Tin tức
"Giá trị của Vietcombank có thể được hiểu theo nhiều nghĩa"

"Giá trị của Vietcombank có thể được hiểu theo nhiều nghĩa"

06/07/2005

Banner PHS

"Giá trị của Vietcombank có thể được hiểu theo nhiều nghĩa"

Về kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), sáng nay (6/7), VnEconomy tiếp tục nhập được bài viết của ông Nguyễn Trung Kiên, công tác tại Ngân hàng OCBC, Singapore...

Về kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), sáng nay (6/7), VnEconomy tiếp tục nhập được bài viết của ông Nguyễn Trung Kiên, công tác tại Ngân hàng OCBC, Singapore.

 

Theo ông Kiên, các bài tranh luận trên diễn đàn về kế hoạch phát hành trái phiếu của Vietcombank chưa đề cập đến 2 điểm quan trọng là cấu trúc của trái phiếu chuyển đổi và thế nào là giá trị của Vietcombank. Ông Kiên cho rằng, để có được tiếng nói chung trong vấn đề này, cần phải có sự thống nhất về 2 điểm quan trọng đó.

 

“Mục đính của bài viết này không nằm ngoài việc cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cụ thể về trái phiếu chuyển đổi và những khái niệm khác nhau về giá trị của Vietcombank. Bài viết cũng thảo luận một số vấn đề liên quan trong tiến trình cổ phần hóa Vietcombank, kinh nghiệm của Trung Quốc và Indonesia trong quá trình cải cách hệ thống ngân hàng và đưa ra một số điểm cần quan tâm trong việc lựa chọn phương án cổ phần hóa Vietcombank”, ông Kiên viết.

 

Với mục đích trên, bài viết của tác giả Nguyễn Trung Kiên đề cập khá chi tiết các khái niệm cũng như những so sánh, dẫn chứng cụ thể gắn với chủ thể là Vietcombank.

 

VnEconomy xin được trích giới thiệu nội dung bài viết này để bạn đọc tiện theo dõi.

 

"Trái phiếu có quyền chuyển đổi

Trái phiếu có quyền chuyển đổi (Convertible bond hay gọi tắt là CB) là một công cụ tài chính có 2 đặc tính, trái phiếu và quyền chuyển đổi. CB được tổ chức phát hành (trong trường hợp này là Vietcombank) phát hành và bán cho các nhà đầu tư. Đặc tính trái phiếu của CB như là một công cụ nợ, trong đó tổ chức phát hành cam kết sẽ trả cho nhà đầu tư một khoản tiền định kỳ, bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên mệnh giá của trái phiếu (coupon rate) cho đến thời điểm đáo hạn của trái phiếu.

 

Quyền chuyển đổi trong CB là quyền (nhưng không phải nghĩa vụ) của nhà đầu tư được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của tổ chức phát hành theo một phương thức chuyển đổi được quy định trong lúc phát hành.

 

Một ví dụ đơn giản của CB như sau: Vietcombank phát hành CB với mệnh giá 1 triệu đồng, trả lãi suất 5% một năm với thời hạn 5 năm. CB cũng cho phép nhà đầu tư chuyển đổi mỗi trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng thành 4 cổ phiếu của Vietcombank (giá chuyển đổi là 250 nghìn đồng một cổ phiếu). Tuy nhiên việc chuyển đổi đó chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu cho đến thời điểm trái phiếu đáo hạn.

Trong ví dụ này, khi chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu, nhà đầu tư thực chất sẽ phải trả một khoản tiền (khoảng 250 nghìn đồng) cho một cổ phiếu. Nếu giá một cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường thấp hơn 250 nghìn đồng thì nhà đầu tư sẽ không chuyển đổi, nếu giá cổ phiếu cao hơn 250 nghìn thì nhà đầu tư sẽ có lợi khi chuyển đổi và sẽ quyết định chuyển đổi tại thời điểm có lợi nhất.

(Chú ý: để chuyển đổi được thành cổ phiếu, nhà đầu tư không chỉ hy sinh 1 triệu đồng (mệnh giá của trái phiếu) cho 4 cổ phiếu mà còn hy sinh cả quyền được nhận 5% một năm trên mệnh giá trái phiếu cho đến khi đáo hạn).

CB là một công cụ tài chính phức tạp và có thể được phát hành dưới nhiều cấu trúc khác nhau để phù hợp với yêu cầu của công ty phát hành và giới đầu tư. Các thông số căn bản trong quá trình cấu trúc CB bao gồm: thời hạn phát hành, lãi suất, tỷ lệ chuyển đổi, thời hạn chuyển đổi, quyền được mua lại trái phiếu của công ty phát hành, mức độ ưu tiên của nợ (seniority).

 

CB hấp dẫn các công ty phát hành bởi vì nó cho phép công ty huy động vốn với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà công ty phải trả khi phát hành trái phiếu bình thường (do có quyền chuyển đổi trong trái phiếu).

 

Đối với những công ty hoạt động trong lĩnh vực mới hoặc có rủi ro cao thì CB là một công cụ rất hấp dẫn để huy động vốn với giá rẻ và giúp giảm áp lực trả lãi suất lên hoạt động của công ty khi có những biến động lớn.

 

CB hấp dẫn các nhà đầu tư vì nó mang một bản chất khác hẳn so với các công cụ tài chính (financial instruments) bình thường. Cụ thể hơn, CB có một quan hệ rủi ro - lợi tức (risk – return profile) vừa giống như trái phiếu (khi giá cổ phiếu không vượt quá giá chuyển đổi), vừa giống như cổ phiếu (khi giá cổ phiếu tăng cao hơn giá chuyển đổi). Đầu tư vào CB sẽ góp phần tăng cường sự đa dạng hoá trong quĩ đầu tư (portfolio diversification), nâng cao lợi nhuận và do đó các nhà đầu tư rất quan tâm tới CB.

 

Trên thị trường quốc tế, những tổ chức phát hành CB hầu hết bao gồm các công ty đã có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá chuyển đổi trong CB thường cao hơn giá cổ phiếu lúc CB được phát hành khoáng 15-25%. Giá trị cổ phiếu trên thị trường là thông số quan trọng nhất để xây dựng cấu trúc của CB. Chỉ trong một số trường hợp ngoại lệ khi mà tổ chức phát hành CB và nhà đầu tư thương lượng kín với nhau thì CB mới được phát hành trước khi cổ phiếu được niêm yết.

 

Trong trường hợp cổ phần hóa Vietcombank, khi mà cổ phiếu của Vietcombank chưa được định giá rõ ràng thì việc tìm được một cấu trúc hợp lý cho cả Vietcombank và các nhà đầu tư là rất khó khăn.

 

Một bài báo gần đây so sánh việc phát hành CB của Vietcombank với việc phát hành CB của một số ngân hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự so sánh này có lẽ chưa phù hợp vì những ngân hàng ở Trung Quốc (China Minsheng Bank and Shanghai Pudong Development Bank) chỉ phát hành CB sau khi cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán nội địa.

 

Giá trị của Vietcombank

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về ảnh hưởng của việc phát hành CB tới giá trị của Vietcombank. Vậy thế nào là giá trị của Vietcombank trong ngữ cảnh này và làm thế nào để xác định được giá trị đó?

 

Giá trị của Vietcombank có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, nó có thể là giá trị doanh nghiệp (enterprise value), tổng giá trị cổ phần (equity value), giá trị của cổ phần nhà nước trong trong Vietcombank (trong trường hợp cổ đông mới không phải là nhà nước), hoặc một khái niệm nào khác.

 

Có lẽ khái niệm “tăng giá trị” trong trường hợp này có thể hiểu nôm na là sau khi phát hành CB, Vietcombank sẽ bán “được giá” hơn. Vậy thế nào là “được giá hơn”? Một trong những chỉ số quan trọng nhất trong việc xác định giá trị của ngân hàng là chỉ số giá bán chia cho giá trị trên sổ sách (price to book value, hay là PB). Giá trị sổ sách thường là “tổng vốn và các quĩ” (theo như thuật ngữ trên báo cáo thường niên của Vietcombank năm 2003), tiếng Anh gọi là Shareholders’ Equity hay Book Value (tạm gọi là BV). Nếu Vietcombank đã là ngân hàng cổ phần thì khi đem BV chia cho tổng số cổ phiếu hiện có của Vietcombank, bạn sẽ có BV của một cổ phiếu của Vietcombank.

 

Giả sử BV của Vietcombank có giá trị tương đương với 300 triệu đô la và Vietcombank có tổng cộng là 30 triệu cổ phiếu. Như vậy, mỗi cổ phiếu của Vietcombank sẽ có giá trị trên sổ sách là 10 đô la. Nếu như một cổ phiếu của Vietcombank bán được 15 đô la, hệ số PB sẽ là 1,5.

Nếu vì một lý do nào đó (chẳng hạn phát hành CB) mà mỗi cổ phiếu của Vietcombank bán được cao hơn (20 đô la), lúc đó hệ số PB sẽ là 2,0 và ta có thể nói được là giá trị của Vietcombank đã tăng lên...

Một ngân hàng mạnh với nhiều tiềm năng phát triển sẽ có hệ số PB cao hơn so với một ngân hàng yếu có ít tiềm năng phát triển hơn.

 

Hiện nay hệ số PB của các ngân hàng Singapore chỉ khoảng 1,3 đến 1,7 trong khi các ngân hàng của Trung Quốc có hệ số PB trên 2,0 (có ngân hàng lên tới gần 3,0). Điều này không có nghĩa là các ngân hàng của Singapore là “yếu” hơn các ngân hàng Trung Quốc mà có lẽ là các nhà đầu tư nhìn thấy nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường Trung Quốc hơn chăng?

 

Tại Indonesia, khi mà Bank Mandiri (ngân hàng lớn nhất của Indonesia với tổng tài sản có khoảng 26 tỷ đô la và có chính phủ là cổ đông chiếm đa số), hiện có hệ số PB khoảng 1,5 thi Bank Central Asia (ngân hàng lớn thứ hai của Indonesia với tổng tài sản có khoảng 16 tỷ đô la và có cổ đông chiếm đa số là một tổ chức đầu tư nước ngoài) hiện có hệ số PB trên 3,0. Sự khác biệt lớn này là do BCA có chất lượng tài sản cao hơn, có nhiều tiềm năng phát triển hơn, và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp được sự tin tưởng hơn của giới đầu tư so với Bank Mandiri.

 

Nếu như việc phát hành CB là khả thi, việc phát hành CB làm tăng độ an toàn vốn của Vietcombank và CB có thể được định giá chính xác thì Vietcombank sẽ có quyền đòi một hệ số PB cao hơn so với trước khi phát hành CB. Theo góc độ đó, giá trị của Vietcombank sẽ tăng lên.

 

Trong mọi trường hợp, việc củng cố nguồn vốn cho một ngân hàng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Một ngân hàng chỉ có thể trở nên thực sự mạnh hơn khi mà nguồn vốn mới được sử dụng để củng cố và phát triển công nghệ tiên tiến theo quy chuẩn của ngành ngân hàng trên thế giới và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Những tiến bộ đó sẽ làm cho ngân hàng mạnh lên ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, tài chính và phát triển chiến lược. Đó mới là giải pháp dài hạn để tăng giá trị của ngân hàng.

 

Những lựa chọn cho quá trình cổ phần hoá ngân hàng Việt Nam

 

Tuy đi sau trong công cuộc cải cách hệ thống ngân hàng, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của những nước đi trước.

 

Với hiện trạng hệ thống ngân hàng bây giờ còn gắn liền với một lượng lớn nợ xấu, hệ số an toàn vốn thấp, công nghệ lạc hậu, kỹ năng ngân hàng hạn chế, đâu là giải pháp tốt nhất để chuẩn bị cho các ngân hàng nội địa đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là trong tương lai gần khi Việt Nam mở cửa thị trường ngân hàng khi thực hiện các cam kết của Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ hay khi Việt Nam trỏ thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

 

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào trường hợp cụ thể của Vietcombank và phân tích sơ bộ các lựa chọn có thể trong quá trình thực hiện cổ phần hoá ngân hàng. Hiện tại, Vietcombank là ngân hàng thương mại do nhà nước năm giữ 100% cổ phần, và là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, như nhiều bài viết gần đây đã chỉ ra, Vietcombank vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn như lượng nợ xấu cao (nếu tính theo tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế), hệ số an toàn vốn thấp, hệ thống quản lí rủi ro còn nhiều hạn chế, v.v…

 

Mục tiêu của quá trình cổ phần hóa Vietcombank không nằm ngoài việc biến Vietcombank thành một ngân hàng mạnh với sức cạnh tranh cao trong cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước cũng như đảm bảo doanh thu từ việc bán cổ phần của nhà nước ra ngoài là cao nhất.

 

Trên thực tế, ngân hàng càng “mạnh” thì giá bán càng cao (tức là hệ số PB thu được càng cao). Thế nhưng để làm cho một ngân hàng yếu trở nên mạnh (để thu hút đối tác và bán được giá hơn) cần nhiều thời gian, nguồn lực tài chính và cả nguồn nhân lực chỉ có ở các ngân hàng hay tổ chức đầu tư nước ngoài. Điều cần thiết nhất là phải làm sao cân bằng được các yếu tố nói trên trong điều kiện môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, ngân sách eo hẹp và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

 

Tuy bài toán này không có một lời giải duy nhất, bài viết sẽ phân tích hai bước cơ bản và những cái được và mất của mỗi bước đi đó. Hai bước cơ bản đó bao gồm (không theo thứ tự thực hiện): nâng hệ số an toàn vốn của Vietcombank và lựa chọn đối tác chiến lược.

 

Nâng hệ số an toàn vốn

Đây là biện pháp để củng cố tình trạng tài chính của ngân hàng bằng cách huy động thêm vốn cho ngân hàng. Vốn có thể được huy động từ nhà nước hay từ các nhà đầu tư trong thị trường nội địa hoặc quốc tế. Tiền gửi của khách hàng, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng và nợ bình thường (không phải là sub-ordinated debts) không được coi là vốn của ngân hàng, các khoản đó đối với một ngân hàng có thể được coi là nguyên liệu đầu vào, cũng như dầu thô đối với các nhà máy lọc dầu, và đầu ra là các khoản mà ngân hàng cho vay)

 

Vốn có thể được huy động từ ngân sách nhà nước dưới dạng tiền mặt hoặc dưới dạng trái phiếu tái cấp vốn (recap bond). Tuy việc tái cấp vốn bằng tiền mặt có lẽ là “có lợi” nhất cho Vietcombank, nó đòi hỏi ngay lập tức một số lượng khá lớn tiền mặt từ ngân sách mà nhà nước khó có thể đáp ứng được với ngân sách eo hẹp như hiện nay.

 

Việc tái cấp vốn dưới dạng recap bond (theo kinh nghiệm của Indonesia) có thể được thực hiện theo cách nhà nước “cho không” Vietcombank một số lượng khá lớn trái phiếu chính phủ. Lượng trái phiếu chính phủ này có thể để hoán đổi với một phần nợ xấu (ít ảnh hưởng tới BV của Vietcombank), hoặc để tăng thêm BV của Vietcombank (equity investment). Recap bond này sẽ khiến gánh nặng lên ngân sách nhà nước được dàn đều trong một thời gian dài trong khi tình trạng an toàn vốn của Vietcombank có thể được nâng cao ngay lập tức.

 

Trong cả hai trường hợp, nhà nước sẽ có hoàn toàn quyền chủ động mà không phải phụ thuộc vào yếu tố thị trường hoặc các nhà đầu tư phi nhà nước.

 

Các tổ chức và cá nhân phi nhà nước cũng có thể là những nguồn vốn không thể bỏ qua. Tùy theo cấu trúc vốn hiện có mà Vietcombank có thể chọn cách huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu thứ cấp (sub-ordinated debt), trái phiếu có quyền chuyển đổi (CB), cổ phiếu ưu tiên hay cổ phiếu bình thường.

 

Khi phát hành cộng cụ nợ hoặc gần như nợ (chẳng hạn như trái phiếu thứ cấp hay một số dạng của cổ phiếu ưu tiên) thì Vietcombank cần quan tâm đến việc những công cụ đó có đủ hấp dẫn giới đầu tư hay không nhất là khi mà Vietcombank có thể đang có tỷ lệ nợ trên vốn cổ đông (BV) cao. Phát hành thêm nợ sẽ làm tăng áp lực trả lãi suất hàng năm lên Vietcombank và do đó làm tăng khả năng phá sản (không trả được nợ) của Vietcombank.

 

Việc phát hành cổ phiếu bình thường sẽ khiến cho cấu trúc vốn của Vietcombank mạnh lên rất nhiều. Tuy nhiên nếu tình trạng ngân hàng còn bị coi là “yếu” thì sẽ rất khó đạt được giá bán cao (hệ số PB cao). Hơn nữa, với lượng cổ phiếu mới phát hành, nhà nước sẽ không còn là cổ đông duy nhất nắm giữ 100% cổ phần của Vietcombank.

 

Mỗi phương án nói trên chỉ là một cách để nâng cao hệ số an toàn vốn trong hoạt động quản lý vốn của ngân hàng. Cái khó là làm sao chọn được phương án thích hợp nhất trong điều kiện cụ thể của một ngân hàng. Vietcombank cũng có thể chọn nhiều phương án cùng một lúc hoặc tại những thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển của ngân hàng.

 

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc quản lý vốn trong ngân hàng không thể được thực hiện một cách rời rạc, thụ động mà phải là một quá trình liên tục theo dõi và điều chỉnh cho thích hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

 

Cổ đông chiến lược

Cổ đông chiến lược luôn là một trong những vấn đề sống còn đối với các ngân hàng trong các nền kinh tế kém phát triển hơn. Như đã trình bày ở trên, nhiều ngân hàng của Trung Quốc và Indonesia (bao gồm cả ngân hàng quốc doanh lẫn tư nhân) đã thành công trong việc tìm cổ đông chiến lược. Gần đây, hai ngân hàng cổ phần hàng đầu của Việt Nam là Sacombank và ACB đều đã tìm được một cổ đông chiến lược cho mình.

 

Cổ đông chiến lược có thể là một (hoặc nhiều) ngân hàng có tầm cỡ quốc tế hoặc một tổ chức đầu tư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Đúng như nghĩa của cụm từ “cổ đông chiến lược”, các tổ chức nói trên thường mua một số cổ phần nhất định của một ngân hàng nội địa (thường thì càng nhiều càng tốt) và ký một thoả thuận để tham gia trực tiếp vào việc quản lý ngân hàng.

 

Cổ đông chiến lược, bên cạnh việc cung cấp vốn cho ngân hàng (nếu mua cổ phần mới), có thể giúp chuyển giao những công nghệ, sản phẩm ngân hàng tiên tiến cho ngân hàng nội địa cũng như giới thiệu những nhà quản lý chuyên nghiệp để giúp quản lý ngân hàng. Những thành công của Farallon Capital trong Bank Central Asia ở Indonesia hay HSBC trong Bank of Communications ở Trung Quốc đã chứng tỏ tầm quan trọng của yếu tố cổ đông chiến lược trong hoạt động ngân hàng tại các nước đang phát triển.

 

Có lẽ việc tìm một cổ đông chiến lược cho Vietcombank là không thể tránh khỏi trong quá trình cổ phần hóa. Điều quan trọng ở đây là làm sao chọn được thời điểm tốt nhất. Nếu chọn cổ đông chiến lược sớm quá khi Vietcombank còn yếu và chưa sẵn sàng thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của nhà nước (hoặc của Vietcombank) trong việc bán cổ phần mà còn ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và hợp tác với cổ đông chiến lược của Vietcombank. Nếu chọn cổ đông chiến lược muộn quá thì có thể sẽ làm chậm tiến trình phát triển của Vietcombank nói riêng và cả hệ thống ngân hàng của Việt Nam nói chung.

 

Bên cạnh đó, sự có mặt của một cổ đông chiến lược có uy tín cũng sẽ làm tăng lòng tin của giới đầu tư vào ngân hàng và khiến công việc huy động vốn của ngân hàng trên thị trường (cả nội địa lẫn quốc tế) được dễ dàng hơn.

 

Cũng không thể bỏ qua những chi tiết quan trọng như tỷ lệ cổ phần cao nhất mà một cổ đông chiến lược nước ngoài được phép nắm giữ, cũng như quyền được tham gia quyết định của cổ đông chiến lược. Khi mà Trung Quốc hạn chế tỷ lệ tối đa 20% cổ phần trong một ngân hàng nội địa cho một cổ đông nước ngoài (25% cổ phần cho tổng số cổ đông nước ngoài) thì Indonesia lại rất thoải mái trong việc cho phép các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần đa số (đến 100%) trong các ngân hàng ở nước này.

 

Thái Lan cũng tỏ ra rất chặt chẽ trong việc đồng ý cho cổ đông nước ngoài nắm giữ cổ phần trong ngân hàng với tỷ lệ tối đa là 25% (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt sau thời kỳ khủng hoảng khi một số ngân hàng bên bờ vực phá sản được bán cho ngân hàng nước ngoài như Bank of Asia, Nakornthon hay Radanasin). Tỷ lệ này ở Việt Nam hiện nay là 10% cho một cổ đông nước ngoài và 30% cho tổng số cổ đông nước ngoài.

 

Cũng như trên, khó mà xác định được đâu là con số hợp lý trong việc qui định số phần trăm tối đa cổ đông nước ngoài được phép sở hữu trong một ngân hàng Việt Nam. Con số này phải được quyết đinh dựa trên sự cân bằng giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam và việc bảo vệ hệ thống ngân hàng Việt Nam khỏi sự quá phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài.

 

Cổ phần hóa Vietcombank là một bước đi quan trọng trong công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Việc đi sau nhiều nước trong khu vực cho phép Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của các nước trong vùng. Chắc chắn chúng ta không thể đem y nguyên kinh nghiệm của nước khác để áp dụng vào Việt Nam mà cần phải có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, mỗi sự điều chỉnh không thể chỉ dựa vào những đòi hỏi của Việt Nam mà bỏ qua yếu tố quốc tế, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường hội nhập”.

 

 

Kinh nghiệm cổ phần hóa ngân hàng ở Trung Quốc và Indonesia

Trung Quốc

Trong các nước trong khu vực, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có lẽ là giống với hệ thống ngân hàng của Việt Nam nhất. Trung Quốc hiện có 4 ngân hàng thương mại lớn chiếm khoảng 50-60% tổng tài sản trong ngành ngân hàng, 11 ngân hàng cổ phần và hơn 110 ngân hàng thương mại địa phương.

 

Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc phát triển hơn Việt Nam khi hiện giờ đã có 5 ngân hàng Trung Quốc (đều là ngân hàng cổ phần) có cổ phiếu niêm yết trên thị trường nội địa và 1 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá các ngân hàng quốc doanh mới thực sự khởi sắc trong năm 2005.

 

Năm 1997, mặc dầu chính phủ Trung Quốc chi 32 tỷ đô la để củng cố vốn cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, các bước cần thiết để củng cố hoạt động, kỹ năng tín dụng và phương thức cho vay đã không được thực hiện đầy đủ. Kết quả là sau khi tiêu tốn 32 tỷ đô la, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc tiếp tục mất tiền vào các dự án cho vay không hiệu quả dẫn đến nợ xấu chồng chất chiếm khoảng 25%-30% tổng tài sản có.

 

Với bài học từ những thất bại nói trên, cuối năm 2003, chính phủ Trung Quốc rót thêm 45 tỷ đô la tiền mặt để củng cố 2 ngân hàng quốc doanh là Bank of China và China Construction Bank trên nhiều phương diện như giảm nợ xấu, củng cố hoạt động và giới thiệu 2 ngân hàng cho các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

 

Những sự kiện gần đây đã cho thấy hiệu quả của những chính sách đúng đắn của chính phủ Trung Quốc. Trong tháng 6 năm 2005, Bank of America tuyên bố đầu tư 2,5 tỷ đô la để mua 9% cổ phần của China Construction Bank và sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la để giữ nguyên con số 9% cổ phần của họ khi China Construction Bank phát hành cổ phiếu ra thị trường quốc tế trong năm 2006.

 

Cùng với việc nắm giữ cổ phần, Bank of America cũng sẽ hỗ trợ CCB trong nhiều lĩnh vực bao gồm quản lu rủi ro, công nghệ thông tin, quản lý tài chính và nhân lực...

 

Theo thoả thuận, Bank of America sẽ giữ một ghế trong ban điều hành của China Construction Bank và gửi tới 50 chuyên gia để hỗ trợ China Construction Bank trong dịch vụ tư vấn ngân hàng.

 

Vấn đề nhà đầu tư chiến lược trong các ngân hàng nội địa của Trung Quốc được chính phủ đặt lên hàng đầu. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ và khuyến khích là các ngân hàng nội địa tìm đối tác chiến lược.

 

Hiện tại, Trung Quốc chỉ cho phép tổng số cổ đông nước ngoài nắm tối đa 25% cổ phần của một ngân hàng nội địa, trong đó mỗi cổ đông nước ngoài không được phép nắm giữ hơn 20% cổ phần. Vừa chịu sức ép của chính phủ và môi trường ngày một cạnh tranh hơn, vừa nhận thấy tầm quan trọng của việc “làm bạn” với một ngân hàng nước ngoài, rất nhiều ngân hàng cổ phần và ngân hàng thương mại địa phương đã chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược. Khi mà thị trường Trung Quốc khổng lồ đang rất hấp dẫn các ngân hàng nước ngoài thì việc tìm kiếm đối tác nước ngoài không phải là khó. Kết quả là hiện tại hơn 15 ngân hàng của Trung Quốc đã tìm được đối tác chiến lược và con số đó sẽ còn tăng lên nhiều trong tương lai gần.

 

Một câu chuyện thành công đáng chú ý là việc Bank of Communications, ngân hàng cổ phần lớn nhất Trung Quốc, trở thành ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào giữa tháng 6 năm 2005. Cổ phiếu của Bank of Communications hấp dẫn giới đầu tư trên toàn thế giới không chỉ vì đó là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết trên thị trường quốc tế mà còn vì uy tín của HSBC, cổ đông chiến lược nắm giữ 19.9% của Bank of Communications.

 

Indonesia

Hệ thống ngân hàng của Indonesia được cổ phần hoá từ rất lâu và đã hoạt động khá hiệu quả từ trước khủng hoảng châu Á năm 1997. Tuy nhiên, hệ thống đó suýt nữa sụp đổ hoàn toàn sau khủng hoảng nếu như chính phủ Indonesia không phản ứng quyết liệt bằng cách nhanh chóng nắm quyền quản lý các ngân hàng tư nhân, thực hiện sáp nhập hoặc đóng cửa các ngân hàng yếu kém sắp bên bờ vực phá sản và tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn qua việc cung cấp trái phiếu tái cấp vốn của chính phủ (recapitalisation bond, gọi tắt là recap bond) (chẳng hạn như hoán đổi recap bond cho nợ xấu). Recap bond trở nên một phần quan trọng trong tài sản của nhiều ngân hàng lớn, có thể chiếm tới 30 -50% tổng tài sản có và hoạt động như một nguồn thu ổn định cho các ngân hàng trong giai đoạn khó khăn.

 

Khi khủng hoảng đã qua đi và nền kinh tế dần ổn định trở lại, chính phủ Indonesia đã từng bước bán cổ phần của chính phủ trong các ngân hàng nội địa cho các ngân hàng và tổ chức đầu tư nước ngoài.

 

Khác với Trung Quốc, Indonesia đồng ý cho cổ đông nước ngoài chiếm giữ tới 100% cổ phần của một ngân hàng nội địa. Điều này là một khuyến khích rất lớn cho các ngân hàng và tổ chức đầu tư nước ngoài vì họ có thể trở thành cổ đông đa số và nắm quyền quản lý và điều hành ngân hàng mà họ mua vào.

 

Hiện tại, hệ thống ngân hàng của Indonesia đã trở nên mạnh hơn nhiều với những cái tên thường xuyên được nhắc tới như Bank Central Asia hay Bank Danamon, phần lớn đều có một cổ đông đa số là một ngân hàng hay tổ chức đầu tư nước ngoài.

VnEconomy

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng