Tin tức
2006: 6 vấn đề dự báo ảnh hưởng đến kinh tế thế giới

2006: 6 vấn đề dự báo ảnh hưởng đến kinh tế thế giới

02/01/2006

Banner PHS

2006: 6 vấn đề dự báo ảnh hưởng đến kinh tế thế giới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo về những vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm 2006...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo về những vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm 2006.

 

Những vấn đề như giá dầu tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc, bảo hộ thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ... sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn cho nền kinh tế thế giới.

 

1. Cú sốc dầu

 

Theo IMF, một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới 2006 là khả năng giá dầu còn tăng cao nữa và có thể đứng ở mức cao trong thời gian dài, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải thắt chặt hầu bao, từ đó làm chậm lại hoạt động kinh tế.

 

Hiện nay, việc nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng khá cao, tính thanh khoản quốc tế tăng, sản lượng và cầu về dầu mỏ tăng là những nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng cao. Điều này khác hẳn với xu hướng trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, khi giá dầu tăng cao là kết quả của việc ngưng trệ trong cung cấp dầu.

 

2. Tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu

 

Trước hết đó là tác động của chính sách tiền tệ. Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đang được tiến hành tại Mỹ. Năm 2006, Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến 4,5%. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế đang phát triển.

 

Những nền kinh tế đang nổi, cần phải tiếp cận với những thị trường vốn nhằm tài trợ cho những khoản thâm hụt cán cân vãng lai hoặc thâm hụt ngân sách, sẽ là những nước gặp phải những rủi ro liên quan đến việc chuyển từ một thị trường tài chính có tính thanh khoản cao, ưa thích đầu tư mạo hiểm, lãi suất thấp sang một thị trường tài chính ít thuận lợi hơn.

 

Các dòng vốn đổ vào các thị trường có suất sinh lợi cao trong vòng 2 năm qua đã giúp cho các nước yếu và các nước mạnh cùng phát triển. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ giảm khi chính sách tiền tệ của Mỹ được thắt chặt hơn, đe doạ những nền kinh tế này do sự yếu kém trong cơ cấu kinh tế. Trong các năm tới, rủi ro bao gồm việc nhiều nền kinh tế đang nổi sẽ phải tiếp cận với các thị trường vốn có lãi suất cao hơn.

 

Nếu lãi suất của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến, giá của trái phiếu và cổ phiếu tại các thị trường OECD có thể sẽ chịu nhiều áp lực giảm giá. Giá nhà đất cũng dễ bị tổn thương tại một số thị trường, đặc biệt là thị trường Anh và Mỹ. Giai đoạn chu kỳ kinh tế thế giới hiện nay, khi lãi suất tăng và đầu tư giảm, thường đi cùng với các cuộc khủng hoảng tài chính hoặc sụt giảm mạnh trong giá tài sản.

 

Thứ hai là tác động của chính sách tài khoá. Trong năm tới, Mỹ có thể sẽ mở rộng chi tiêu công để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới xảy ra cuối năm 2005. Trong khi đó, các nước EU sẽ tiếp tục duy trì sự mở rộng chậm chính sách tài khoá và Nhật Bản sẽ tiếp tục thực thi chính sách củng cố tài khoá. Hầu hết các nước tại châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Á có thể sẽ tiến hành các chính sách tài khoá chặt hoặc thận trọng hơn.

 

3. Sự mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc

 

Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng chứa đựng nhiều rủi ro đối với kinh tế thế giới 2006. Sự bùng nổ kinh tế trong một số năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế châu Á và kinh tế thế giới.

 

Mặc dù tăng trưởng tín dụng và đầu tư đã giảm trong năm 2005, vẫn có những dấu hiệu cho thấy có sự dư thừa công suất trong một số ngành, bao gồm sản xuất hàng hoá lâu bền và bất động sản. Chính phủ tiếp tục ra những chính sách nhằm kìm hãm tăng trưởng tín dụng và đầu tư, làm giảm dần tình trạng phát triển nóng. Tuy nhiên, những chính sách còn nhiều hạn chế và thành công chưa được đảm bảo.

