2008 - Một năm đầy khó khăn của kinh tế thế giới
2008 là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế phát triển, với một loạt cú sốc lớn, như khủng hoảng tín dụng và cho vay thế chấp, đang khiến kinh tế nhiều nước lâm vào tình trạng điêu đứng và buộc các nhà phân tích phải đưa ra những dự báo u ám về bức tranh kinh tế toàn cầu.
Ngày 10/9, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo kinh tế của 3 nước Đức, Anh, Tây Ban Nha đều sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, trong khi tình hình kinh tế của Pháp và Italia mặc dù được đánh giá là đỡ hơn chút đỉnh, song vẫn đứng trước nhiều thách thức. Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ của EC Joaquin Almunia mô tả tình trạng hiện nay tại châu Âu là "cực kỳ bất ổn" do thị trường tài chính hỗn loạn, giá dầu tăng cao kỷ lục, và khủng hoảng nhà đất đang diễn ra tại một số nước. EC dự đoán kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 nước thành viên, dự kiến đạt tốc độ tăng khoảng 1,4% trong năm nay và con số này của khu vực đồng euro (eurozone) gồm 15 thành viên là 1,3%, thấp hơn so với dự báo tương ứng 2% và 1,7% đưa ra hồi tháng 4/08.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet, cho rằng tình trạng kinh tế suy giảm này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và không thể hồi phục trong một sớm một chiều. Nhưng ông khẳng định ECB sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25%, do lạm phát đang gia tăng trong khu vực. EC dự báo lạm phát trung bình của các nước EU sẽ vào khoảng 3,6% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu dưới hoặc xấp xỉ 2% của ECB.
Tình hình chung của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng không mấy sáng sủa. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết các chỉ số kinh tế của nhóm G7 cho thấy hoạt động kinh tế của các nước này sẽ diễn ra mờ nhạt trong thời gian từ nay cho đến hết năm 2008, đồng thời cho rằng việc giá năng lượng, lương thực tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát và làm giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng trong khu vực OECD.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế của OECD, kinh tế Canađa -nước thành viên nhóm G7- sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2008, thấp hơn so với dự báo tăng 1,2% đưa ra hồi đầu năm, chưa bằng một nửa của Mỹ (dự kiến tăng trưởng 1,8% năm 2008) và mức tăng trưởng trung bình của 1,4% của OECD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Canađa đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc phải lựa chọn tiếp tục duy trì biện pháp chống lạm phát kéo dài hàng thập kỷ qua hoặc kích thích khu vực kinh tế công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông David Wolf, chuyên gia kinh tế của Merrill Lynch, đã một thời gian dài kể từ khi Chính phủ liên bang Canađa phải lựa chọn giữa việc hỗ trợ thúc đẩy kinh tế và cân bằng ngân sách. Ông Wolf cho biết nhân tố duy nhất giúp Canađa tránh được suy thoái kinh tế trong nửa đầu năm 2008 là nhờ khu vực kinh tế công tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của khu vực này sẽ không thể tiếp diễn nếu không có các biện pháp của chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng mà việc này sẽ khiến nước này bị thâm hụt ngân sách lần đầu tiên kể từ năm 1999. Trong khi đó, cân bằng ngân sách sẽ đòi hỏi một chính sách tiền tệ chặt chẽ, hay nói cách khác là giảm ảnh hưởng của khu vực cộng cộng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Canađa. Trong quý II/08, Canađa đã thặng dư ngân sách 6,8 tỷ USD, nhờ thu nhập từ dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác gia tăng. Theo ông Wolf, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2009 sẽ vào khoảng 6 tỷ USD, do giá cả hàng hóa và thu nhập quốc gia giảm.
Trong khi đó Cơ quan Thống kê Canađa cho biết năng lực sản xuất nội địa của nước này tiếp tục giảm 0,2% trong quý II/08, sau khi giảm 0,6% trong 2 quý trước đó, và đánh giá đây là thời kỳ suy giảm năng lực sản xuất kéo dài nhất của nước này kể từ năm 1990 đến nay. Tình hình này phản ánh sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù lạm phát chưa tăng và ngân hàng trung ương Canađa có thể phải tiếp tục tăng lãi suất.
Tuy nhiên theo OECD, mặc dù các nước G7 đang phải đối mặt với những thách thức đầy khó khăn, ngân hàng trung ương các nước này không nên thay đổi lập trường chính sách vào thời điểm hiện nay, nhưng nếu cần thiết phải kiềm chế hoặc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ chỉ nên thay đổi tỷ lệ lãi suất, chứ không nên thay đổi ngân sách chi tiêu của chính phủ.
ttxvn