nhưng nếu họ dùng tiền tệ địa phương để mua vàng từ nội địa, họ không phải đánh đổi gì cả.

"Bạn có thể tăng dự trữ bằng nội tệ và do đó không hy sinh tài sản dự trữ khác để tăng dự trữ vàng", Fan của WGC cho biết.

Với mức nợ toàn cầu tăng cao và các rủi ro thương mại, địa chính trị hiện hữu, các ngân hàng trung ương muốn tăng cường kho dự trữ để bảo vệ khỏi các cú sốc tài chính đột ngột. Nắm giữ nhiều dự trữ hơn dưới nhiều hình thức sẽ giúp các nhà quản lý có công cụ xử lý các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Trong số 73 ngân hàng trung ương được WGC khảo sát, khoảng 95% cho biết họ kỳ vọng các NHTW trên thế giới sẽ tăng dự trữ vàng trong năm tới.

Một động lực khác từ việc mua vàng từ các mỏ nội địa là cung cấp hỗ trợ cho ngành khai thác trong nước và cộng đồng địa phương. Nhu cầu vàng ở một số nước quá nhỏ, và các ngân hàng trung ương được khuyến khích hỗ trợ hoạt động khai thác trong nước, tạo ra việc làm, theo Nicky Shiels, Trưởng phòng nghiên cứu và chiến lược kim loại tại MKS PAMP.

Tuy nhiên, Shiels lưu ý việc mua vàng qua mỏ địa phương cũng có rủi ro. Việc mua thông qua thị trường quốc tế qua các ngân hàng kim loại quý uy tín mang lại độ tin cậy cao hơn và giảm thiểu rủi ro về danh tiếng cho ngân hàng trung ương. Phần lớn vàng được mua trong nước đến từ các hoạt động khai thác thủ công và quy mô nhỏ - những hoạt động này từng bị chỉ trích về điều kiện lao động kém, gây hại môi trường và có liên quan đến hoạt động buôn lậu bất hợp pháp.

Nhưng cũng có thể lập luận rằng các ngân hàng trung ương, với uy tín thể chế và sức mạnh tài chính, đang ở vị trí tốt để chính thức hóa và làm sạch chuỗi cung ứng đó, Fan nói.

"Các ngân hàng trung ương có thể sử dụng sức mua mạnh mẽ của mình để hỗ trợ những thợ mỏ thủ công, quy mô nhỏ này", ông cho biết.

"Việc có một người mua đáng tin cậy, quy mô lớn như ngân hàng trung ương sẽ tạo cho các thợ mỏ nhỏ một kênh bán vàng hợp pháp và công bằng", Fan nói. "Điều này không chỉ giúp chuyển dòng tiền khỏi các mạng lưới tội phạm mà còn cải thiện việc theo dõi nguồn gốc và tính minh bạch”.

"Đó chính xác là cách chúng tôi mô tả - một tình huống có lợi cho cả hai bên.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi - 11:24:59 16/07/2025