Tin tức
Bộ trưởng Tài chính trả lời về vấn đề 'vì sao có tiền mà không tiêu được'

Bộ trưởng Tài chính trả lời về vấn đề 'vì sao có tiền mà không tiêu được'

19/06/2025

Banner PHS

Bộ trưởng Tài chính trả lời về vấn đề 'vì sao có tiền mà không tiêu được'

Đại biểu Quốc hội cho biết “dân kêu trời vì có tiền mà không sử dụng được” trong giải ngân đầu tư công. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân và giải pháp để xử lý vấn đề này trong thời gian tới.

Sáng 19/6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng là các vấn đề quan trọng: từ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới...

Đại biểu Trần Kim Yến. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) nói với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 là một thách thức rất lớn. Một giải pháp đề ra là khơi thông, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100%. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, dù nỗ lực rất lớn từ Thủ tướng, các bộ ngành cho đến các địa phương nhưng tỉ lệ giải ngân đầu tư công vẫn rất thấp. Vậy nhưng dân vẫn kêu trời vì có tiền mà không sử dụng được. Bộ trưởng cho biết các giải pháp khả thi hơn để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng là 8%?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã nhận diện những khó khăn này và đã có rất nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo sát sao.

Kết quả 5 tháng của chúng ta cũng không thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, giải ngân đạt xấp xỉ là 200 ngàn tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân chúng ta đạt được 24.1% (cùng kỳ năm 2024 đạt được xấp xỉ 22%).

“Điều đáng mừng là tất cả các dự án trọng điểm quốc gia đều đạt và vượt tiến độ” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết năm quý 1 đã mất hơn 10 ngày nghỉ Tết, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, chưa kể tâm lý trước Tết và sau Tết nữa. Tuy nhiên, sau đó, chúng ta đã lấy lại tiến độ và có sự gia tăng cả về về số tương đối và số tuyệt đối so với cùng kỷ năm trước.

Mục tiêu đặt ra là chúng ta phải giải ngân được đủ 100% vốn đầu tư công để thông qua đó đóng góp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% - một mục tiêu rất lớn, rất thách thức. Trong khi năm 2024, chúng ta đạt xấp xỉ gần 92%.

Bộ trưởng Thắng sau đó chỉ ra các nguyên nhân, trong đó quy trình đầu tư công gồm nhiều giai đoạn, chỉ vướng một khâu sẽ tác động đến cả dây truyền. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu vẫn là chuẩn bị dự án chưa tốt; hệ thống pháp luật còn thiếu và còn có những vấn đề chồng chéo. Cạnh đó là việc thiếu về nguồn cung các nguyên vật liệu, vấn đề về năng lực tổ chức thực kiện của các bên liên quan, đặc biệt là một số bộ, địa phương, một số ban quản lý dự án thì chưa đạt yêu cầu.

Ông Thắng nêu ba giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Thứ nhất, tập trung tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong triển khai đầu tư công về đất đai, xây dựng quy hoạch, thủ tục hành chính. Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công để theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn, Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, xác định kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 đối với các tập thể cá nhân.

Thứ ba, tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là các dự án trọng điểm.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Nhà nước chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án PPP

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nói Đảng, Nhà nước có chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân, đặc biệt là các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án lớn của đất nước. "Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để tham mưu Chính phủ khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng và dịch vụ công thời gian tới?", đại biểu chất vấn.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ).

Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ tham mưu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó sẽ rút ngắn tối đa thời gian lập, thẩm định dự án PPP; cắt giảm phê duyệt chủ trương đầu tư với một số nhóm dự án. Những chính sách này sẽ giúp giảm thời gian triển khai các dự án PPP.

Ngoài ra, ông Thắng cho biết sẽ mở rộng các trường hợp cho phép chỉ định thầu, đáp ứng yêu cầu đặc thù đối với dự án mới, dự án quan trọng. Ông nói, có dự án Quốc hội đã duyệt nhưng vẫn phải làm thủ tục đấu thầu trong khi đã xác định được chủ đầu tư, gây mất rất nhiều thời gian, thậm chí lên đến hàng năm.

Bộ cũng giản lược yêu cầu, tiêu chí đánh giá với nhà đầu tư, giúp họ được tham gia; đa dạng hóa các hình thức hợp tác đầu tư công, phát huy mô hình đầu tư tư - sử dụng công; đầu tư công - quản trị tư; lãnh đạo công - quản trị tư. Ông Thắng cho biết sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, chia sẻ rủi ro và cân đối nguồn lực với các dự án PPP trọng điểm, ví dụ như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. "Trước đây các dự án PPP, doanh nghiệp phải tự bỏ 100% ra để làm, hiện nay nhiều dự án Nhà nước tham gia 50-60%", ông Thắng nói.

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng văn bản về dự án PPP trong khoa học công nghệ để đổi mới sáng tạo, sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 6. Chính sách này sẽ gồm nhiều điều kiện cởi mở để thu hút doanh nghiệp.

Nhật Quang

FILI - 10:00:00 19/06/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng