Tin tức
Bảo hiểm nhân thọ chưa xứng với tiềm năng

Bảo hiểm nhân thọ chưa xứng với tiềm năng

17/10/2005

Banner PHS

Bảo hiểm nhân thọ chưa xứng với tiềm năng

Tỷ trọng người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 7% dân số. 90% nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ nhằm vào trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng. Bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa xứng với tiềm năng...

Tỷ trọng người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 7% dân số. 90% nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ nhằm vào trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng. Bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa xứng với tiềm năng.

 

Đó là khẳng định tại cuộc hội thảo "Quản lý và phát triển ngành bảo hiểm nhân thọ góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội Việt Nam" do Hiệp hội bảo hiểm tổ chức tại Hải Phòng ngày 9/10 vừa qua.

 

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng bình quân 40% mỗi năm song tổng doanh thu mới chiếm 1,25% GDP là quá thấp so với bình quân chung của khu vực ở mức 2,5 -7%.

 

Sau một thời gian ì ạch, đến 2000 khi nền kinh tế Việt Nam khôi phục sau cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, ngành bảo hiểm nhân thọ đã có cơ hội phát triển với một loạt các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Manulife, Prudential, AIA và Liên doanh Bảo Minh CMG vào cuộc.

 

Tăng trưởng nhảy vọt

 

Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, năm 2004 doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 7.886 tỷ đồng. Tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đến cuối 2004 đạt gần 6,55 triệu bộ với gần 6 triệu người tham gia (chiếm 7% tổng dân số). Kênh phân phối cũng ngày càng phát triển với khoảng 99 ngàn tổng đại lý bảo hiểm nhân thọ đảm bảo năng lực trong tư vấn, thuyết trình và phục vụ trực tiếp người tham gia bảo hiểm. Số lượng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng ngày càng tăng, ngày càng có sản phẩm mới đưa đến cho khách hàng.

 

Tính đến nay trên thị trường đã có hơn 100 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ gồm 5 nhóm chủ yếu là bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời và bảo hiểm trả tiền định kỳ. Người tham gia có thể lựa chọn từ bảo vệ bản thân, gia đình, tích luỹ tài chính đến chăm sóc y tế, bổ sung thu nhập khi nghỉ hưu, đảm bảo tài chính cho việc học hành của con cái...

 

Đến nay, một số lượng lớn khách hàng đã được hưởng lợi từ việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo thống kê, mỗi năm các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả trên dưới 800 tỷ đồng cho khách hàng đáo hạn hợp đồng hoặc những trường hợp gặp rủi ro. Ngoài ra, mỗi năm các doanh nghiệp còn chi trả khoảng 500 tỷ đồng giá trị hoàn lại cho khách hàng chấm dứt hợp đồng trước hạn.

 

Với một thị trường phát triển, quy mô các doanh nghiệp bảo hiểm cũng ngày càng được mở rộng. Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đều cam kết có chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam. Đặc biệt, đầu năm 2004, Bảo hiểm nhân thọ đã tách ra khỏi Bảo Việt với số vốn 1.500 tỷ đồng. Prudential thì tăng vốn điều lệ lên 75 triệu USD.

 

Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng rõ rệt, năm 2004 đạt 3.400 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Thông qua việc trích lập quỹ dự phòng nghiệp vụ, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tích luỹ được 15.692 ngàn tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng dự phòng toàn ngành bảo hiểm.

 

Hiện tại, cùng với việc đầu tư công nghệ quản lý, phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp bảo hiểm đều mở rộng kênh phân phối qua đại lý ngân hàng thương mại, bưu điện, mở rộng phạm vi hoạt động qua công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước.

 

Vẫn còn những "rào cản" cần vượt

 

Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng dù đã có sự phát triển mạnh song quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng nền kinh tế-xã hội. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chưa đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng của nền kinh tế và nhân dân. Vì thế, tỷ trọng người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ mới chỉ chiếm 7% dân số và số tiền tiết kiệm được người dân dùng mua bảo hiểm nhân thọ mới chiếm 3,45% tổng số tiền tiết kiệm trong khu vực dân cư.

 

Trong khi đó, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gặp không ít khó khăn do thị trường tài chính của Việt Nam chưa phát triển. Hiện có tới 90% nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ dành đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng thương mại. Vì thế hiệu quả đầu tư thấp và bảo tức cho người tham gia bảo hiểm vẫn chưa cao.

 

Một hạn chế nữa là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là việc tranh giành đại lý khách hàng lẫn nhau vẫn ngấm ngầm diễn ra. Nhiều đại lý vì mục đích bán hàng hưởng hoa hồng nên không thực hiện cung cấp thông tin cũng như giải thích đầy đủ đã ít nhiều làm mất lòng tin của khách hàng.

 

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những hạn chế trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ. Như vậy mục tiêu mà chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ 2003-2010 đề ra với 10% dân số tham gia, doanh thu đạt 31 ngàn tỷ đồng mỗi năm, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm chiếm 3,25% GDP, tổng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế đạt 75 ngàn tỷ đồng sẽ không dễ dàng.

 

Thế nhưng ông Lộc cho rằng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và tiềm năng của ngành bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn, chắc chắn mục tiêu trên sẽ không quá xa vời nếu ngành này có những giải pháp thiết thực. Trước hết cần thực hiện phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế và đời sống dân cư.

 

Riêng về hệ thống pháp lý và chính sách đối với bảo hiểm nhân thọ, theo ông Lê Song Lai, Phó vụ trưởng Vụ bảo hiểm, Bộ Tài chính, hiện nay chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng được tăng cường, tạo thuận lợi cho thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển. Hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã tương đối hoàn chỉnh theo chuẩn mực quốc tế. Bộ Tài chính đã thực hiện giám sát các doanh nghiệp về đào tạo, tuyển dụng đại lý bảo hiểm, việc tuân thủ các quy định về giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin cho khách hàng. Quy trình kiểm tra tại chỗ, giám sát từ xa, hệ thống chi tiêu giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, yêu cầu về chuyên viên tính phí bảo hiểm cũng như biện pháp chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh gây thiệt hại cho khách hàng mà Bộ Tài chính thực hiện đã có hiệu quả.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nhà nước nên tiếp tục đổi mới và tăng cường quản lý bằng hệ thống pháp lý chặt chẽ cũng như các chính sách phù hợp. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ngoài việc đa dạng hoá loại hình đầu tư, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư thì một vấn đề không kém phần quan trọng là thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm tạo dựng uy tín với công chúng.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập hiện nay, vấn đề hết sức cần thiết là các doanh nghiệp vừa tự nâng cao khả năng cạnh tranh, vừa phải tăng cường hợp tác với nhau.  

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng