Cơn sốt Formula 1

Gần đây, bộ phim “F1: The Movie” với Brad Pitt thủ vai chính đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, lôi kéo thêm nhiều khán giả đến với đua xe Công thức 1 (F1). Thực tế, sức hút của F1 không hề mới xuất hiện. Theo Nielsen, năm 2024, lượng fan hâm mộ F1 toàn cầu đã đạt 826.5 triệu người, tăng 12% so với năm 2023. Phần lớn mức tăng này đến từ các thị trường mới và hiệu ứng lan toả của truyền thông. Cũng theo Nielsen, 25% số người được khảo sát đã trở thành fan F1 sau khi xem series “Drive to Survive” trên Netflix. Điều đó cho thấy F1 đã âm thầm mở rộng tầm ảnh hưởng suốt nhiều năm và chỉ chờ cú hích phù hợp để trở thành hiện tượng đại chúng.

Từ sân chơi thượng lưu đến làn sóng đại chúng qua phim ảnh và giải trí

Trước đây, F1 vốn được xem là môn thể thao dành cho giới nhà giàu. Các chặng đua thường đi liền với những thương hiệu xa xỉ (Rolex, TAG Heuer) hay các tên tuổi tài chính cao cấp (UBS). Mới đây nhất, tập đoàn LVMH (tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới) đã ký hợp đồng tài trợ toàn cầu 10 năm với F1 từ năm 2025, càng củng cố mối liên hệ giữa F1 và thế giới thượng lưu. Hiện hơn 20% doanh thu tài trợ của F1 đến từ lĩnh vực công nghệ và tài chính. Vì vậy, khi nhắc đến F1, hình ảnh quen thuộc vẫn là khán đài VIP, giá vé cao, khán giả am hiểu tốc độ, khách sạn 5 sao quanh đường đua (như Las Vegas) và những bữa tiệc dành cho giới tinh hoa.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, F1 đang dần “đại chúng hóa”; điển hình nhất là nhờ màn ảnh, với loạt phim tài liệu “Drive to Survive” của Netflix (đến tháng 03/2025 đã phát hành mùa 7). Tại Mỹ, mùa 2022, F1 ghi nhận thêm 360,000 khán giả mới chỉ sau khi xem series “Drive to Survive”; 41 % trong số đó tiếp tục theo dõi trực tiếp các chặng đua. Điện ảnh còn đưa khán giả đến gần hơn với F1 qua các bộ phim tài liệu“Senna” (2010) hay “The Seat” (05/2025). Gần đây nhất, Apple đã phát hành bộ phim “F1: The Movie” (06/2025), trong đó có sự tham gia của tay đua huyền thoại Lewis Hamilton với vai trò nhà sản xuất; còn Apple áp dụng công nghệ camera tối tân của mình để quay tại các chặng Mexico, Abu Dhabi…, đem lại trải nghiệm sống động cho người xem.

Đồ chơi chính hãng cũng là một kênh quảng bá mới mẻ. Mới đây, hãng sản xuất đồ chơi LEGO đã hợp tác với F1 để ra mắt các bộ lắp ráp chính thức cho 10 đội đua, hướng đến nhóm fan trẻ. Tại Grand Prix Miami 2025, 20 tay đua thậm chí đã lái thử 10 mẫu siêu xe F1 cỡ lớn xây dựng từ gạch Lego, mỗi chiếc mất hàng nghìn giờ và sự hợp tác của cả 10 đội đua để hoàn thành. Sự kiện này không chỉ tạo cảm hứng cho trẻ em mê LEGO mà còn ghi dấu một bước tiến nữa trong chiến lược “đưa F1 vào đời sống gia đình” của các thương hiệu lớn. Nhờ đó, môn thể thao này ngày càng xuất hiện nhiều trong trò chơi và môi trường giải trí thân thuộc của công chúng trẻ chứ không còn là “thế giới khác” chỉ dành cho người lớn có điều kiện. Theo số liệu từ LEGO, đã có hơn 4 triệu trẻ em 8–12 tuổi theo dõi F1 tích cực ở châu Âu và Mỹ.

