APEC khuyến khích mở cửa thị trường
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ chú trọng vào những vấn đề “dài hạn hơn” như khuyến khích mở cửa thương mại và thị trường khi các thành viên của nhóm ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế.
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) cho biết vào hôm qua 3-11 rằng Diễn đàn APEC gồm 21 nước thành viên này có tầm nhìn dài hạn là tạo ra khu vực thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương và sẽ sử dụng những hiệp định thương mại hiện tại làm lực đẩy để đạt được mục tiêu này.
Singapore sẽ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thưọng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEC vào ngày 14 và 15 tháng 11.
“Chúng tôi sẽ bàn bạc cách thức nâng cao nhiệm vụ cốt lõi của APEC nhằm tăng cường tự do thương mại và thị trường mở tại châu Á. Ý tưởng là hợp nhất mạng lưới các thoả thuận thương mại tự do đã có và giảm những phức tạp về mặt hành chính và phí tổn quản lý các doanh nghiệp”, ông Lee nói với báo chí tại Singapore.
Các thành viên APEC năm 1994 đã ký “Tuyên Bố Bogor” cam kết thực hiện thương mại tự do và mở cửa tại các nền kinh tế phát triển của nhóm vào năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển đến năm 2020. Theo trang web của APEC, các nền kinh tế thành viên, kể cả Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, chiếm đến 44% thương mại thế giới và 54% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
APEC cũng sẽ thảo luận những nỗ lực nhằm đạt được thoả thuận mới về cắt giảm thuế và các khoản trợ cấp trong khuôn khổ Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những cuộc hội đàm nhằm đạt được một hiệp định toàn cầu đã bị cản trở trong tám năm giữa lúc các nhà lãnh đạo quốc tế cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng có thể làm cho tình trạng suy thoái kinh tế thế giới lún sâu hơn. Theo ông Lee, việc hoàn tất các cuộc hội đàm thương mại của WTO là cần thiết để ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, .
Vòng đàm phán Doha khởi động từ năm 2001, tập trung vào việc dỡ bỏ những rào cản thương mại của các nước nghèo bằng cách thiết lập một hiệp định cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và thuế nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp. Những cuộc đàm phán kéo dài bởi sự bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm cả việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải giảm trợ cấp cho nông dân của họ và các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi phải giảm thuế nhập khẩu đến mức độ nào.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ thảo luận việc cải thiện tiết kiệm nhiên liệu, mối liên kết trong vận tải và giao nhận cùng sửa đổi các quy định để tạo điều kiện cho hoạt động thương mại xuyên biên giới, theo ông Lee. APEC sẽ không bàn việc kéo dài thời hạn tạm ngừng việc kết nạp thành viên mới.
Tuy nhiên, ông Lee cho biết Singapore đang “rất lo lắng về an ninh” tại hội nghị thượng đỉnh APEC trong tháng này dù ông hy vọng hội nghị sẽ diễn ra êm thắm và bình an.
Thu Hằng (Theo Bloomberg)
TBKTSG Online