Chi phí tài chính tăng mạnh, BSI báo lãi quý 2 suy giảm
Quy mô vay ngắn hạn tăng mạnh kéo theo chi phí tài chính tăng cao đã tạo áp lực lên kết quả kinh doanh quý 2 của Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI).
Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 của BSI
![]() Nguồn: VietstockFinance
|
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, HOSE: BSI) ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các nguồn thu trong quý 2/2025. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 10% lên 193.5 tỷ đồng. Khoản lãi từ đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) cũng ghi nhận mức tăng 25%, đạt gần 22 tỷ đồng.
Hoạt động cho vay tăng trưởng về doanh thu khi khoản lãi từ cho vay và phải thu tăng 18%, đạt gần 160 tỷ đồng. Trong quý này, Công ty cũng ghi nhận khoản doanh thu bảo lãnh phát hành 25 tỷ đồng, đột biến so với cùng kỳ.
Tuy vậy, mảng môi giới lại chịu sự sụt giảm nhẹ về doanh thu. Mảng này ghi nhận mức giảm 3% so với cùng kỳ, về còn hơn 84 tỷ đồng.
Với biến động như trên, doanh thu hoạt động của BSI tăng 20% trong quý 2, đạt mức 506 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động quý 2 cũng tăng tương ứng lên 244 tỷ đồng, tương ứng tăng 17%. Trong đó, chủ yếu do lỗ từ tài sản tài chính FVTPL tăng 28%, lên tới 164 tỷ đồng.
Mức tăng của khoản lỗ tài sản FVTPL đã kéo giảm kết quả tự doanh quý 2 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Công ty ghi lãi gần 26 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ.
Dù doanh thu hoạt động quý 2 ghi nhận mức tăng, BSI vẫn phải báo lãi quý 2 sụt giảm. Cụ thể, lãi sau thuế quý 2 giảm 11% xuống mức 102 tỷ đồng. Chi phí quản lý tăng hơn 20%, chiếm 53 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng mạnh hơn 124% lên 85 tỷ đồng là các tác nhân chính kéo giảm lợi nhuận của Công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của BSI tăng 9%, đạt gần 844 tỷ đồng. Ngược lại, lãi sau thuế giảm 27% còn 183 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ chi phí tài chính tăng tới 90% lên mức 147 tỷ đồng. Đồng thời, khoản lỗ tài sản FVTPL tăng 66% (ở mức 240 tỷ đồng) cũng làm suy yếu kết quả của mảng tự doanh. Mặt khác, doanh thu môi giới của Công ty giảm 16% xuống còn 143.6 tỷ đồng.
Tới cuối quý 2/2025, tổng tài sản của BSI tăng quy mô hơn 40% so với đầu năm lên mức 14.8 ngàn tỷ đồng. Nguồn tài trợ chính đến từ hoạt động vay ngắn hạn. Số dư đi vay của Công ty tăng từ mức 4.8 ngàn tỷ đồng lên hơn 8.1 ngàn tỷ đồng, tương đương tăng gần 70%.
Cơ cấu tài sản tập trung nhiều ở tài sản FVTPL (chiếm 38%), tài sản HTM (chiếm hơn 10%) và dư nợ cho vay (chiếm gần 45%). Đáng chú ý, Công ty mở rộng quy mô tài sản FVTPL từ 3 ngàn tỷ đồng lên 5.7 ngàn tỷ đồng; tăng dư nợ cho vay từ 5.2 ngàn tỷ đồng lên 6.6 ngàn tỷ đồng.
Danh mục tài sản FVTPL của BSI cuối quý 2/2025
![]() Nguồn: BCTC BSI
|
Theo dõi danh mục tài sản FVTPL, có thể thấy BSC đã gia tăng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong nửa đầu năm. Cụ thể, quy mô trái phiếu niêm yết tăng từ hơn 1 ngàn tỷ đồng lên gần 1.7 ngàn tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết tăng từ 580 tỷ đồng lên hơn 1.8 ngàn tỷ đồng.
Đồng thời, Công ty cũng gia tăng nắm giữ chứng chỉ tiền gửi, từ 707 tỷ đồng lên 1.4 ngàn tỷ đồng.
Danh mục cổ phiếu của BSC duy trì quy mô tương đồng với đầu năm, trong đó, tập trung nắm giữ VPB (gần 80 tỷ đồng), HPG (109 tỷ đồng) và VHC (68 tỷ đồng).
Yến Chi