Sức hút kinh tế – quảng bá hình ảnh quốc gia và mặt trái

Sức hấp dẫn của F1 không chỉ nằm ở tốc độ và sự kịch tính. Ngành này đem lại doanh thu và giá trị quảng bá khổng lồ. Theo báo cáo tài chính của Liberty Media, doanh thu F1 năm 2024 đạt khoảng 3.65 tỷ USD (tăng liên tục trong những năm gần đây). Chỉ riêng doanh thu bán vé, tài trợ và bản quyền truyền hình đã chiếm phần lớn, thể hiện mức đầu tư lớn của các thương hiệu. Ngoài ra, các nước chủ nhà còn nhận lợi ích du lịch và nâng tầm hình ảnh quốc gia đáng kể. Chẳng hạn, tại Austin (Mỹ), Grand Prix năm 2023 với gần 450,000 khán giả đã mang về khoảng 900 triệu USD lợi ích kinh tế cho bang Texas. Lần đầu tổ chức ở Las Vegas năm 2023, F1 cũng thu hút 316,000 người xem và tạo ra tác động kinh tế gần 1.5 tỷ USD cho thành phố. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan đã nhìn thấy tiềm năng lớn. Tháng 06/2025, chính phủ Thái Lan đã thông qua đề án chi 40,000 tỷ baht (1.2 tỷ USD) để tổ chức đường đua phố tại Bangkok từ 2028 – kỳ vọng việc này sẽ thúc đẩy du lịch quốc gia, tương tự như ví dụ đã rất thành công của Singapore với đường đua ban đêm Marina Bay Sands.

Tất nhiên, sức hấp dẫn khổng lồ luôn đi kèm những cái giá không nhỏ.

Chi phí tổ chức là rào cản đầu tiên, trung bình một chặng Grand Prix phải trả 30–55 triệu USD tiền phí bản quyền mỗi năm và không phải chủ nhà nào cũng thu hồi vốn. Nghiên cứu của Viện thể thao Đan Mạch và Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy trên 10 vùng châu Âu (1991-2017) chỉ ra việc đăng cai tổ chức F1 không có tác động dương đáng kể lên GDP, việc làm hay du lịch của các quốc gia, thậm chí còn thua lỗ sau 3-4 năm tổ chức.

Khí hậu và môi trường là bài toán nan giải kế tiếp. Báo cáo Impact Report năm 2024 ghi nhận F1 đã giảm 13% dấu chân carbon so với năm 2018 và đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2030, nhưng logistics vẫn là nguồn phát thải lớn và khó kiểm soát. Báo Wall Street Journal ước tính chỉ riêng mùa 2022, F1 đã thải 223,000 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của 28,000 hộ gia đình Mỹ. Vì thế, các tổ chức môi trường đang cáo buộc F1 “xanh hoá nửa vời” khi cam kết net zero nhưng vẫn mở rộng lịch đua kỷ lục.

Ở khía cạnh chính trị, đạo đức, F1 còn vướng nhiều chỉ trích “sports-washing”. Các chặng tại Ả Rập Xê Út, Azerbaijan hay Qatar bị Tổ chức theo dõi nhân quyền và nhiều tổ chức phi chính phủ mô tả như công cụ đánh bóng hình ảnh của các chế độ bị tố vi phạm nhân quyền.

Việt Nam – cơ hội bị bỏ lỡ

Đáng tiếc, Việt Nam từng có kế hoạch đăng cai F1 (đường phố Hà Nội quanh khu Mỹ Đình) nhưng dự án đã bị hủy bỏ vì đại dịch COVID-19. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Grand Prix nào, dù đường đua quốc tế ở Mỹ Đình đã được xây xong. Trái lại, các quốc gia láng giềng như Thái Lan đang ráo riết chuẩn bị thu hút sự kiện này.

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội trong tương lai? Nếu có, một địa điểm gần biển (như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc,…) có thể phù hợp hơn để tận dụng được lợi thế du lịch biển và quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới? Dù hiện tại chưa có câu trả lời chắc chắn, nhưng xu hướng F1 toàn cầu cho thấy Việt Nam có thể nên cân nhắc đầu tư trở lại vào cuộc chơi tốc độ này trong chiến lược phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia của mình.

LH

FILI - 19:00:00 12/07/2025