7 nguyên nhân khiến ngân hàng chậm huy động vốn nội tệ
Trước sức ép tăng lãi suất huy động vốn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chính các ngân hàng, đầu tháng 7/2004 vừa qua, các ngân hàng thương mại Nhà nước, dưới sự chủ trì của Hiệp hội ngân hàng, đã ngồi lại với nhau bàn biện pháp cạnh tranh lành mạnh về huy động vốn...
Trước sức ép tăng lãi suất huy động vốn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chính các ngân hàng, đầu tháng 7/2004 vừa qua, các ngân hàng thương mại Nhà nước, dưới sự chủ trì của Hiệp hội ngân hàng, đã ngồi lại với nhau bàn biện pháp cạnh tranh lành mạnh về huy động vốn.
Theo đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước, hiện đang chiếm khoảng 75% thị phần huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng, đã thống nhất giới hạn tối đa mức trần lãi suất các kỳ hạn tiền gửi. Cụ thể, lãi suất tiền gửi nội tệ không kỳ hạn là 0,20%/tháng, kỳ hạn 6 tháng 0,58% và 12 tháng là 0,63%/tháng.
Mức lãi suất này đang thấp hơn từ 0,02% - 0,04% so với lãi suất phát hành kỳ phiếu của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp Việt
Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thấp hơn nhiều, vào khoảng 0,04% - 0,06%/tháng, so với mức lãi suất huy động vốn VND cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Đối với Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn - hệ thống ngân hàng có quy mô lớn nhất và mạng lưới rộng lớn nhất Việt Nam - tính đến hết tháng 5/2004, tổng nguồn vốn huy động mới đạt 142.960 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái.
Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, tính đến trung tuần tháng 6/2004, tổng nguồn vốn huy động đạt 83.785 tỷ đồng, nhưng vốn huy động VND không tăng, chủ yếu tăng ở tiền gửi USD.
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đến hết tháng 6/2004 tổng nguồn vốn huy động đã đạt trên 106.000 tỷ đồng, nhưng vốn nội tệ tăng chỉ có 6,8%. Mức tăng huy động vốn nội tệ của cả hai ngân hàng này đều thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây.
Thực trạng tăng trưởng đó cho thấy từ đầu năm đến nay nguồn vốn huy động trong dân, đặc biệt là vốn nội tệ rất khó khăn; trong khi đó thu nhập trong dân cư vẫn tăng khá: giá cả nông lâm thủy hải sản được cải thiện và tiêu thụ thuận lợi, nguồn thu nhập từ kiều hối và tiền từ người thân đi xuất khẩu lao động gửi về vẫn có nhịp độ tăng ổn định trên 10% như các năm qua...
Vậy tại sao lại có tình trạng trên?
Một là, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của đông đảo mọi người dân: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, phương tiện đi lại... tăng lên làm cho các hộ gia đình phải chi dùng nhiều tiền hơn cho các sinh hoạt hàng ngày, hạn chế số tiền nhàn rỗi có thể gửi ngân hàng.
Hai là, giá cả nhiều mặt hàng xây dựng, đặc biệt là sắt thép, hàng nhựa, và công xây dựng tăng, làm cho chi phí xây dựng tăng lên so với dự kiến chi phí ban đầu của các hộ gia đình.
Ba là, thị trường bất động sản diễn biến phức tạp, giá đứng cao, tiêu thụ chậm. Giới kinh doanh, đầu cơ đất đai bị đọng số vốn lớn. Các gia đình mua đất đầu cơ chờ được giá và có khách tiêu thụ thì bán đi, song chưa bán được, bị đọng tiền.
Thị trường nhà ở chung cư, căn hộ cao cấp phát triển. Nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình trẻ, các gia đình từ các tỉnh khác chuyển về Hà Nội, Tp.HCM, hay mua nhà dự trữ cho con em ăn học và làm việc, do đó một mặt rút tiền gửi trước đây tại ngân hàng và giảm lượng tiền gửi mới vào ngân hàng.
Bốn là, các tỉnh thành phố tổ chức đấu giá nhiều dự án đất đai xây dựng chung cư, xây dựng nhà biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề, nhiều công ty tư nhân, hộ gia đình có nhu cầu và chưa có nhu cầu ở nhưng mua với mục đích kinh doanh, đã tham gia đấu thầu, trúng thầu và bỏ một số tiền rất lớn để thanh toán.
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2004 đến nay đã tổ chức đấu thầu 4 dự án tại các quận huyện khác nhau, cho thu về số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Năm là, người dân tiếp tục có nhiều kênh đầu tư số tiền nhàn rỗi khác nhau cho các mục tiêu sinh lời: mua bảo hiểm nhân thọ theo các hợp đồng đã ký và hợp đồng mới; mua cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, mua chứng khoán, mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần phát hành mới tăng vốn điều lệ; mua trái phiếu Chính phủ...
Sáu là, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thị trường mở rộng, tình hình kinh doanh có xu hướng thuận lợi, nhiều hộ gia đình bỏ vốn và huy động thêm vốn trong người thân cho công việc kinh doanh ở quy mô doanh nghiệp hay quy mô hộ gia đình.
Bảy là, do chỉ số giá trên thị trường xã hội tăng cao, tâm lý lo sợ lạm phát và đồng tiền mất giá, cộng với những diễn biến bất thường trên thị trường ngoại hối: giá vàng tăng cao và diễn biến phức tạp, tỷ giá USD lên xuống không ổn định so với các ngoại tệ chủ chốt khác, nên nhiều người dân phân tán rủi ro để bảo đảm giá trị cất giữ tài sản, sử dụng một phần tiền Việt Nam chuyển sang mua vàng và USD...
Các nguyên nhân nói trên, cũng đồng thời là các xu hướng vừa có tính phân tán các nguồn thu nhập và tiền nhàn rỗi trong dân, vừa có tính cạnh tranh giữa các kênh thu hút vốn trong dân, đó là những thách thức đối với hệ thống ngân hàng, đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bởi vậy, nếu như các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau nâng lãi suất lên thì hầu như chỉ làm cho vốn từ ngân hàng này chạy sang ngân hàng khác.
TBKTVN