Bản chất vụ Kenmark “đứt gánh giữa đường”
Thực chất vụ việc Tập đoàn Kenmark đầu tư vào Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark “vỡ nợ, bỏ trốn, để lại khoản nợ hơn 50 triệu USD” gây xôn xao dư luận.
Đập vào mắt chúng tôi ngay khi đến cửa ngõ của tỉnh Hải Dương là những nhà xưởng màu trắng đồ sộ cao 4-5 tầng. Trái với vẻ hoành tráng bên ngoài, cả khu nhà xưởng im lìm không một tiếng động. Cả 3 cổng vào đều bị niêm phong với đội bảo vệ canh phòng nghiêm mật. Đây là quang cảnh của Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark của chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (KID, thuộc Tập đoàn Kenmark - Đài Loan) sau một năm tạm ngừng hoạt động…
Kenmark không bỏ trốn
Đó là khẳng định của ông Hwang Ding Kuo (đại diện theo pháp luật của KID) với phóng viên Báo Đầu tư và được ông Mai Văn Chọn, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Quảng Ninh xác nhận.
“Hàng tháng, tôi đều sang Việt Nam để làm việc với các ngân hàng và Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương. Ví như, ngày 22/8/2011, tôi đã sang Việt Nam và họp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các ngân hàng đồng tài trợ”, ông Hwang Ding Kuo khẳng định.
Ông Mai Văn Chọn còn cho biết, trước khi ngừng hoạt động, KID đã thanh toán cơ bản tiền lương và một số nghĩa vụ đối với người lao động, đồng thời đã trả tiền thuê đất 50 năm của cả Dự án với số tiền hơn 2,5 triệu USD.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 04204000045 ngày 1/12/2006 do Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cấp, KID có vốn điều lệ 29,529 triệu USD, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark (tỉnh Hải Dương), với tổng vốn đầu tư hơn 1.594 tỷ đồng (tương đương 98,430 triệu USD).
Để thực hiện dự án này, KID đã ký Hợp đồng đồng tài trợ số 151/2008/136-04 với BIDV Chi nhánh Thành Đô, SHB Chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) Chi nhánh Bắc Ninh, với tổng số tiền là 52,85 triệu USD và gần 57,5 tỷ đồng trong thời hạn 6 năm, chiếm khoảng 70% vốn thực hiện Dự án, chứ không chỉ “hơn 50 triệu USD” như một số tờ báo đã thông tin.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, KID đã tiến hành xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Theo ông Chọn, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… và đã đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đăng ký với địa phương.
Tuy nhiên, ngày 20/6/2010, KID đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark với lý do, gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thời điểm đó, nghe thông tin này, nhiều nhà thầu xây dựng nhà xưởng cho Khu công nghiệp nhưng chưa được thanh toán đã mang tài sản, phương tiện, thiết bị, máy móc ra khỏi nhà xưởng, do lo sợ KID phá sản.
Tuy vậy, chủ nợ lớn nhất là BIDV Chi nhánh Thành Đô đã phối hợp với các cơ quan chức năng niêm phong Khu công nghiệp, tránh việc thất thoát tài sản. Quá lo lắng, nhiều nhà thầu, khách hàng đã làm đơn gửi cơ quan công an cho rằng, KID vỡ nợ và bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Vẫn còn lối thoát
Đối với hướng xử lý các khoản nợ của KID với các ngân hàng, theo bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Habubank, đã có nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua lại toàn bộ Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark và đã có buổi làm việc với BIDV về thủ tục chuyển nhượng, phương thức thanh toán nợ, lãi và dự kiến trong tháng 10/2011, mọi thỏa thuận sẽ được giải quyết. Các ngân hàng cho vay, trong đó có Habubank, sẽ xem xét lại năng lực tài chính của nhà đầu tư mới trước khi đưa ra phương án giải quyết nợ theo hình thức chuyển sang chủ đầu tư mới hay chuyển nhượng một phần các nhà xưởng tại Khu công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài để có nguồn thu trả nợ cho các ngân hàng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, ngân hàng này đã yêu cầu BIDV Chi nhánh Thành Đô, với tư cách là ngân hàng đầu mối, có trách nhiệm liên hệ với lãnh đạo của KID và Tập đoàn Kenmark để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Các ngân hàng đã thống nhất với KID về biện pháp xử lý khoản nợ là, KID tăng cường xúc tiến tìm kiếm khách hàng thuê đất tại Khu công nghiệp, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tìm kiếm khả năng chuyển nhượng toàn bộ Khu công nghiệp cho chủ đầu tư mới. Hiện tại, Công ty Kris Sakti Holdings của Malaysia đang quan tâm đến dự án này và các bên vẫn tiếp tục thương thảo các nội dung liên quan.
Liên quan đến thông tin có nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại toàn bộ Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, ông Hwang Ding Kuo cho biết, Tập đoàn đang tích cực tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng Khu công nghiệp. Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông… quan tâm tới Dự án, có một nhà đầu tư có thể trả toàn bộ nợ cho các ngân hàng và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Tuy nhiên, do Khu công nghiệp có giá trị lớn, nên việc chuyển nhượng cần thời gian dài để đàm phán và khảo sát.
Như vậy, việc giải quyết công nợ của KID đối với các ngân hàng Việt Nam chưa đến hồi kết và sẽ còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện. Điều đáng cảnh báo là, có không ít ngân hàng đang đối diện với rủi ro khi ký hợp đồng tài trợ vốn cho các đối tác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hữu Tuấn
đầu tư