Bảo hiểm y tế: “Thóc còn mà người vẫn không no”
Các mắt xích trong mối quan hệ bệnh nhân - bệnh viện (BV) - bảo hiểm đang rất trở ngại cho công tác khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm y tế sẽ làm gì để tạo điều kiện cho người có thẻ bảo hiểm được khám chữa bệnh thuận lợi hơn?...
Phỏng vấn ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm tự nguyện - Bảo hiểm xã hội Việt
Các mắt xích trong mối quan hệ bệnh nhân - bệnh viện (BV) - bảo hiểm đang rất trở ngại cho công tác khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm y tế sẽ làm gì để tạo điều kiện cho người có thẻ bảo hiểm được khám chữa bệnh thuận lợi hơn?
Vì sao tỉ lệ kết dư của quỹ bảo hiểm còn tới gần 2.000 tỉ đồng, thưa ông?
Đây là kết dư của 12 năm, nhưng con số những năm gần đây ngày càng cao do mức đóng bảo hiểm dựa theo lương cơ bản tăng, khoảng 2 lần so với thời điểm 1998.
Trước đây, khi quỹ bảo hiểm do UBND tỉnh quản lý nhiều khoản tiền chuyển sang mua trang thiết bị, nhưng sau NĐ 58 thì quỹ này chỉ dành chi trả chi phí khám chữa bệnh của người có thẻ nên kết dư càng lớn.
Ngay đối với quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo bắt đầu hoạt động từ năm 2002, tỉ lệ giải ngân cũng chỉ 60%. Vì sao "thóc còn mà người vẫn không no"?
Trang thiết bị y tế và trình độ bác sĩ ở tuyến địa phương không đáp ứng được yêu cầu của người dân, họ vượt tuyến nên quỹ này không được huy động để chi trả. Bên cạnh đó, cách tổ chức thanh toán còn quá bất cập.
Quỹ tồn dư nhưng vì sao BV luôn đưa ra lý do giá "trần" khám chữa bệnh bảo hiểm bị khống chế để hạn chế cấp thuốc cho bệnh nhân nội trú?
Theo quy định, chi phí khám chữa bệnh ở BV năm nay, cộng thêm 10% trượt giá sẽ là ngân sách cấp cho năm sau.
Người dân cũng không hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế...
NĐ 58/1998 được ban hành kèm theo khung giá viện phí lúc đó. Hiện nay, số thu BHYT không đủ bù đắp những trang thiết bị kỹ thuật cao nên các BV phải bắt buộc thu của người tham gia bảo hiểm - trái với quy định. Có hiện tượng kê đơn những thuốc ngoài danh mục BV để bệnh nhân BHYT phải mua thuốc hoặc khám chữa bệnh tại các quầy thuốc, cơ sở y tế tư nhân.
Thái độ bị đối xử không công bằng khiến người dân không quan tâm đến chính sách BHYT? Bảo hiểm có vẻ còn né tránh vấn đề này?
Đúng là toàn bộ quy trình tổ chức mua thẻ, thanh toán, khám chữa bệnh bảo hiểm còn quá bất cập. Đáng lẽ nhân viên bảo hiểm y tế tại BV cần giám sát để đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi của bệnh nhân thì lại quá chăm chú công việc không phải của mình là kiểm soát chi phí, bỏ thuốc này, thêm thuốc kia như là "bác sĩ". Người tham gia bảo hiểm cũng không được thụ hưởng quyền lợi như nhau.
Bộ Y tế đang dự thảo sửa đổi một số điều trong NĐ 58, những vấn đề nào sẽ được điều chỉnh?
NĐ 58 chưa đề cập đến một số đối tượng cần có sự trợ cấp của Nhà nước như người tham gia kháng chiến có con nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi trên 90, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Do đó, trước hết, các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc sẽ được mở rộng. Đối với người lao động, bất cứ ai làm việc và được trả lương trên 3 tháng đều bắt buộc tham gia. Tất cả học sinh phổ thông chuyển từ đối tượng bảo hiểm tự nguyện sang bắt buộc. Về tổ chức quỹ, không còn chi phí quản lý (8,5%) và dự phòng chung 5% như hiện nay, tất cả dành cho khám chữa bệnh.
LĐ