Chợ trái phiếu Vietcombank: Tín hiệu mừng hay lo?
Chính thức đi vào hoạt động từ 10/8/2005, chợ trái phiếu Vietcombank là mối đe dọa rất rõ ràng đối với một mảng nghiệp vụ màu mỡ của công ty chứng khoán là kinh doanh trái phiếu Chính phủ.
Chính thức đi vào hoạt động từ 10/8/2005, chợ trái phiếu Vietcombank là mối đe dọa rất rõ ràng đối với một mảng nghiệp vụ màu mỡ của công ty chứng khoán là kinh doanh trái phiếu Chính phủ.
Nhưng đồng thời, nó cũng gợi mở triển vọng hình thành một thị trường OTC (thị trường giao dịch các loại chứng khoán chưa được niêm yết chính thức) đúng nghĩa của nó cho hoạt động giao dịch trái phiếu. Cái chợ trái phiếu này có thể kéo theo những thay đổi rất cơ bản đối với thị trường trái phiếu Việt
Cho đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có ý kiến chính thức nào về tính hợp pháp của cái chợ trái phiếu này hay cơ chế quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với nó.
Theo công bố của Vietcombank, trong giai đoạn đầu, Vietcombank đưa ra các chào giá hai chiều, hay đóng vai trò “người tạo thị trường” (market maker), để mua bán chủ yếu các loại trái phiếu kho bạc, trái phiếu quỹ hỗ trợ phát triển (DAF) và trái phiếu đô thị Tp.HCM (HUD).
Vấn đề đặt ra là các loại trái phiếu do Vietcombank “tạo thị trường” hiện có đang được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM?
Theo quy định tại Điều 31.1 Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì chứng khoán niêm yết phải được giao dịch qua hệ thống giao dịch của trung tâm giao dịch chứng khoán. Như vậy, Vietcombank sẽ không thể trực tiếp mua bán với đối tác theo đúng nghĩa “người tạo thị trường” đối với các loại trái phiếu hiện được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM để tránh vi phạm Nghị định 144.
Theo đó, Vietcombank sẽ phải thông qua công ty con của mình là công ty chứng khoán Vietcombank trong vai trò môi giới để thực hiện các giao dịch với đối tác qua hệ thống giao dịch của trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM.
Thực tế này dẫn đến hậu quả là sự bất lợi về chi phí giao dịch (phí môi giới) đối với Vietcombank và các đối tác, cho dù thực ra chi phí đối với Vietcombank là doanh thu của công ty chứng khoán Vietcombank.
Do đó, các loại trái phiếu đang được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM chắc chắn không hấp dẫn và cũng không phải là cái đích muốn hướng tới đối với Vietcombank, nhất là nếu phải cạnh tranh với chính các công ty chứng khoán là thành viên của trung tâm giao dịch chứng khoán.
Để thực hiện chức năng của một “người tạo thị trường” đúng nghĩa, Vietcombank phải nhắm vào các loại trái phiếu không niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán. Khi tạo thị trường cho các trái phiếu không niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán, Vietcombank chính thức tổ chức ra một thị trường giao dịch trái phiếu.
Do vậy, hoạt động của cái chợ trái phiếu này sẽ phải có những luật chơi nhất định và thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Một lần nữa, sau trường hợp Vietstock, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải xử lý một vấn đề mang tính chính sách có cùng bản chất nhưng khác về nội dung và hình thức thể hiện. Kinh nghiệm thực tiễn quốc tế cho thấy OTC là phương thức giao dịch hiệu quả đối với thị trường trái phiếu, với tính linh hoạt và sự tham gia chủ yếu của các nhà đầu tư có tổ chức.
Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phát triển thêm những ứng cử viên như Vietcombank để xây dựng một thị trường OTC trái phiếu hiệu quả.
Ngoài việc đặt hoạt động của thị trường này vào một khuôn khổ pháp lý chính thức, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể quy định điều kiện đối với những tổ chức muốn thực hiện chức năng tạo thị trường nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho giao dịch trái phiếu Chính phủ, cũng như nghĩa vụ tham gia tất cả các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ để đảm bảo sự thành công cho các đợt đấu thầu.
Như vậy sẽ hình thành nên một hệ thống các nhà kinh doanh trái phiếu hàng đầu (primary dealers - PDs), một mắt xích kết nối thị trường trái phiếu sơ cấp với thị trường thứ cấp. Cùng với việc quy chuẩn kế hoạch và hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ, sự hiện diện của PDs là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ.
Song, đây sẽ là bài toán không dễ, nếu không muốn nói là ngoài khả năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Câu hỏi đặt ra trước hết là liệu có bao nhiêu ngân hàng thương mại hay công ty chứng khoán có đủ điều kiện và nhu cầu trở thành PDs, đặc biệt là trong bối cảnh chiếc vòng kim cô “lãi suất chỉ đạo” trong các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ vẫn có hiệu lực?
Có thể những ứng cử viên tiềm năng khác sẽ chờ xem có dấu hiệu cải thiện nào về cơ chế áp đặt lãi suất không, và nhất là thông tin về lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu của Vietcombank có đủ hấp dẫn không, rồi mới quyết định nhập cuộc.
Mặt khác, lợi ích cục bộ ngành chứng khoán cũng sẽ làm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở nên khó xử. Khi phát triển thị trường OTC trái phiếu, ngân hàng thương mại sẽ có ưu thế về vốn so với công ty chứng khoán, và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể không lo ngại về nguy cơ “mất việc” hay năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán.
Đồng thời, thị trường OTC trái phiếu hoạt động hiệu quả cũng có nghĩa là việc đấu thầu và niêm yết trái phiếu Chính phủ tại trung tâm giao dịch chứng khoán sẽ chấm dứt. Đây có thể là một cú sốc lớn đối với trung tâm giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán thành viên, vì giá trị giao dịch trái phiếu chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch chứng khoán tại trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM trong năm 2004, và phí đấu thầu trái phiếu Chính phủ là một nguồn thu không nhỏ.
Từ chợ trái phiếu Vietcombank đến một thị trường OTC đúng nghĩa sẽ còn nhiều việc phải làm với những xáo trộn về cấu trúc thị trường chứng khoán Việt
Nếu vậy, sự xáo trộn kia là đáng mừng hơn là đáng lo. Xét cho cùng, khi nói đến thị trường chứng khoán người ta vẫn muốn nói đến thị trường cổ phiếu chứ không phải thị trường trái phiếu.
TBKTVN