Tin tức
Bán CP ngân hàng cho nước ngoài: Kén chồng không dễ!

Bán CP ngân hàng cho nước ngoài: Kén chồng không dễ!

31/07/2006

Banner PHS

Bán CP ngân hàng cho nước ngoài: Kén chồng không dễ!

Gần đây nhiều ngân hàng, một cách chính thức và không chính thức, tuyên bố sẽ bán cổ phần cho nước ngoài. Như các cô gái đến tuổi kén chồng, không phải cuộc “ra mắt” nào của ngân hàng Việt Nam cũng thành công...

Gần đây nhiều ngân hàng, một cách chính thức và không chính thức, tuyên bố sẽ bán cổ phần cho nước ngoài. Như các cô gái đến tuổi kén chồng, không phải cuộc “ra mắt” nào của ngân hàng VN cũng thành công.

Con đẻ, con nuôi

Cuối cùng, ngân hàng cổ phần D quyết định thuê Công ty Boston Consultant Group (Mỹ) tư vấn trong việc chọn lựa đối tác nước ngoài. Chẳng là có ba, bốn tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ cùng đặt vấn đề mua cổ phần của ngân hàng, và mỗi bên đều có những ưu thế nhất định.

“Chúng tôi cần tư vấn để hiểu một cách rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và của đối tác. Phải tự xác định được bản thân trước khi mời gọi nhà đầu tư nước ngoài”, Tổng giám đốc Ngân hàng D tâm sự. 

Sau thời gian thương lượng ròng rã, tháng 4/2006 ngân hàng cổ phần E đã gần như chọn được đối tác chiến lược nước ngoài. Tổ hợp tài chính - ngân hàng - quỹ đầu tư hàng đầu của Pháp chính thức gửi cho ngân hàng E bản chào hợp tác với những điều kiện thuận lợi về giá cả, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Một trong những điểm mà ngân hàng E quan tâm khi “chấm điểm” là tổ hợp Pháp chưa thành lập cũng như đã cam kết sẽ không thành lập chi nhánh ở Việt Nam. Đổi lại, những khách hàng chủ yếu là các công ty đa quốc gia của tổ hợp sẽ được chuyển sang giao dịch với ngân hàng E. Ngân hàng E sẽ có hàng trăm khách hàng pháp nhân mà không tốn một đồng tiếp thị. 

Những tưởng mọi việc sẽ kết thúc hoàn hảo, nhưng chỉ vì sự bất đồng giữa các cổ đông, ngân hàng E đã để vuột mất cơ hội. Một cổ đông pháp nhân lớn e ngại sự tham gia của đối tác Pháp sẽ làm giảm quyền kiểm soát ngân hàng của họ. Cuộc kiếm tìm đối tác chiến lược sẽ khiến ngân hàng E mất thêm thời gian, công sức. 

Giám đốc một ngân hàng nói: “Một trong những điểm mấu chốt khi chọn đối tác nước ngoài để bán cổ phần là xem xét mâu thuẫn quyền lợi”. Ông dẫn chứng nếu đối tác nước ngoài có chi nhánh ngân hàng ở Việt Nam, thì trong cạnh tranh hàng ngày họ sẽ không nhường khách hàng cho mình.

Ngân hàng D tỏ ra thận trọng hơn. Từ gần năm nay họ đàm phán bán cổ phần cho một ngân hàng Mỹ. Một trong những điều khiến lãnh đạo ngân hàng D băn khoăn là ngân hàng Mỹ có tới hai chi nhánh ở Việt Nam, chưa kể họ còn có ý định đầu tư vào những tổ chức tín dụng quốc doanh khác. Sau này đấu thầu, tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, dự án, ngân hàng Mỹ chắc chắn sẽ ưu tiên trước hết cho hai chi nhánh “con đẻ” của họ.  

Thế nên khi tập đoàn tài chính G đặt vấn đề “tìm hiểu”, ngân hàng D không thể không tính toán. Tập đoàn G mạnh về dịch vụ bán lẻ, tài trợ thương mại, cho thuê tài chính, thẻ tín dụng và nhất là không có chi nhánh ở Việt Nam. Phía sau họ còn những tên tuổi khác sẵn sàng hợp tác cùng ngân hàng D như UBS, Goldman Sachs...

“Trong trường hợp “kết hôn” với G, trong tương lai mỗi khi có tài trợ tín dụng, đầu tư hợp tác... liên quan đến Việt Nam, tập đoàn G sẽ nghĩ ngay đến chúng tôi vì chúng tôi là ngân hàng đối tác duy nhất của họ ở đây”, tổng giám đốc ngân hàng D giải thích. 

Mười năm chung thủy

Gần đây nhiều ngân hàng, một cách chính thức và không chính thức, tuyên bố sẽ bán cổ phần cho nước ngoài. Như các cô gái đến tuổi kén chồng, không phải cuộc “ra mắt” nào của ngân hàng Việt Nam cũng thành công. Chỉ một số ngân hàng đánh giá chính xác trình độ, nhan sắc của mình và đưa ra điều kiện lựa chọn “phu quân” phù hợp.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, đã ký hợp đồng bán cổ phần cho một ngân hàng Singapore, nhận xét: "VPBank mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, nhưng cũng phải bắt sao cho có lợi nhất”. Xem ra mọi tính toán không thừa, bởi không phải ngân hàng nào đối tác nước ngoài cũng mua. Không phải ngẫu nhiên ngân hàng Mỹ “tán tỉnh” ngân hàng D dai dẳng đến vậy! Cũng có một số ngân hàng trong nước chào mời họ, mà họ có “để ý” đâu. Họ không giấu giếm cần hợp tác với những ngân hàng nội địa có chiến lược phát triển rõ ràng, đặc biệt mạng lưới khách hàng đông đảo".   

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận sự tham gia của đối tác nước ngoài đã nâng cao uy tín cho ngân hàng Việt Nam. Những tên tuổi tài chính nước ngoài có tác dụng gia tăng lòng tin của khách hàng vào ngân hàng. Tuy nhiên, không phải cuộc kết hôn nào cũng bền vững 100%. Có những đối tác nước ngoài chỉ nhắm đến mục tiêu đầu tư. Họ mua cổ phần ngân hàng Việt Nam bây giờ để sau này chuyển nhượng lại với giá cao hơn.

Đối tác khác lại muốn tìm hiểu “tâm gan” ngân hàng trong nước, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sắp tới. Chỉ có ít đối tác bày tỏ ý định “chung thủy” đến cùng với những cam kết giữ cổ phiếu trong vòng 5-10 năm. Chẳng hạn tập đoàn G nói trên cam kết nếu được mua, họ sẽ giữ cổ phiếu ngân hàng D tới mười năm. 

Không giống như một số ngân hàng nội địa sử dụng ý định bán cổ phần cho nước ngoài như một phương tiện quảng cáo, các đối tác nước ngoài “trầm lặng” theo dõi bước đi của các ngân hàng Việt Nam. Thật bất ngờ khi mới đây có thông tin chưa được kiểm chứng là Bank of America, ngân hàng tầm cỡ thứ hai của Mỹ, đặt vấn đề trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng nhỏ ở Tp.HCM.

Ngân hàng nước ngoài cần một cái nền vững chắc, chứ không quan trọng nền đó lớn hay nhỏ. Với tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm, họ đủ sức nâng đỡ, hỗ trợ các ngân hàng non trẻ Việt Nam phát triển. Vấn đề cần là xác định cuộc “hôn nhân” sâu sắc đến mức độ nào.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng