"Bùng nổ tiêu dùng" ở Nga đã sang trang
Giá dầu cao và siêu lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ từng mang lại cho nước Nga sự bùng nổ tiêu dùng mạnh mẽ. Mức tăng thu nhập của người Nga vượt gần hai lần tốc độ phát triển kinh tế. Sau 8 năm thu nhập của người dân tăng 2,5 lần, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói giảm hơn 2 lần. Vladimir Putin đã tự hào tuyên bố như vậy vào tháng 2/2008 trên cương vị tổng thống.
So với các nước phát triển thì thu nhập của người Nga vẫn chưa cao, song tương quan giữa thu và chi đưa quốc gia này gần đến những vị trí cao nhất thế giới. Theo báo điện tử FinTimes.ru (Nga), tỷ lệ lạm phát cao khiến việc gửi tiền tiết kiệm không đem lại lãi suất bình thường, lại quen có thái độ dễ dãi với đồng lương kiếm được, nên đa phần người dân lao vào phong trào tiêu xài. Báo cáo của Bộ Phát triển kinh tế và thương mại Nga cho biết nhu cầu tiêu dùng càng cao thì mức độ tiết kiệm càng giảm. Hơn 70% chi tiêu bằng tiền mặt của một người Nga bình thường là hướng tới nhu cầu tiêu dùng.
Chuẩn mực sống thay đổi rất nhanh: Nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trước đây được coi là xa xỉ thì sau vài năm đã thuộc diện bình thường và không thể thiếu. Chẳng hạn, một nhân viên văn phòng có mức lương 500 USD/tháng mua trả góp chiếc điện thoại di động giá 1.000 USD. Còn nhà quản lý thành đạt hơn với mức lương 1.500-2.000 USD thì mua trả góp chiếc xe hơi ngoại mới. Không phải ngẫu nhiên mà Nga lọt vào hàng ngũ dẫn đầu thế giới về tiêu thụ ô tô và gần một nửa số xe này được mua trả góp.
Nếu như năm 2000, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nga, người dân nước này vay ngân hàng 44,7 tỷ rúp (khoảng 30 rúp/1 USD), thì đến năm 2007 số tiền lên tới 3.242,1 tỷ rúp. Các tổ hợp quốc tế, từ nhà sản xuất bia đến ông chủ nhà máy ô tô, xếp Nga vào một trong những thị trường triển vọng và năng động nhất của thế giới. Nhập khẩu của Nga lớn như thổi. Lương thực, thực phẩm nhập ngoại tăng từ 7,4 tỷ rúp năm 2000 lên 27,6 tỷ rúp năm 2008. Xe hơi ngoại tăng từ 10,6 tỷ rúp lên 101,8 tỷ rúp.
Thế nhưng cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bao trùm lên nước Nga. Dù tốc độ tăng thu nhập thực tế của người dân đã giảm đáng kể thì doanh thu thương nghiệp bán lẻ vẫn khá cao, tăng 14,1% trong 11 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, từ tháng 11/08 nhu cầu tiêu dùng bắt đầu chậm lại, với mức tăng chỉ đạt 8%. Cuối tháng 12 nhu cầu tiêu dùng được tiếp sức bởi cơn sốt mua sắm trước năm mới, nhưng sau những ngày lễ thì người dân buộc phải thắt lưng buộc bụng.
Thị trường tín dụng tiêu dùng gần như ngừng tồn tại, các ông chủ giảm biên chế và giảm lương, các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng ngừng các dự án đầu tư. Hiện nay khoảng 250.000 người Nga có nguy cơ mất việc làm. Các chuyên gia dự đoán cuối tháng 1, trong tháng 2 và 3 sẽ diễn ra các đợt sa thải nhân công ồ ạt.
Nhiều người Nga trước đây chạy theo nhu cầu hưởng thụ thì nay không còn khả năng trả nợ. Nếu như thu nhập hàng tháng trước đây có thể gánh được khoản lãi tín dụng thì sau khi mất việc hay giảm lương, điều này trở thành không tưởng. Ai bị hấp dẫn bởi lãi suất tiền vay bằng USD thấp thì nay phải trả giá cao, bởi thu nhập vẫn bằng rúp nhưng khoản tiền vay bằng ngoại tệ phình to do tỷ giá USD so với rúp tăng vọt. Thu nhập giảm kéo theo tiêu thụ giảm, nhất là với các loại hàng hóa đắt tiền. Theo dự báo của Bộ Công thương Nga, năm 2009 mức tiêu thụ xe hơi mới sẽ giảm 47%.
Trong tháng 11/2008 người Nga đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu cho những nhu cầu thường ngày. Điều này khiến các nhà sản xuất lo lắng. Lĩnh vực kinh doanh giải trí, khách sạn hạng trung thất thu lớn vì nhu cầu giảm 40-50%. Quần áo thời trang bán không chạy vì mọi người chẳng còn tâm trí để nghĩ đến "mốt". Người Nga cũng ít mua điện thoại hơn khi lượng điện thoại di động tiêu thụ ở nước này giảm 30-40% từ hồi tháng 10/2008.
ttxvn