Tin tức
Chính sách nhà ở xã hội bắt đầu điều tiết theo nhu cầu thực, thay đổi cả về quỹ đất và đối tượng thụ hưởng

Chính sách nhà ở xã hội bắt đầu điều tiết theo nhu cầu thực, thay đổi cả về quỹ đất và đối tượng thụ hưởng

23/05/2025

Banner PHS

Chính sách nhà ở xã hội bắt đầu điều tiết theo nhu cầu thực, thay đổi cả về quỹ đất và đối tượng thụ hưởng

Kết luận mới của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rõ: xác định nhu cầu thực tế tại từng khu vực, chủ động phân bổ quỹ đất, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Trọng tâm là thiết lập cơ chế điều phối cung - cầu, chuẩn hóa thiết kế, tích hợp các bước đầu tư để thúc đẩy triển khai đồng loạt.

Ngày 23/05, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 256/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình thị trường bất động sản.

Theo Phó Thủ tướng, bất động sản là ngành có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế, tác động đến chuỗi sản xuất, thị trường vốn, tín dụng và lao động. Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, quy hoạch, thúc đẩy phát triển thị trường lành mạnh và bền vững.

Dù một số chỉ số cho thấy sự phục hồi, thị trường vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nguồn cung bất động sản còn thiếu hụt, đặc biệt là ở phân khúc trung bình và nhà ở xã hội. Giá bất động sản đô thị quá cao so với thu nhập của người dân, việc tiếp cận nhà ở, nhất là phân khúc trung bình và xã hội, còn nhiều rào cản. "Còn có tình trạng ‘làm giá, thổi giá' đẩy giá đất lên quá cao", Thông báo nêu.

Nguyên nhân được chỉ ra là do độ trễ của chính sách, thủ tục hành chính kéo dài như phê duyệt phân khu, quy hoạch chi tiết, định giá đất; khó khăn trong tiếp cận tín dụng; nhiều dự án vướng mắc chậm được giải quyết. Ngoài ra, thị trường cũng thiếu hệ thống dữ liệu giao dịch, dự báo và các công cụ điều tiết hiệu quả của nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát các mâu thuẫn, chồng chéo pháp lý để đề xuất sửa đổi, bảo đảm quy định minh bạch, dễ hiểu, dễ làm.

Ông nhấn mạnh cần đánh giá toàn bộ quy trình đầu tư dự án bất động sản - từ thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến cấp phép xây dựng - để tích hợp, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và chi phí tuân thủ. Các thủ tục phải được thực hiện trên môi trường điện tử, thông suốt, minh bạch, hiệu quả.

Các địa phương được yêu cầu sớm có hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định chuyển tiếp về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở, nhằm đẩy nhanh tiến độ, giải phóng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và đất đai.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương thiết lập cơ sở dữ liệu thị trường bất động sản, bao gồm dữ liệu giao dịch, giá, cung - cầu, nhằm chủ động điều tiết thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị - nhà ở, chính sách tín dụng - thuế phù hợp theo từng giai đoạn.

Bộ Xây dựng cũng được giao đề xuất thuế với các dự án chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên. Đồng thời, cần tích hợp các thủ tục đầu tư - thiết kế kỹ thuật - phòng cháy chữa cháy… vào giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian thực hiện.

Với nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng phải sớm ban hành thiết kế mẫu tiêu chuẩn, mở rộng tiêu chí thụ hưởng, đa dạng phương thức tiếp cận như thuê, thuê mua, mua.

Bộ này cũng sẽ tổng hợp vướng mắc, đề xuất giải pháp, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản lành mạnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát quy định về thủ tục đất đai, định giá, giao nhiệm vụ tư vấn khi không tìm được đơn vị thẩm định giá, đặc biệt là các quy định chuyển tiếp.

"Cần hoàn thành cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị và thửa đất chuẩn, tiến tới áp dụng một giá đất, bảo đảm minh bạch, công bằng, làm cơ sở thực hiện chính sách thuế, ngăn ngừa đầu cơ, thổi giá đất", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp với các bộ, ngành đánh giá nợ xấu liên quan bất động sản, từ đó đưa ra giải pháp xử lý, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Cần nghiên cứu mở rộng tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người dân trong lĩnh vực nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính sẽ chủ trì nghiên cứu chính sách thuế với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai, nhưng phải tránh tình trạng đánh thuế chồng thuế.

UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đồng thời, rà soát, phân loại các dự án có vướng mắc pháp lý tương tự với các đối tượng trong Nghị quyết 170/2025/QH15 để sẵn sàng triển khai khi được phép mở rộng áp dụng.

Chính quyền địa phương cần chủ động chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, không chỉ dựa vào 20% quỹ đất từ các dự án thương mại, tránh tình trạng nơi thiếu, nơi thừa. Các dự án nhà ở thương mại, tái định cư đã xây nhưng chưa sử dụng cần được xem xét chuyển sang nhà ở xã hội.

Cuối cùng, Bộ Xây dựng - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản - sẽ phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức họp Ban Chỉ đạo trong quý 2/2025 để đánh giá tình hình và triển khai các nhiệm vụ tiếp theo.

Tùng Phong

FILI - 20:30:56 23/05/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng