Cải cách thể chế - Những khuyến nghị cho Việt Nam
Cải cách thể chế đang là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của tiến trình phát triển Việt Nam; là yếu tố then chốt để đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm độc lập.
Việt Nam cần “cú huých thể chế lớn”, tức cải cách sâu về cách Nhà nước vận hành và thiết lập cơ chế cho thị trường. Điều này không chỉ cần thiết về mặt quản trị mà còn đóng vai trò điều kiện để tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Lịch sử cho thấy Việt Nam có truyền thống cải cách “từng bước”. Hiện tại là thời điểm phù hợp để thúc đẩy một làn sóng cải cách thể chế sâu hơn. Mà trước hết là cải cách đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng.
Việt Nam phân bổ 70% đầu tư công cho địa phương (năm 2021–2023), nhưng chất lượng đầu tư chưa tương xứng. Từ đó dẫn tới chỉ số chất lượng hạ tầng giao thông của Việt Nam thường đứng sau các quốc gia thu nhập cao. Do đó, cần cải cách quy trình đầu tư công vì hiện 8 luật điều chỉnh đầu tư công còn một số nội dung thiếu thống nhất, chồng chéo, dẫn đến thời gian chuẩn bị kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng dự án.
Giải pháp đặt ra là cần đơn giản hóa khung pháp lý bằng cách tích hợp các luật liên quan đầu tư công; giao quyền chủ trì rõ ràng cho dự án liên tỉnh; tăng năng lực đánh giá, thẩm định dự án và đấu thầu công. Đặc biệt sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính sáp nhập thì cần hài hòa hóa kế hoạch đầu tư – tài khóa cũng như giai đoạn hậu sắp xếp các đơn vị hành chính tỉnh thành phố sẽ gia tăng tính hợp tác, chuyển từ chi ngân sách “bình quân” sang “theo kết quả” tăng trưởng để đem lại hiệu quả bền vững trong quản trị địa phương.
Kế đến trong cải cách thể chế chính là quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra một bộ khung nhất quán, có biên độ rộng và tích hợp cao. Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia, hiện nay đang tồn tại hơn 5,000 thủ tục cấp phép kinh doanh. Chưa kể, sau mỗi đợt cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục thì nảy sinh thủ tục mới. Sau 6 năm ban hành Luật tiếp cận thông tin thì chưa đến 13% tỉnh, thành phố công khai thông tin tại điểm đầu mối để cung cấp thông tin. Hệ thống luật hiện ổn định nhưng vẫn thiên về "tiền kiểm", chưa dựa trên bằng chứng.
Thực trạng trên đòi hỏi phải đổi mới cách tiếp cận xây dựng quy định, từ tiền kiểm sang hậu kiểm; nâng cao chất lượng đánh giá tác động chính sách đến kinh tế, môi trường… Chuyên nghiệp hóa Quốc hội bằng việc tăng đại biểu chuyên trách, độc lập đi cùng việc tăng tính minh bạch, tham vấn công khai và phản biện xã hội trong quy trình lập pháp.
Cuối cùng, cốt lõi của cải cách thể chế chính là con người, tức đội ngũ công chức. Việt Nam hiện có quy mô khu vực công lớn, chi lương chiếm 28–30% chi ngân sách, cao hơn mức trung bình các nước thu nhập cao (26%). Lương khu vực công thấp hơn khu vực tư, trung bình chênh lệch từ 10–20%.
Trong bộ giải pháp mang tính cách mạng đang được thực hiện quyết liệt là tinh giản bộ máy, thông qua nghỉ hưu sớm cần đi kèm theo là không tuyển mới ồ ạt. Cải cách tiền lương phải được tính trên cơ sở phù hợp năng lực, vai trò và thị trường lao động. Phát triển hệ thống đánh giá hiệu quả công vụ gắn với thăng tiến – khen thưởng đi cùng tăng cường giám sát độc lập, kiểm soát tài sản, kê khai minh bạch.
Tầm nhìn, phương thức và các bước đi thúc đẩy hành động của lãnh đạo quốc gia và các Nghị quyết ra đời trong thời gian gần đây đã cho thấy Việt Nam đang tái định vị vai trò Nhà nước từ can thiệp sang kiến tạo, tập trung phát triển bộ máy hành chính có năng lực cao, giảm chồng chéo, tăng minh bạch và động lực phục vụ. Từng bước hình thành thể chế học hỏi, linh hoạt và có khả năng phản hồi thực tế.
Cải cách thể chế đã không còn là “khẩu hiệu” mà là hành động tạo chuyển biến trong bộ máy công vụ, điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp lý, đặc biệt sắp xếp đơn vị hành chính trên cả nước đi kèm thúc đẩy phối hợp liên cấp, liên vùng, tăng tính tự chủ - giải trình của địa phương và xác định động lực quan trọng nhất là kinh tế tư nhân. Tất cả đã được kích hoạt cho một quy trình cải cách mang tính sống còn để đi tới tương lai.
Quốc Học