Vnbourse - Thứ hai – ngày 19/10/1987, chỉ số công nghiệp Dow Jones tụt xuống tới 22,6% - đây là mức giảm nhiều nhất chưa từng có chỉ trong một ngày giao dịch. Mức giảm này không phải chỉ xảy ra ở riêng thị trường Mỹ mà trên toàn thế giới.
Trước khi tháng Mười kết thúc, thị trường Australia giảm 41,8% điểm; Canada giảm 22,5% điểm, Hongkong giảm 45,8% điểm và Anh giảm 26,4% điểm. Cuộc khủng hoảng tồi tệ được mọi người biết đến như “ngày thứ Hai đen tối” này có mức độ thiệt hại lớn gấp hai lần so với cuộc khủng hoảng trước đó vào 29/10/1929 – giảm khoảng 11,7% và nền kinh tế bắt đầu rơi vào cuộc Đại suy thoái.
Ủy ban giao dịch chứng khoán, các giáo sư, nhà báo về tài chính và các công ty chứng khoán đều tập trung phân tích những nguyên nhân có thể gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1987.
Một số nhà phân tích tin rằng nguyên nhân chính là do cách hành xử không hợp lý của một bộ phận những nhà đầu tư. Số khác lại đổ lỗi cho việc giá cổ phiếu tăng quá cao và những phiên trao dịch được điện toán hóa.
Những gì phát hiện được đó là: không một sự kiện, tin tức nào xảy ra có thể gây ra cuộc khủng hoảng!
Chín tháng đầu năm 1987, thị trường chứng khoán diễn ra khá thuận lợi, lên tới hơn 30% - đạt mức cao chưa từng thấy do mức tăng hai năm liên tiếp trước đó chỉ là 20%.
Trước năm 1987, tỷ lệ lãi suất bắt đầu tăng. Ba ngày trước cuộc khủng hoảng “ngày thứ Hai đen tối” xảy ra, thị trường chứng khoán sụt giảm tới 11,6%, trong đó, riêng ngày 16/10/1987 giảm tới 9,5%.
Nguyên nhân làm gây ra sự sụt giảm trong ba ngày đó là do một vài nhân tố kinh tế vĩ mô. Lợi nhuận của trái phiếu dài hạn bắt đầu từ năm 1987 tăng từ 7,6% lên xấp xỉ 10%. Điều này tạo ra một cơ hội khác để giúp những nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận.
Thâm hụt giao dịch hàng hóa tăng, giá trị đồng đô la Mỹ bắt đầu đi xuống. Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Jim Baker, những nhà đầu tư bắt đầu lo sợ việc đồng đô la yếu sẽ làm tình hình lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Và vào hôm thứ Hai – 19/10 đó, chỉ số Dow Jones giảm 9%, tương đương với 200 điểm chỉ trong một tiếng rưỡi giao dịch. Trong cả ngày hôm đó, hầu hết các nhà đầu tư đều thực hiện hàng hoạt các chương trình để bảo vệ danh mục đầu tư đặt trong các máy tính của mình.
Việc bảo vệ danh mục đầu tư như thế này đã làm cho thị trường mất ổn định vì người ta buộc phải bán cổ phiếu khi giá giảm đi. Cổ phiếu càng giảm giá nhiều thì người ta lại càng bán ra nhiều hơn.
Khi thị trường không có đủ tính thanh khoản để hỗ trợ lượng bán ra này thì thị trường chứng khoán lại càng giảm mạnh hơn. Kết quả là, kết thúc ngày hôm đó, chỉ số Dow Jones giảm 508 điểm.
Qua vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987, chúng ta đã rút ra được một bài học quan trọng. Đó là:
Những nhà đầu tư nào bán đi cổ phiếu của mình sẽ trở nên khánh kiệt. Còn những ai giữ và tiếp tục theo đuổi một phương án giải quyết có kỷ luật và có hệ thống thì sẽ đạt được thành công.
Trên thực tế, trước khi kết thúc năm 1987, tổng lợi nhuận cả năm bao gồm các khoản lợi tức những nhà đầu tư khôn ngoan này đạt được là xấp xỉ 5%.
Thu Trang (Theo Greekshares)