Xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa

Để đảm bảo thực thi dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nghiên cứu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.

Theo đó, Bộ Tài chính, UBCKNN thực hiện lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Căn cứ quy định về các nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm triển khai thị trường tài sản mã hóa, tham chiếu đến mô tả hành vi vi phạm, chế tài xử phạt đối với các hành vi có tính chất tương tự về chứng khoán, dự thảo sửa đổi nghị định dự kiến bổ sung 1 mục và 5 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.

Thứ nhất, quy định các vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa. Xử phạt tổ chức cung cấp dịch vụ vi phạm các nghĩa vụ như: không xác minh danh tính nhà đầu tư, không lưu trữ hồ sơ giao dịch, vi phạm về cấp phép/điều chỉnh giấy phép, quảng cáo, không quản lý tách biệt tài sản khách hàng, không giám sát giao dịch, không đảm bảo tuân thủ đối tượng tham gia, cung cấp dịch vụ không qua tổ chức được cấp phép, không đảm bảo an ninh/an toàn hệ thống. Chế tài tham chiếu theo vi phạm nghiệp vụ chứng khoán.

Thứ hai, quy định vi phạm về tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa. Xử phạt hành vi tổ chức thị trường khi chưa được cấp phép, đưa tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo. Chế tài tham chiếu theo vi phạm của Sở giao dịch chứng khoán.

Thứ ba, quy định vi phạm về báo cáo, công bố thông tin. Xử phạt báo cáo/công bố thông tin không đầy đủ, không hoặc chậm báo cáo/công bố, báo cáo/công bố sai lệch. Chế tài tham chiếu theo vi phạm công bố thông tin trên TTCK.

Thứ tư, quy định vi phạm về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa. Xử phạt trường hợp không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ/giao dịch tại tổ chức được cấp phép, sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa, hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa. Chế tài tham chiếu theo hành vi giao dịch nội bộ, thao túng TTCK. Bổ sung giải thích từ ngữ về giao dịch nội bộ và thao túng thị trường tài sản mã hóa.

Thứ năm, quy định vi phạm về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo tính thống nhất.

Bên canh đó, dự thảo cũng đưa ra các sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) theo hướng sửa đổi, bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Chứng khoán theo Luật số 56/2024/QH15 và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh để đảm bảo phù hợp với Luật Căn cước 2023 và thực hiện Đề án 06. Cụ thể là chuyển đổi quy định về thông tin, giấy tờ cá nhân từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân thành số định danh cá nhân để phù hợp với Luật Căn cước 2023 và Đề án 06.

Yến Chi

FILI - 11:43:02 14/05/2025