 

Nếu đầu tư phục hồi được tốc độ tăng trưởng nhanh thì sự dư thừa công suất sẽ tiếp tục mở rộng cùng các khoản vay xấu. Còn nếu các chính sách được thực hiện quá hiệu quả, nền kinh tế sẽ bị kìm hãm. Một trong hai khả năng trên đều có thể gây tác hại cho các doanh nghiệp hoạt động tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới do phụ thuộc vào sự tăng trưởng cầu mạnh mẽ của Trung Quốc.

 

4. Sự quay trở lại với ”Chủ nghĩa bảo hộ”

 

Chủ nghĩa bảo hộ là một trong những rủi ro đối với kinh tế thế giới 2006 và các năm tiếp theo. Thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ của Mỹ đang dẫn đến việc Mỹ có những hạn chế về thương mại đánh lên hàng hoá Trung Quốc.

 

Một số biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi lượng nhập khẩu tăng mạnh do chế độ hạn ngạch toàn cầu đã được xoá bỏ vào 1/1/2005. Mỹ cũng yêu cầu phải định giá lại đồng NDT nhiều hơn và đang kêu gọi các biện pháp bảo hộ trong vòng vài tháng tới.

 

Một số biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Ngay tại EU cũng dấy lên sự lo ngại trong thương mại với Trung Quốc và EU đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng dệt may Trung Quốc. Hiện vẫn tồn tại những khả năng có những biện pháp mạnh mẽ hơn đánh lên hàng hoá khác nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

5. Mất cân đối toàn cầu

 

Tình trạng mất cân đối đang trở thành một thách thức lớn đối với các ngân hàng Trung ương và là nguy cơ tiềm tàng đe doạ các nền kinh tế trên thế giới trong thời gian tới. Dấu hiệu rõ ràng nhất là sự thâm hụt khổng lồ của nền kinh tế Mỹ.

 

Thâm hụt tài khoản vãng lai (khoảng 5% GDP) của Mỹ ngày càng tăng so với mức thặng dư khoảng 0,4% GDP của khu vực đồng euro và 3,7% GDP của Nhật Bản, làm xuất hiện nguy cơ đồng USD mất giá, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế.

 

Những mất cân đối trong tài khoản vãng lai toàn cầu đang dẫn đến việc tăng áp lực chính trị lên một số nước có thặng dư lớn phải điều chỉnh tăng giá các đồng nội tệ.

 

Theo UNCTAD, trong khi giải quyết tình trạng mất cân đối, điều cần tránh là nguy cơ suy thoái và giảm tốc độ tăng trưởng, cả ở các nước phát triển, nơi tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Mỹ và các nước đang phát triển, nơi các nền kinh tế và hệ thống tiền tệ yếu ớt và dễ bị tổn thương.

 

6. Dịch cúm gia cầm

 

Sự lan rộng của dịch cúm gia cầm tại khu vực châu Á và gần đây là các nước Đông Âu đã làm tăng khả năng dẫn đến một đại dịch cúm ở người.

 

Dịch cúm nếu xảy ra sẽ gây ra sự ngưng trệ trong hoạt động giao thương, sự sụp đổ của ngành du lịch. Dịch cúm cũng có thể sẽ tàn phá các hoạt động kinh tế nhưng không gây ra các trục trặc kinh tế nghiêm trọng, một tình huống tương tự như dịch SARS.

 

Theo một ước tính của Liên hiệp quốc, nếu đại dịch toàn cầu xảy ra, tổn thất về kinh tế có thể lên đến 800 tỷ USD trong một năm, tương ứng với mức 2% GDP thế giới. Tuy nhiên, thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất, các đại dịch trước đây nói chung đều được theo sau bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Thương mại và cầu thế giới sẽ có xu hướng tăng mạnh. 

VietNamNet

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng