Cạnh tranh trên thị trường đất hiếm
Việc Trung Quốc đe dọa ngừng xuất khẩu các kim loại hiếm (đất hiếm) - thành phần cốt yếu trong nhiều sản phẩm công nghệ cao - có khả năng sẽ gây tác dụng ngược.
Đất hiếm (rare earth metals), gồm khoảng 17 nguyên tố khác nhau, được dùng chủ yếu trong công nghệ dân dụng và quốc phòng, từ điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod, mô tơ điện hiệu năng cao, tua bin quạt gió, xe hỗn hợp xăng-điện và công nghệ vũ khí, công nghệ hàng không vũ trụ. Đất hiếm còn được coi là yếu tố then chốt trong việc phát triển công nghệ năng lượng sạch mà thế giới đang hướng đến.
Trung Quốc ngừng xuất khẩu
Như một đặc ân của thiên nhiên, Trung Quốc có tới 95% trữ lượng đất hiếm đã được khảo sát của thế giới. Để tận dụng tối đa lợi thế này, trong thập niên qua Trung Quốc vừa áp dụng chính sách giảm xuất khẩu đất hiếm mỗi năm 6%, vừa ra sức thâu tóm các nguồn đất hiếm ở nước ngoài; buộc các nước công nghiệp phát triển phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản chẳng hạn, phải tìm mua loại nguyên liệu này trên thị trường tự do; còn Mỹ phải nhập khẩu 87% nhu cầu đất hiếm từ Trung Quốc.
Nhưng vấn đề bắt đầu căng thẳng từ tháng 4 năm nay, khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc hỏi ý kiến các bộ ngành khác về một thông tư, theo đó việc xuất khẩu đất hiếm có thể sẽ bị ngừng hẳn.
Theo báo Trung Quốc China Daily, căn cứ của quyết định này là trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc đang giảm mạnh và có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của công nghiệp nước này trong vài thập niên tới. Báo này đưa ra số liệu, trữ lượng đất hiếm tại Trung Quốc chiếm 88% tổng trữ lượng toàn thế giới vào năm 1999 nhưng đã giảm xuống còn 52% vào năm 2008; trong thời gian này, xuất khẩu đất hiếm tăng gấp 10 lần.
Nhưng giới phân tích cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu này còn nhằm buộc các nước khác phải mua trực tiếp từ Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao hoàn chỉnh, chẳng hạn các mô tơ điện gió, thay vì được mua nguyên liệu đất hiếm. Các công ty nước ngoài có sản phẩm sử dụng đất hiếm buộc phải chuyển cơ sở sản xuất tới Trung Quốc, là nơi duy nhất cung cấp được nguyên liệu này.
Theo tạp chí Mỹ Foreign Policy, để thực hiện chiến lược này, mười lăm năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu một kế hoạch thâu tóm thị trường bằng cách cho các công ty quốc doanh vay vốn ưu đãi để phát triển các mỏ khai thác đất hiếm. Nhờ giá lao động rẻ, quy định về môi trường lỏng lẻo, các mỏ của Trung Quốc có thể sản xuất ra kim loại đất hiếm với giá thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh - kết quả là nhiều đối thủ cạnh tranh bị loại ra khỏi thị trường. Một số mỏ đất hiếm tại Bắc Mỹ, Úc và châu Phi phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng vì không cạnh tranh nổi hoặc bán lại cho các công ty Trung Quốc.
Phản ứng bất lợi của thị trường
Nhưng khi Trung Quốc tỏ ý định cấm xuất khẩu đất hiếm, các chính phủ và công ty nước ngoài lập tức phản ứng bằng nhiều phương cách khác nhau. Báo New York Times nhận xét tình hình hiện nay giống như những năm 1973-1974, các nước Ả rập hạn chế xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu leo thang đã làm dấy lên phong trào thăm dò và khai thác dầu mỏ khắp thế giới.
Tại Mỹ, Quốc hội đã tu chỉnh điều luật về ngân sách quốc phòng, yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét lại chính sách phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung cấp đất hiếm từ Trung Quốc. Chính phủ Úc thứ Năm tuần trước đã ngăn chặn một công ty quốc doanh Trung Quốc mua lại phần lớn cổ phần của một mỏ đất hiếm lớn của nước này.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Wall Street, giá cổ phiếu của các công ty khai thác đất hiếm tăng vọt, có cổ phiếu tăng gấp 7 lần trong năm tháng qua, vì có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm vào lĩnh vực này.
Ông Dudley J. Kingsnorth, một nhà tư vấn về sản xuất đất hiếm tại Perth, Úc, nhận xét: “Vì Trung Quốc cố giữ nguồn đất hiếm cho công nghiệp của họ, người ta phải đi tìm nguồn kim loại này ở nơi khác”. Còn theo ông James B. Engdahl, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty khai thác và chế biến đất hiếm Western Minerals Group của Canada, “chỉ ba tháng trước, muốn vay mượn 10 xu cũng khó mà nay chúng tôi bị ngập trong những lời mời cho vay vốn”.
Dòng vốn đầu tư đổ vào các công ty đất hiếm cũng gây khó khăn cho Trung Quốc trong chiến lược thâu tóm vì nhiều công ty không còn cần tới túi tiền của nước này hoặc giá tài sản không còn rẻ nữa. Trường hợp Công ty Lynas Corporation, sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất nước Úc, là một ví dụ. Do khó khăn về tài chính, ngày 1-5 vừa qua Lynas đồng ý bán 52% cổ phần cho Công ty China Nonferrous Metal Mining (CNMM) của Trung Quốc với giá 220 triệu đô la Mỹ; khi ấy cổ phiếu của Lynas có giá 25,7 xu Mỹ/cổ phiếu và CNMM đồng ý mức giá 31,3 xu Mỹ/cổ phiếu. Nhưng thứ Tư tuần trước (23-9-2009), khi thỏa thuận này bị đổ vỡ, giá cổ phiếu của Lynas đã lên tới 78,3 xu Mỹ/cổ phiếu, cao hơn 2,5 lần so với mức giá mà CNMM đưa ra.
Thêm vào đó, Ủy ban Xét duyệt Đầu tư nước ngoài của Úc (FIRB) không chấp nhận hợp đồng giữa Lynas và CNMM, yêu cầu công ty Trung Quốc phải giảm số cổ phần định mua, giảm số ghế trong hội đồng quản trị Lynas; một điều mà CNMM không chấp nhận, và thỏa thuận đổ vỡ. Theo ông Patrick Colmer, ủy viên điều hành của FIRB, yêu cầu của FIRB không chỉ áp dụng cho trường hợp Lynas-CNMM mà căn cứ trên chính sách mới của nước này, theo đó các công ty quốc doanh nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 15% cổ phần các mỏ khoáng sản lớn, tối đa 50% cổ phần các mỏ nhỏ hoặc chưa phát triển của Úc.
Sự đổ vỡ hợp đồng với CNMM vào thời điểm này gần như không gây khó khăn gì cho Lynas vì theo ông Nicholas Curtis, Chủ tịch điều hành, Công ty Lynas đang gặp thuận lợi trong việc huy động vốn và tình hình tài chính đã được cải thiện trong vài tháng gần đây.
Cơ hội mới
Giới phân tích trong ngành nói rằng, Trung Quốc có thể thống trị thị trường đất hiếm khoảng 10 năm nữa. Ông Jack Lifton, nhà hóa học Mỹ, đã giúp tìm ra những ứng dụng ban đầu của đất hiếm trong công nghệ kỹ thuật cao vào đầu những năm 1970, nhận định rằng, chỉ cần Công ty Western Minerals của Canada khôi phục hoạt động các mỏ đất hiếm của họ ở Bắc Mỹ và Nam Phi thì nhu cầu của thị trường đã có thể đáp ứng được. Ông James B. Engdahl của Western Minerals thì cho rằng, với nguồn vốn đầu tư dồi dào hiện nay, công ty ông chỉ cần hai năm để mở lại khu mỏ ở Nam Phi.
Năm nay Trung Quốc chỉ cho phép xuất khẩu sang Nhật 38.000 tấn đất hiếm, chỉ bằng khối lượng mà hai công ty Toyota và Honda sử dụng trong năm ngoái, buộc các công ty Nhật phải tính tới những dự án đầu tư khai thác đất hiếm tại Nga, Kazakhstan, Nam Phi, Botswana, Việt Nam và Malaysia.
Việt Nam, với tài nguyên đất hiếm dồi dào ở Lai Châu và Lào Cai, nếu biết đầu tư khai thác hợp lý có thể tận dụng cơ hội do cuộc cạnh tranh trên thị trường đất hiếm đang sôi động trên toàn cầu để trở thành một nước xuất khẩu loại nguyên liệu quý hiếm này.
Thái Bình (Theo New York Times, Foreign Policy và China Daily)
TBKTSG online