Tin tức
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế và tác động đến thị trường chứng khoán

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế và tác động đến thị trường chứng khoán

26/06/2025

Banner PHS

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế và tác động đến thị trường chứng khoán

Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế theo dự báo kết quả đàm phán thuế quan. Kết quả đàm phán chắc chắn có ảnh hưởng lên nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết, từ đó tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế

Tổng hợp tác động của thuế đối ứng lên xuất khẩu và FDI, bà Ly đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025, tương ứng với mức thuế đối ứng mà Việt Nam có thể thỏa thuận được. Tuy nhiên, ít khả năng xảy ra kịch bản tiêu cực với mức thuế đối ứng ban đầu là 46% và nhiều khả năng đạt được mức thuế đối ứng 20-25% trong kịch bản cơ sở và 10-15% trong kịch bản tích cực.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% và để đạt mục tiêu này, ngân sách đầu tư công đã được điều chỉnh tăng 38% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cũng được đẩy lên mức 16% để có không gian cho mở rộng kinh tế, mục tiêu lạm phát do đó cũng được đẩy lên cao tương ứng từ 4.5-5%.

Dù với kịch bản nào, bà Ly tin rằng Chính phủ cũng sẽ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các mức thuế quan chỉ tác động trực tiếp lên xuất khẩu và FDI, qua đó ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng.

Kỳ vọng trong vài ngày tới, Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ sau 3 vòng đàm phán trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc.

Nếu đàm phán thất bại, mức thuế vẫn giữ nguyên 46%. Xuất khẩu và FDI bị ảnh hưởng nặng nề khi không còn lợi thế cạnh tranh, tiêu dùng yếu ảnh hưởng đến nhóm ngành nội địa, nợ xấu gia tăng, đồng tiền mất giá, nền kinh tế đối mặt rủi ro suy thoái và nhà đầu tư cần hành động ngay việc gia tăng tỷ trọng tài sản trú ẩn đồng thời giảm tỷ trọng cổ phiếu, cơ cấu danh mục sang phòng thủ, cổ tức cao. Trong kịch bản này, VN-Index có thể giảm về lại vùng 1,200 điểm.

Nếu đàm phán thành công, mức thuế có thể thỏa thuận được là 20-25% (kịch bản cơ sở) và 10-15% (kịch bản tích cực). Xuất khẩu, FDI, tiêu dùng nội địa sẽ bị ảnh hưởng nhẹ đến duy trì được đà tăng trưởng. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế kỳ vọng chỉ đạt mức trung bình 6-7% và mục tiêu tăng trưởng 8% sẽ khó thực hiện khi bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn khó lường.

Thị trường có thể đã phản ánh kịch bản cơ sở khi VN-Index đang tiến sát vùng giá hợp lý của năm 2025 quanh 1,380 điểm và có thể chinh phục các cột mốc cao hơn, 1,400-1,500 điểm trong kịch bản tích cực.

"Nhà đầu tư có thể hạ dần tỷ trọng tài sản trú ẩn và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trong 2 kịch bản này. Các nhóm ngành tập trung thị trường nội địa được khuyến nghị trong kịch bản cơ sở khi mức thuế 20-25% vẫn sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu nhưng khuyến nghị cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu tăng trưởng, công nghệ, xuất khẩu, khu công nghiệp trong kịch bản tích cực vì chúng tôi tin rằng mức thuế suất 10-15%, có thể thấp hơn hoặc bằng các đối thủ cạnh trực tiếp của Việt Nam trong xuất khẩu và thu hút FDI, có thể giúp chúng ta gia tăng lợi thế cạnh tranh trong dài hạn", bà Ly khuyến nghị thêm.

Chiến tranh thương mại có thể mới chỉ bắt đầu, linh hoạt thích ứng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phòng vệ rủi ro tài sản mất giá.

Nguồn: SSV

"Bộ tứ" giúp Việt Nam cất cánh 

Dù đối mặt những bất ổn toàn cầu, Chính phủ vẫn đang quyết tâm hành động với “Bộ tứ trụ cột” được cho là những quyết sách sẽ giúp Việt Nam cất cánh, bao gồm (1) những đột phá trong công nghệ; (2) chủ động hội nhập quốc tế, (3) đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và cuối cùng là một thể chế minh bạch để hiện thực hóa các trụ cột trên.

Chỉ trong thời gian ngắn tới đây, sẽ có những đột phá công nghệ trong lĩnh vực tài chính với mô hình sandbox cho các fintech trong lĩnh vực xếp hạng tín dụng, Open APIs, cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), hay thí điểm sàn giao dịch tiền số đến trung tâm tài chính quốc tế ngay tại TPHCM.

Thêm vào đó, một làn sóng tập đoàn tư nhân lớn mạnh, với tham vọng cạnh tranh toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu và tiến bộ công nghệ, là xương sống cho sự phát triển của đất nước. Điều này mở ra vô số cơ hội đầu tư, kinh doanh trong kỷ nguyên mới của Việt Nam.

Cát Lam

FILI - 08:20:00 26/06/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng