Tin tức
Báo hiệu sự sôi động của thị trường tài chính Việt Nam

Báo hiệu sự sôi động của thị trường tài chính Việt Nam

11/05/2005

Banner PHS

Báo hiệu sự sôi động của thị trường tài chính Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, có 4 sự kiện lớn về hoạt động của ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam gây được sự quan tâm lớn của giới tài chính - tiền tệ, báo hiệu một tương lai đặc biệt sôi động của thị trường tài chính Việt Nam...

Từ đầu năm đến nay, có 4 sự kiện lớn về hoạt động của ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam gây được sự quan tâm lớn của giới tài chính - tiền tệ, báo hiệu một tương lai đặc biệt sôi động của thị trường tài chính Việt Nam.

 

Đó là các sự kiện tiếp tục mở cửa thị trường tiền tệ cho các ngân hàng thuộc khối EU; Tập đoàn ngân hàng The Hongkong and Shanghai Banking Corporation - HSBC mở chi nhánh thứ hai tại Hà Nội; nhiều tập đoàn ngân hàng đứng đầu thế giới chạy đua mua cổ phần, thâm nhập mạnh mẽ vào các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; và Tập đoàn Visa thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

 

Kể từ đầu tháng 3/2005, theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) được phép nhận tiền gửi Đồng Việt Nam từ các pháp nhân Việt Nam không có quan hệ tín dụng với tỷ lệ tối đa bằng 400% vốn được cấp từ ngân hàng mẹ. Tương tự, tỷ lệ này áp dụng đối với vốn huy động từ các thể nhân là 350%. Hai mức này tăng lên đáng kể, thay cho mức 250% trước đó.

 

Điều đó cũng có nghĩa là, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc khối EU được bình đẳng như các chi nhánh ngân hàng của Mỹ ở Việt Nam trong lộ trình cam kết của Chính phủ Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính vào năm 2008 theo cam kết của Hiệp định thương mại Việt Mỹ. Tỷ lệ nới rộng cho các chi nhánh ngân hàng thuộc khối EU cũng là thực hiện lộ trình cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, một phần trong lộ trình mở cửa lĩnh vực ngân hàng cho khối này đã được trình lên Chính phủ chờ phê duyệt và công bố.

 

Hiện nay khối EU dẫn đầu về số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, cũng như đứng đầu về số vốn được cấp. Tổng số có 8 chi nhánh ngân hàng của Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, với tổng số vốn được cấp khoảng 140 triệu USD. Đây đều là các ngân hàng lớn trong số 100 ngân hàng đứng đầu thế giới.

 

Được biết các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến từ các quốc gia khác cũng đang có đề nghị được nới rộng và bình đẳng tương tự! Cũng vào thời điểm đầu tháng 3/2005, Tập đoàn ngân hàng The Hongkong and Shanghai Banking Corporation của Anh khai trương hoạt động thêm một chi nhánh mới tại Hà Nội.

 

Cũng trong khoảng cuối tháng 3/2005, thoả thuận bán 10% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho Tập đoàn Ngân hàng ANZ đã cơ bản hoàn tất. Tổng số vốn cổ phần mà ANZ mua của Sacombank được giao dịch là 27 triệu USD.

 

Hiện nay Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần có số vốn điều lệ 740 tỷ đồng, lớn nhất ở nước ta với hai đối tác nước ngoài trước đó là Dragon Finacial Holding của Anh và Công ty tài chính quốc tế - IFC thuộc WB. Sacombank cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng vào cuối năm 2005.

 

Không chỉ có Sacombank, mà cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần khác như: ACB, Eximbank, ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á cũng đang được các tập đoàn ngân hàng nước ngoài: Citibank của Mỹ, Standard Chartered Bank và HSBC của Anh, DBS của Singapore, Deutsche Bank của Đức...tìm mua.

 

Bên cạnh đó một số tập đoàn tài chính - ngân hàng nước ngoài đang có kế hoạch mua cổ phần của Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam khi được cổ phần hoá.

 

Từ bốn sự kiện nói trên cho phép rút ra một số nhận xét sau đây: Tính quy luật, ở đâu có sự cạnh tranh mạnh mẽ và sôi động của các tập đoàn tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế, ở đó sẽ có sự phát triển năng động về kinh tế. Đó là dấu hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư tài chính nhìn thấy tiềm năng kinh doanh hiệu quả lâu dài của thị trường tài chính Việt Nam.

 

Từ sự tiên phong của các nhà đầu tư tài chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh thương mại và dịch vụ, khách hàng toàn cầu của các tập đoàn này đến Việt Nam, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, thu hút khách du lịch và khách nước ngoài đến Việt Nam cho các mục đích khác nhau. Tiếp theo đó, thúc đẩy thị trường thương mại, thị trường xuất khẩu lao động, thị trường du lịch, thị trường chứng khoán Việt Nam,... phát triển mạnh hơn nữa và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh hơn nữa với cộng đồng quốc tế.

 

Vấn đề đặt ra là các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động nắm bắt thời cơ cũng như chuyển động đó. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa thí điểm 2 ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên, tiếp theo đó là các ngân hàng thương mại còn lại. Cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài mua cổ phần giới hạn trong các ngân hàng thương mại cổ phần hoá và các ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời cần tạo chính sách tài chính, thuế, tiền lương, thu nhập cởi mở và linh hoạt hơn cho các ngân hàng thương mại trong nước để đầu tư hiện đại hoá công nghệ, đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng