Tin tức
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm

Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm

21/07/2025

Banner PHS

Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm

Dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán.

Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu để quy định rõ phương pháp tính thuế, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định về thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán của cá nhân (bao gồm cả chứng khoán phái sinh).

Cụ thể, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.

Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trường hợp không xác định giá mua và các chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán nhân với thuế suất 2%.

Với chuyển nhượng chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đề xuất thuế TNCN được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.

Trong đó, phần thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm). Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0.1% theo từng lần chuyển nhượng.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm giao dịch hoàn thành theo quy định của pháp luật

Trước đây, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 (hiệu lực từ ngày 01/01/2009) quy định hai phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán. Cụ thể, tính theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0.1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế 0.1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm. Đến cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập và có đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và các chi phí liên quan thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (hiệu lực từ ngày 01/01/2015) quy định thống nhất một phương pháp tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0.1% trên giá chuyển nhượng từng lần.

Ở một số nước, hầu hết các loại thuế thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Tuy nhiên, cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết.

Chẳng hạn Indonesia áp dụng mức thuế khấu trừ tại nguồn 0.1% đối với doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, đối với người sáng lập, sẽ phải chịu thêm thuế 0.5% đối với giá trị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, bất kể cổ phiếu phát hành để nắm giữ hay bán.

Tại Philippines, thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán niêm yết là 0.6% giá trị giao dịch; thu từ bán chứng khoán chưa niêm yết bị đánh thuế 15%.

Ở Nhật Bản, thu nhập từ việc bán một số chứng khoán cụ thể (bao gồm cổ phiếu/vốn chủ sở hữu trong công ty, trái phiếu chứng quyền…) được đánh thuế tách biệt với các nguồn thu nhập khác, tỷ lệ cố định là 20.315% (thuế quốc gia 15.315% và thuế cư dân địa phương 5%).

Trung Quốc áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoản không niêm yết, xác định bằng doanh thu trừ đi chi phí liên quan.

Hay tại Thái Lan, các loại thu nhập từ vốn đều phải chịu thuế như thu nhập thông thường trừ một số loại thu nhập như vốn thu được từ việc bán cổ phiếu của một công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan; thu nhập từ việc bán các trái phiếu, tín phiếu hoặc công cụ nợ không chịu lãi suất do một tổ chức doanh nghiệp phát hành, trừ trường hợp trái phiếu hoặc công cụ nợ được bán lần đầu tiên với giá thấp hơn giá mua lại của chúng cho một cá nhân; thu nhập từ việc bán chứng khoán niêm yết trên các Sở Giao dịch Chứng khoán ở các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và được giao dịch thông qua ASEAN Link, không bao gồm chứng khoán dưới dạng tín phiếu kho bạc, trái phiếu, tín phiếu hoặc giấy nợ; lợi tức vốn và thu nhập đầu tư từ các nguồn bên ngoài Thái Lan không bị đánh thuế.

Việc thu thuế tỷ lệ trên doanh thu đối với chuyển nhượng chứng khoán đảm bảo tính minh bạch, dễ thực hiện. Tuy nhiên, đối với chứng khoán phái sinh, mặc dù Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác, nhưng có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh.

Cụ thể, giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở, do đó không có đầy đủ giá trị nội tại như chứng khoán cơ sở. Nhà đầu tư nắm giữ không được hưởng các quyền cổ đông như khi nắm giữ chứng khoán cơ sở, như không có quyền tham dự ĐHĐCĐ, nhận cổ tức.

Trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở (trừ hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ chuyển giao vật chất giữ đến ngày đáo hạn). Giá trị của chứng khoán phái sinh được khuếch đại lên nhiều lần do hệ số nhân hợp đồng khi thiết kế các sản phẩm. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi/lỗ).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với chứng khoán phái sinh (Anh, Pháp, Đức, Lucxembourg, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, Thái Lan). Nếu áp dụng phương pháp tính thuế trên giá trị giao dịch thì thuế suất phải linh hoạt đối với từng sản phẩm (Ấn Độ, Đài Loan) và mức thuế suất phải thấp hơn rất nhiều lần so với mức thuế suất áp dụng cho thị trường chứng khoán cơ sở (Đài Loan thấp từ 150 lần đến 600 lần thuế suất trên thị trường phái sinh so với thuế suất trên thị trường cơ sở).

Huy Khải

FILI - 22:50:00 21/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng