Tin tức
APEC 20 năm qua: Tham vọng lớn, thách thức nhiều?

APEC 20 năm qua: Tham vọng lớn, thách thức nhiều?

17/11/2009

Banner PHS

APEC 20 năm qua: Tham vọng lớn, thách thức nhiều?

Năm 2009, Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa tròn 20 tuổi, và 2010 là năm chốt để thực hiện Mục tiêu Bogor, theo đó các nền kinh tế công nghiệp phát triển tự hóa thương mại với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ liệu APEC có thể đạt được mục tiêu này đúng kế hoạch hay không.

Ngay từ khi được thành lập năm 1989, APEC đã phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mở cửa thương mại và kinh doanh trong khu vực, và chỉ dựa trên một thỏa thuận không ràng buộc. Một số người cho rằng đây là một nhược điểm khiến Diễn đàn này sẽ không thể phát triển một quá trình tự do hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, một số khác khẳng định rằng chính đặc điểm này là một thế mạnh, giúp APEC tập hợp các thành viên tham gia diễn đàn, sẵn sàng thảo luận các vấn đề và lên kế hoạch làm việc. Nhìn lại 20 năm, rõ ràng không thể phủ nhận những lợi ích của việc mở cửa và tự do hóa thương mại, góp phần thúc đẩy thương mại trong khu vực. Song, câu hỏi đặt ra là liệu APEC đã thực sự tạo được sự khác biệt trong thương mại?

Hội nhập mạnh mẽ

APEC là một diễn đàn thương mại không ràng buộc, song là một thành viên của nhóm này có thể so sánh với việc là một bên trong một thỏa thuận thương mại tự do. Đó là nhận định trong một nghiên cứu công bố trước thềm Hội nghị cấp cao APEC, của các chuyên gia kinh tế độc lập thuộc Cơ quan hỗ trợ chính sách (PSU), có trụ sở tại Ban Thư ký APEC ở Singapore.

Dựa trên các số liệu từ năm 1989 - 2007, nghiên cứu trên chỉ ra rằng các thành viên APEC trao đổi buôn bán với nhau nhiều hơn với các nước đối tác trong các thỏa thuận tự do thương mại khác. Mặt khác, các thành viên APEC xuất khẩu hàng hóa cho nhau nhiều hơn gấp ba lần so với vào các nước không phải là thành viên, và gấp đôi so với việc nhập khẩu từ một nước không phải là thành viên.

Thống kê cho thấy 67% tổng kim ngạch trao đổi của các thành viên APEC được thực hiện trong khu vực. Con số này có thể so sánh với Liên minh châu Âu (EU), nơi 66,7% xuất khẩu và 63,4% nhập khẩu được thực hiện giữa các thành viên EU với nhau. Trong khi đó, giữa các nền kinh tế trong Khu vực Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), chỉ 51,3% xuất khẩu và 34,1% nhập khẩu được thực hiện giữa các thành viên.

Điều này chứng tỏ mức hội nhập cao trên thực tế giữa các thành viên APEC, dù dưới những thỏa thuận không ràng buộc. Và đây chính là các thành quả của APEC sau 20 năm tồn tại và phát triển, chứng tỏ rằng quá trình hội nhập khu vực đang diễn ra mạnh mẽ và đầy triển vọng. APEC hiện đang dần chuyển mình thành một khu vực thương mại tự do.

Tham vọng lớn, thách thức lớn

Năm 1994, tại Bogor (Indonesia) các lãnh đạo APEC đã ủng hộ một tầm nhìn đầy tham vọng là thực hiện thương mại mở cửa và tự do - bắt đầu từ năm 2010 đối với các thành viên đã công nghiệp hóa và từ năm 2020 với các thành viên đang phát triển. Từ đó tới nay, tăng trưởng thương mại hàng hóa nội khối hàng năm đã tăng gấp 5 lần, đạt 8,44 nghìn tỷ USD vào năm 2007, với mức tăng trung bình 8,5%/năm, trong khi mức tăng trung bình của thế giới là 7,6%/năm.

Tuy nhiên, hiện một số ý kiến lo ngại rằng mục tiêu Bogor khó hoàn thành. Theo một quan chức APEC, đến giờ vẫn chưa thể xác nhận rằng các nền kinh tế công nghiệp phát triển của APEC đã tự do hóa trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Thực tế là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến các hàng rào thương mại gia tăng.

Theo giáo sư Benito Lim, Đại học Ateneo de Manila (Phillippines), trong thập kỷ vừa qua, tầm ảnh hưởng của APEC đang phần nào giảm đi, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Giáo sư Lim nhận định dù APEC vẫn là một "chìa khóa" để Tổng thống Mỹ cam kết với các đối tác của mình ở Đông Nam Á, nhưng dường như diễn đàn này đang bị gạt ra ngoài lề vì bản chất không ràng buộc của nó và sự hợp tác ngày càng tăng trong khuôn khổ Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20). Trong bối cảnh này, liệu APEC có thể phát triển để gắn bó mật thiết hơn với tiến trình G-20 hay không?

Tiềm năng độc đáo của APEC là có liên quan đến rất nhiều diễn đàn khu vực, tạo điều kiện cho các quan hệ xuyên Thái Bình Dương sâu sắc hơn. Một APEC lý tưởng là nơi các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tham vấn lẫn nhau về các chương trình nghị sự toàn cầu, và phải là nơi 9 thành viên APEC cũng là thành viên G-20 có thể đưa những suy nghĩ của khu vực lên bàn thương thuyết quốc tế.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh giờ là "thời điểm mấu chốt", khi tình hình kinh tế đã ổn định nhưng tương lai chưa chắc chắn. Dịp kỷ niệm 20 năm thành lập là lúc thích hợp để tiếp sinh lực cho APEC và tái cam kết hành động để Diễn đàn này tiếp tục đi đầu trong tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi cho kinh doanh.

Quốc Thái

Tuần Việt Nam

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng