Cần định hướng rõ cho tín dụng ngoại tệ
Quy định mới của NHNN trong Thông tư số 07/2011/TT-NHNN vừa ban hành, về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ là giải pháp đúng hiện nay, nhằm giảm áp lực về ngoại tệ. Nhưng nếu nhìn dài hơn, Nhà nước cần có định hướng giảm tín dụng ngoại tệ dài hạn và kiên định hơn nữa.
Nhìn lại kết quả năm 2010 cho thấy tăng trưởng tín dụng thực tế cho nền kinh tế cũng khá cao và là 29,81% so với cuối năm 2009. Đáng chú ý hơn là, trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 25,3% so với 2009. Điều đó có nghĩa là các DN đã đổ xô đi vay ngoại tệ, bất chấp là có sử dụng hay không và có nguồn để trả nợ hay không.
USD hóa tín dụng đã báo động
Theo các nghiên cứu, mức độ USD hóa tín dụng không phải là vấn đề quá quan ngại đối với các nền kinh tế. Song, USD hóa tín dụng lại làm tăng tính rủi ro của hệ thông ngân hàng và nền kinh tế khi nội tệ có nguy cơ phá giá (mất giá). Khi các khoản vay ngoại tệ cùng đến hạn vào thời gian nào đó, có thể là vấn đề sức ép lên tỉ giá hối đoái của quốc gia.
Tín dụng ngoại tệ đối với VN gần đây dường như đã được các DN khá quan tâm. Số liệu tăng trưởng ngoại tệ gần đây cho thấy, khuynh hướng DN chuyển sang vay ngoại tệ đã khá rõ ràng. Theo số liệu ước tính và thu thập đươc, dư nợ tín dụng hiện nay ước khoảng 27% tổng dư nợ cho vay của hệ thống và tương đương trên dưới 30 tỉ USD. Điều đáng chú ý là có DN không cần ngoại tệ và không có khả năng tái tạo ngoại tệ cũng vay ngoại tệ khá nhiều.
Hậu quả của mở rộng tín dụng ngoại tệ quá mức và dồn dập trong thời gian qua dường như đã nhìn thấy khá rõ. Khi các khoản tín dụng năm 2009 và đầu năm 2010 cùng tập trung đáo hạn vào cuối năm 2010 đã làm thị trường USD rất căng thẳng, hoàn toàn trái với trước đó khi USD khá rẻ trên thị trường (VND lên giá với USD). Về lý thuyết, khi DN nợ ngoại tệ mà sau đó VND bị phá giá, thì gánh nặng nợ lên DN ngày càng gia tăng.
Kiềm chế tín dụng ngoại tệ - hướng đi đúng
Với những gì diễn ra từ trước đến nay, rõ ràng, hạn chế tín dụng ngoại tệ và tiền tới xóa bỏ tín dụng ngoại tệ có lẽ là hướng đi đúng. Việc cấp tín dụng cho những DN cần ngoại tệ thực sự có lẽ không phải bàn cãi. Tuy nhiên đối với các DN không cần ngoại tệ thì chắc chắn cần hạn chế.
Nếu nhìn số liệu gần đây cho thấy, các DN trong nước đang dẫn sâu vào rủi ro tỉ giả. Trước đây 3 năm, dư nợ tín dụng ngoại tệ chỉ khoảng 20% tổng dư nợ. Đến nay tổng dư nợ ngoại tệ đã lên tới gần 27% tổng dư nợ và có chiều hướng tăng mạnh gần đây cho thấy các DN đang phụ thuộc vào ngoại tệ hơn. Trong trường hợp như vậy, vấn đề quản lý tài chính, nhất là quản lý rủi ro tỉ giá của DN phải được tăng cường hơn bao giờ hết.
NHNN đã đưa ra yêu cầu các nhu cầu vay vốn phải đảm bảo và chứng minh được nguồn ngoại tệ đối ứng để trả nợ, cũng như tiếp tục áp điều kiện để hướng đến các quan hệ tín dụng tái tạo được ngoại tệ.
Việc đi vay ngoại tệ, yêu cầu có nguồn ngoại tệ cân đối có vai trò vĩ mô quan trọng. Nhưng yêu cầu về mặt vi mô là DN phải có giải pháp quản lý/phòng chống rủi ro tỉ giá hiệu quả. Những công cụ phòng chống rủi ro (như swap, forward, option ngoại tệ...) của khu vực ngân hàng còn khá nghèo nàn là một trở ngại rất lớn đối với DN trong phòng tránh rủi ro ngoại hối.
Tuy nhiên thị trường vẫn cần một thông điệp rõ ràng và định hướng chính sách rõ ràng về cung ứng ngoại tệ. Trên cơ sở đó thì DN mới có chiến lược tiền tệ cho mình, như chiến lược cân đối ngoại tệ chẳng hạn. Trên thực tế, đã có thời kỳ Nhà nước cấm cho vay bằng ngoại tệ, sau đó năm 2009, Nhà nước mở ra cho vay bằng ngoại tệ... Như thế có nghĩa là các chính sách có chiều hướng đi ngược nhau. Sự được, mất của một chính sách đối với DN là điều khó tránh khỏi, nhưng khi chính sách có nhiều bất định thì thường dẫn đến tổn thất xã hội hơn (giảm phúc lợi xã hội). Nếu nhìn rộng ra, thời gian qua lạm phát ở VN gia tăng đáng kể, việc ngân hàng nắm giữ ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ cũng là một lẽ tất nhiên. Do đó, muốn chống USD hóa nói chung và giảm dần dư nợ cho vay bằng ngoại tệ nói riêng, thì Chính phủ phải quan tâm đặc biệt đến ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là giảm lạm phát xuống mức hợp lý. Các chính sách cần có tầm trung và dài hạn và dứt điểm về cho vay bằng ngoại tệ hay không.
Ths Lê Văn Hinh
diễn đàn doanh nghiệp