Tin tức
Bán hàng vào Trung Quốc: Không dễ

Bán hàng vào Trung Quốc: Không dễ

07/11/2009

Banner PHS

Bán hàng vào Trung Quốc: Không dễ

Trong khi Trung Quốc tận dụng tối đa cơ hội do khủng hoảng đem lại để gia tăng xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài thì ở hướng ngược lại, nước này cũng dựng lên vô số rào cản để ngăn chặn hàng nhập khẩu, khiến các nhà kinh doanh nước ngoài ngày càng khó làm ăn.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường IMS, doanh thu tại Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng doanh thu của các công ty dược phẩm lớn như Pfizer, AstraZeneca và Bayer. Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) - một người khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng, cũng chỉ thu được hơn 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ Trung Quốc, chưa bằng 5% tổng doanh thu. Tập đoàn Unilever còn tệ hơn nữa, với doanh số chưa bằng một nửa của P&G, các hoạt động của họ tại thị trường Trung Quốc hiếm khi có lãi. Tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG, dù được thành lập ở Thượng Hải và đã kiếm được lối vào Trung Quốc tốt hơn các đối thủ cạnh tranh, nhưng cũng chỉ được phép hoạt động ở tám thành phố. Các nhà phân tích ngờ rằng doanh thu của AIG tại Trung Quốc còn kém hơn tại Đài Loan, một thị trường có dân số chỉ bằng 2% của Trung Quốc và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Do cuộc khủng hoảng kinh tế ở quê nhà, nhiều công ty quốc tế trở nên thiết tha hơn lúc nào hết trong việc đầu tư vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng khát vọng đó nhanh chóng chuyển thành ảo vọng khi vấp phải những rào cản trong thực tế. Xuất khẩu của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc chẳng hạn, gần như không thay đổi trong suốt năm ngoái, chiếm tỷ lệ chưa tới 7% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này. Cho dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đạt mục tiêu nhà nước đề ra là 8% trong năm nay thì ảnh hưởng đến doanh thu các công ty phương Tây vẫn không đáng kể, theo ông Ronald Schramm, một giáo sư thỉnh giảng trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc-châu Âu tại Bắc Kinh.

Vị trí đặt quảng cáoTất nhiên cũng có một số công ty nước ngoài ăn nên làm ra ở Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp ở hai cực của dây chuyền giá trị: một cực là những mặt hàng xa xỉ, cáp quang, máy bay phản lực và cực kia là dầu mỏ, quặng thép, rác tái chế… Nhưng đối với các mặt hàng nằm ở giữa hai cực này, việc tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục bị ngăn trở bởi những rào cản rõ ràng về pháp lý lẫn những trở ngại tiềm ẩn, bất chấp việc Trung Quốc đã tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2001. Xuất bản, truyền thông, thăm dò dầu khí, tiếp thị, dược phẩm, ngân hàng và bảo hiểm… vẫn là những ngành nghề được Chính phủ Trung Quốc bảo hộ chặt chẽ hoặc ngăn cấm sự tham gia của các công ty nước ngoài. Tệ nạn tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, thủ tục hành chính quan liêu vẫn kìm hãm doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực.

Các báo cáo mới đây từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải, Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc cho đến Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, đều có chung cái nhìn khá u ám như vậy. Nỗi phiền muộn lớn nhất của họ không liên quan gì đến những lời phàn nàn thường có của doanh nghiệp, như thiếu hụt nhân viên có tay nghề hay chi phí cao, mà là sự cạnh tranh được nhà nước hỗ trợ, sự hạn chế tiếp cận thị trường, luật lệ mâu thuẫn, thiếu bảo vệ các tài sản trí tuệ, bộ máy hành chính độc đoán và không rõ ràng.

Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung là một ví dụ. Để có thể hoạt động ở Trung Quốc, hội đồng phải mất sáu tháng với nhiều loại thủ tục để có được giấy phép hoạt động một năm. Khi gia nhập WTO, Trung Quốc đồng ý cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh cung cấp hệ thống đặt vé máy bay cho các hãng hàng không nội địa, nhưng theo Phòng Thương mại châu Âu thì cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các quy định cần thiết để thực hiện cam kết này.

Các quan chức địa phương Trung Quốc còn làm đủ cách để bảo vệ các công ty dưới quyền, chẳng hạn như ưu đãi quyền sử dụng đất và tín dụng, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông, do đó cũng kiểm soát các mức giá quảng cáo; làm cho chi phí tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc cao hơn ở nhiều nước phương Tây, cho dù kết quả rất thấp vì người dân Trung Quốc còn nghèo, theo lời ông Tom Doctoroff, Giám đốc Công ty Quảng cáo JWT.

Tỷ giá hối đoái có lẽ là rào cản lớn nhất đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc Chính phủ Trung Quốc ghìm tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp không chỉ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn mà còn làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đắt lên, hạn chế khả năng tiếp cận hàng nhập khẩu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trung Quốc tái lập sự ràng buộc của đồng NDT vào đô la Mỹ hồi tháng 7-2008, ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và đô la Mỹ ở quanh mức 6,82 NDT ăn 1 đô la Mỹ. Từ tháng 3-2009 đến nay, đồng đô la Mỹ giảm mạnh so với đồng tiền của các nền kinh tế lớn như yen Nhật, euro, bảng Anh và franc Thụy Sỹ nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn can thiệp mạnh vào thị trường để buộc đồng NDT phải giảm giá theo; hậu quả là đồng NDT giảm giá 6,9% so với đô la Mỹ, giảm 16% so với euro và giảm tới 31% so với đô la Úc. Đồng NDT càng giảm, cơ may bán hàng vào Trung Quốc càng teo lại, trước tiên là với các công ty châu Âu, Nhật, sau đó đến các công ty Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao tại hội chợ hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới diễn ra tại Quảng Châu mới đây, hai dãy gian hàng dành cho các doanh nghiệp đến từ 35 quốc gia - bày bán sứ vệ sinh Ý, thảm Ấn Độ, tổ yến Malaysia… - không khí thật vắng vẻ và ảm đạm, trái hẳn với sự sôi động ở khu vực dành cho các công ty Trung Quốc - theo quan sát của phóng viên báo New York Times. Một số nhà xuất khẩu châu Âu đã quyết định ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc bằng đô la Mỹ thay vì euro để hạn chế thiệt hại mà chính sách ngoại hối của Trung Quốc gây ra.

(Phương Huỳnh - Theo The Economist và New York Times)

tbktsg

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng