Áp dụng KPI trong bộ máy công vụ: Bước đi tất yếu
Cuộc khảo sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM công bố vào hồi tháng 6, ở phần khuyến nghị giải pháp, riêng việc áp dụng Chỉ số Hiệu suất Chính (KPI – Key Performance Indicator) có đưa ra nhận định “kết quả khảo sát cho thấy cần đặc biệt thận trọng trong cách thiết kế và áp dụng KPI. Tỷ lệ đánh giá tích cực về tác động của KPI đối với động lực làm việc tuy ở mức khá cao (72.6%) – cho thấy kỳ vọng rằng áp lực từ KPI có thể thúc đẩy đội ngũ chủ động và hiệu quả hơn – nhưng cũng đồng thời có tới 72.8% lo ngại rằng việc quá tập trung vào KPI sẽ làm bỏ qua những khía cạnh quan trọng, khó định lượng của hoạt động công vụ”.
Con số và nhận định trên là khá chính xác khi trước đó, thực tế tại Khánh Hòa - địa phương đầu tiên áp dụng KPI trong đánh giá hệ thống công vụ tỉnh từ ngày 01/04/2025, sau giai đoạn thí điểm là tiếp đến chính thức từ đầu tháng 3/2025 đã cho thấy, có một bộ phận cán bộ, viên chức đã “kháng cự” với sự thay đổi này. So với cách đánh giá “truyền thống” vẫn chủ yếu thiên về định tính với sự cảm tính, chung chung và có phần nể nang nhau thì bộ công cụ KPI đã thiết lập trên cơ sở định lượng với kết quả đầu ra, chất lượng sản phẩm, thời hạn, thái độ phục vụ, khả năng làm việc nhóm…
Khánh Hòa xây dựng với 3 cấu phần vị trí việc làm gồm danh mục, bản mô tả và khung năng lực, trong đó khung năng lực được xem là khung pháp lý quan trọng để cho ra kết quả đánh giá. Trong khi đó, ngày 10/07 vừa qua, Ban Chính sách Chiến lược Trung ương trở thành là đơn vị trung ương tiên phong áp dụng KPI với bộ khung bao gồm các tiêu chí cụ thể về khối lượng, chất lượng, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch, nhiệm vụ phát sinh và các công việc được giao. Với cán bộ lãnh đạo, khung KPI của Ban còn bổ sung tiêu chí về hiệu suất công tác quản lý, điều hành.
Rõ ràng, chưa nói sớm về kết quả nói chung nhưng với cách tiếp cận bằng KPI trong công tác theo dõi, đánh giá, giám sát cán bộ, viên chức là một bước tiến đáng kể. Điều này, trong nhiều chỉ đạo quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã sớm nêu ra về một bộ KPI để bộ máy công vụ vận hành minh bạch, thông suốt và hữu ích hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Định lượng hóa việc đánh giá hiệu suất công việc, nâng cao trách nhiệm, năng suất và tối ưu hóa quy trình, cải thiện chất lượng quản lý, liên kết mục tiêu cá nhân với sứ mệnh của đơn vị… là những ưu việt mà phương thức này mang lại. Nói như Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang thì “việc áp dụng KPI nhằm loại bỏ các đánh giá mang tính chủ quan, hình thức hoặc thiên vị, đảm bảo tính khách quan và minh bạch dựa trên các đầu ra cụ thể”.
Chính vì có liên kết với hiệu suất “đầu ra cụ thể” nên cán bộ, viên chức buộc phải, hoặc có động lực thúc đẩy việc tự nâng cao trình độ, kỹ năng cũng như trách nhiệm kết nối, làm việc nhóm để thông suốt quy trình, cho ra kết quả phục vụ. Từ đây, kết quả đánh giá cán bộ, viên chức cũng sẽ công bằng, khách quan, có cơ sở cụ thể hơn, giúp họ có động lực, phấn đấu với chế độ khen thưởng công tâm.
Hơn nữa, với nguyên tắc “có lựa chọn, có phân loại và có điều chỉnh” nên việc xây dựng KPI cũng liên tục được cập nhất với điều kiện, yêu cầu của thực tế, đơn vị. Trong đó phân loại rõ ràng theo chức năng, vị trí việc làm và tính chất nhiệm vụ là rất quan trọng. Với các vị trí hành chính – kỹ thuật, nơi có quy trình công việc định lượng rõ ràng (như xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép…), việc áp dụng KPI định lượng là khả thi. Tuy nhiên, với các vị trí chuyên môn cao (pháp chế, tổ chức cán bộ, thanh tra…) hoặc vị trí tham mưu xây dựng chính sách, cần thiết kế hệ thống đánh giá kết hợp giữa KPI và tiêu chí định tính, phản ánh được mức độ sáng tạo, tính thuyết phục trong tham mưu, và hiệu quả thực tế của chính sách được đề xuất.
Một lưu ý đáng kể: KPI phải gắn với mục tiêu công vụ chứ không phải chỉ tiêu hình thức. KPI không thay thế được quản lý bằng con người, và càng không nên trở thành công cụ tạo áp lực máy móc. Nếu chỉ dừng lại ở việc đo đếm số lượng công văn xử lý, số hồ sơ hoàn thành đúng hạn mà bỏ qua yếu tố chất lượng, thái độ phục vụ hay sự hài lòng của người dân – thì KPI sẽ dẫn đến sai lệch hành vi, như chạy theo thành tích, báo cáo đẹp, hoặc né tránh việc khó. Bên cạnh đó, phải có kênh phản hồi định kỳ từ chính người đang chịu đánh giá, để đảm bảo KPI được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ và biến động hành chính.
Ở cấp Trung ương, sau Ban Chính sách Chiến lược Trung ương, Bộ Nội vụ cũng đang lên kế hoạch triển khai KPI trong đánh giá công chức và viên chức từ nửa cuối năm 2025. Ở cấp địa phương, sau Khánh Hòa, TP.HCM cũng đã bắt đầu triển khai các công cụ KPI để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong đánh giá công chức… Điều đó cho thấy hiệu năng, hữu ích của mô hình này đang thúc đẩy các cơ quan công quyền áp dụng.
Với tinh thần của cuộc cách mạng về sáp nhập, tinh gọn thì áp dụng KPI trong bộ máy công vụ là một bước tiến đồng hành, tương thích để từ bộ máy gọn phải có bộ lọc để đánh giá, qua đó tuyển chọn, giữ lại, phát triển những người “tinh hoa” nhằm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Quốc Học