Chiến lược của các ngân hàng nhìn từ ĐHĐCĐ 2025
Trong tháng qua, các ngân hàng đã lần lượt tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư và thị trường. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cần được đẩy mạnh trong năm để hỗ trợ kinh tế thì ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, việc kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài, do đó chiến lược lựa chọn của mỗi ngân hàng sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Tháng 4, mùa ĐHĐCĐ thường niên của các ngân hàng đồng loạt diễn ra. Ngành ngân hàng đang đứng trước nhiều cơ hội từ chính sách tiền tệ nới lỏng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn từ sức ép nội tại và cả bên ngoài nền kinh tế cộng với áp lực chi phí vốn gia tăng, biên lãi thuần tiếp tục thu hẹp đang là những thách thức đáng kể.
Không chỉ dừng lại ở việc tổng kết kết quả kinh doanh năm 2024, các cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay còn phản ánh chiến lược của từng ngân hàng trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, mối quan tâm của cổ đông đang dịch chuyển mạnh sang các vấn đề điều hành thực chất, như định hướng kinh doanh, quản trị rủi ro và phản ứng trước các biến động vĩ mô – trong đó có cả tác động từ chính sách thuế của Mỹ trong thời gian qua. Những thông điệp chiến lược được đưa ra tại đại hội, vì thế có giá trị tham chiếu quan trọng trong việc đánh giá mức độ khả thi của các mục tiêu kinh doanh mà ngân hàng đặt ra.
Bối cảnh tăng trưởng trong năm 2025 của ngành ngân hàng
Trong năm 2024, dù kinh tế còn khó khăn nhưng nhiều ngân hàng hoàn thành hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Nhóm quốc doanh đạt kết quả tích cực với CTG và BID lần lượt vượt 15% và 2% , VCB đạt ngưỡng 95% kế hoạch. Nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân phân hóa mạnh, VIB và VPB chịu ảnh hưởng nhiều từ câu chuyện giảm NIM do tín dụng tiêu dùng yếu trong những năm qua. Trong khi đó, nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đều vượt kế hoạch do có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội trong năm, trung bình là 22.5%. Các tên nổi bật trong nhóm như LPB hay MBB và TCB đều vượt kế hoạch.
Bước sang năm 2025, kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng cho thấy sự phân hóa rõ nét. Nhóm ngân hàng quốc doanh như VCB, BID, CTG đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, dao động từ 5% đến dưới 10%, phản ánh sự thận trọng trong bối cảnh ưu tiên vai trò dẫn dắt và hỗ trợ tín dụng chi phí thấp cho nền kinh tế. Dù được giao mức tăng trưởng tín dụng cũng khá cao so với các năm là 15-16%, nhưng rõ ràng các ngân hàng quốc doanh cũng đã lên kế hoạch cho việc biên lãi ròng sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm nay. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân thể hiện kỳ vọng tăng trưởng rõ rệt hơn, cho thấy sự chủ động trong chiến lược kinh doanh và niềm tin vào khả năng tận dụng cơ hội trong giai đoạn phục hồi.
Trong nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân, đều có kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua như ACB hay STB . Ngược lại, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng cao như VPB và VIB lại đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá cao, với trên 20%, phản ánh nỗ lực lấy lại đà tăng không tốt sau 2023 và 2024 . Tham vọng này không chỉ thể hiện quyết tâm phục hồi mà còn có cơ sở nhất định, khi khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức tín dụng đều đặt kỳ vọng lớn vào sự khởi sắc trở lại của tín dụng tiêu dùng và nhu cầu vay phục vụ đời sống trong năm nay.
Bảng 1: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024 và kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) của các ngân hàng trong năm 2025
![]() Nguồn: Tổng hợp từ ĐHĐCĐ 2025
|
Với nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, xu hướng chung trong năm 2025 là tăng trưởng ổn định, phản ánh sự thận trọng sau giai đoạn tăng tốc trước đó. Đáng chú ý là OCB, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới 33% như một nỗ lực để bù đắp cho mức hoàn thành thấp trong năm 2024. Trong khi đó, MBB tiếp tục kiên định với mục tiêu phát triển bền vững. Những ngân hàng từng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như LPB hay TCB đều có kế hoạch tăng trưởng chậm lại trong năm nay, cho thấy sự điều chỉnh chiến lược sau hai năm tăng tốc. Riêng HDB là một trường hợp đặc biệt, nhờ lợi thế sở hữu công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, đặt mục tiêu tăng trưởng cao, nối dài đà kết quả tích cực từ năm trước.
