Chính sách tín dụng tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Nghị định 156/2025/NĐ-CP không chỉ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn phát triển mà còn phản ánh sự phù hợp và phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.
Nghị định 156/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/072025, với những chỉnh sửa bổ sung về khái niệm, những vấn đề liên quan đến nhận diện, xác định rủi ro và hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan… về mức cho vay không có tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 đánh giá những chỉnh sửa bổ sung không chỉ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn phát triển mà còn phản ánh sự phù hợp và phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.
Sự điều chỉnh, sửa đổi bổ sung khái niệm nông thôn: “nông thôn là địa giới đơn vị hành chính xã, đặc khu (không bao gồm đặc khu mà chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền ở địa phương)”. Đây là sự điều chỉnh nhỏ song mang lại ý nghĩa lớn, không chỉ đảm bảo sự phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thẩm định, xét duyệt cho vay liên quan đến các thủ tục, xác thực biên bản thiệt hại do thiên tai dịch bệnh; vấn đề liên quan điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuộc địa bàn nông nghiệp nông thôn khi gặp khó khăn và chịu tác động ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, cũng như các nội dung khác có liên quan.
Ở góc độ nghiệp vụ, việc chỉnh sửa bổ sung các quy định liên quan đến dư nợ bị thiệt hại; xác định thiệt hại; quy định về tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn; về khoanh nợ… không chỉ góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn đồng thời cũng tạo điều kiện cho các TCTD thuận lợi hơn trong việc xét duyệt cho vay để hỗ trợ khách hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh khi gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trưởng và phát triển. Trong đó, việc nâng mức cho vay không có tài sản thế chấp, tối đa 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; 500 triệu đồng đối với tổ hợp tác, hộ kinh doanh; 3 tỷ đồng đối với chủ trang trại và 5 tỷ đồng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và hợp tác xã trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kích thích phát triển vùng nguyên liệu; các sản phẩm OCOP mang giá trị thương hiệu địa phương, vùng có giá trị kinh tế cao.
Sự điều chỉnh bổ sung của Nghị định 156 không chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà còn góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng trưởng phát triển sẽ góp phần làm giàu đẹp quê hương đất nước, thực hiện tốt các nội dung chương trình nông thôn mới nâng cao, phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch; phát triển ngành nghề truyền thống…
Ông Lệnh cho rằng những chỉnh sửa, bổ sung phù hợp, kịp thời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan và trở thành nguồn lực thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển. Một phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp sự đổi mới thể chế với mô hình chính quyền 2 cấp và yêu cầu về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68.
Hàn Đông