Định hướng hoạt động của các ngân hàng trong năm 2025
Trước các công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2025, câu hỏi lớn được đặt ra là mức độ khả thi của những kế hoạch này. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp kéo dài, biên lãi thuần (NIM) tiếp tục bị bào mòn thì việc đạt được các chỉ tiêu lợi nhuận sẽ không dễ dàng. Chính vì vậy, để đánh giá một cách toàn diện hơn, chúng ta cần nắm bắt và hiểu định hướng hoạt động cụ thể của từng ngân hàng trong năm nay.
Bảng 2: Chiến lược ĐHĐCĐ năm 2025
![]() Nguồn: Tổng hợp từ ĐHĐCĐ 2025
|
Định hướng chiến lược năm nay cho thấy các ngân hàng chạy theo quy mô lợi nhuận, đang hướng tới sự cân bằng giữa tăng trưởng, hiệu quả và kiểm soát rủi ro. Nhóm ngân hàng quốc doanh đều nhấn mạnh vào các trụ cột như tối ưu công nghệ, tăng cường chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu. Định hướng này cho thấy các ngân hàng trong nhóm tiếp tục giữ vai trò ổn định hệ thống, ít chạy theo tăng trưởng đột phá nhưng chú trọng vào “sức khỏe nội tại” – điều rất cần thiết trong giai đoạn còn nhiều biến động vĩ mô, đặc biệt là căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang.
Trong nhóm chuyên cho vay cá nhân, VPB và VIB thể hiện kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng khi đều đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên 20% trong năm 2025. ACB duy trì chiến lược “tăng trưởng chọn lọc” sau khi chuyển dịch sang cho vay phân khúc doanh nghiệp trung và lớn trong năm trước, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và cải thiện ROE theo hướng quản trị chi phí hoạt động. Ở hướng khác, STB dự kiến sẽ hoàn thành lộ trình tái cơ cấu và xử lý nợ tồn đọng. TPB tập trung vào hệ sinh thái khách hàng hiện hữu, qua đó cải thiện CASA và thu nhập phi tín dụng, cũng như tạo nền tảng cho tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.
Với nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp, chiến lược năm 2025 đang phân hóa thành hai hướng rõ nét: một nhóm tập trung tối ưu nguồn lực hiện có, nhóm còn lại đẩy mạnh đa dạng hóa tệp khách hàng. HDB, LPB, MSB và SSB lựa chọn mở rộng sang khối SME và bán lẻ – các phân khúc tiềm năng đem lại biên lãi cao hơn. Trong khi đó, MBB và TCB ưu tiên cải thiện chất lượng tài sản, tối ưu vận hành qua ứng dụng công nghệ, còn SHB định hướng khai thác sâu hơn nhóm khách hàng hiện hữu để gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng. Đặc biệt, MBB thể hiện chiến lược phát triển bền vững – hỗ trợ nền kinh tế, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh nhưng chấp nhận mục tiêu lợi nhuận vừa phải. Riêng OCB chú trọng định hướng sản phẩm theo phân khúc khách hàng , trong đó nhấn mạnh tín dụng xanh – một xu hướng đang được thị trường thúc đẩy mạnh mẽ.
Dù được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhưng với việc NIM khả năng sẽ tiếp tục phải giảm để hỗ trợ tăng trưởng cũng như thu nhập từ hoạt động dịch vụ vẫn sẽ khó có khởi sắc thì việc quản trị chi phí hoạt động và kiểm soát chất lượng tín dụng là hai yếu tố tiên quyết giúp các ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Trong mùa ĐHĐCĐ 2025, các ngân hàng đều đang định hình lại chiến lược để thích ứng với bối cảnh mới. Trong đó, nổi bật là kỳ vọng phục hồi trong mảng tín dụng bán lẻ. Điều này cho thấy động lực tín dụng ở khu vực sản xuất – kinh doanh trong hai năm qua có thể sẽ dịch chuyển lại về hướng mảng tín dụng tiêu dùng, nhằm kích thích cầu nội địa. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chịu nhiều áp lực từ thuế quan.
Lê Hoài Ân, CFA - Nguyễn Thị Ngọc An, HUB