Tin tức
Chưa có thị trường điện cạnh tranh

Chưa có thị trường điện cạnh tranh

03/04/2006

Banner PHS

Chưa có thị trường điện cạnh tranh

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không phải là doanh nghiệp duy nhất sở hữu các nhà máy điện tại Việt Nam và trong vài năm nữa sẽ có một loạt công ty phân phối điện tách ra khỏi tổng công ty để hoạt động như những doanh nghiệp độc lập...

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không phải là doanh nghiệp duy nhất sở hữu các nhà máy điện tại Việt Nam và trong vài năm nữa sẽ có một loạt công ty phân phối điện tách ra khỏi tổng công ty để hoạt động như những doanh nghiệp độc lập.

 

Nhưng thị trường điện vẫn chỉ có một doanh nghiệp chi phối.

 

Nhiều người bán, một người mua

 

Trong hệ thống nguồn điện ở Việt Nam, có bảy nhà máy thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng công suất khoảng 2.000 MW, chiếm trên 15% tổng công suất của toàn hệ thống. Bên cạnh đó còn có trên 50 nhà máy điện nhỏ do các doanh nghiệp trong nước đầu tư đã và đang xây dựng. Hiện nay EVN chỉ còn sở hữu chưa tới 70% công suất nguồn điện của Việt Nam.

 

Nhìn vào những số liệu trên, có lẽ không ít người nghĩ rằng ngành điện Việt Nam đang bắt đầu có cạnh tranh theo cơ chế thị trường, ít nhất là trong lĩnh vực sản xuất điện. Nhưng số nhà máy điện thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế khác ngày càng nhiều không có nghĩa là đã hình thành được thị trường cung cấp điện.

 

Với tư cách là người kiểm soát hệ thống truyền tải và phân phối, EVN hiện gần như là khách hàng mua điện duy nhất của các nhà máy điện, và mặc dù trên danh nghĩa giá cả mua bán có sự thương lượng giữa EVN và chủ sở hữu nguồn phát nhưng quyền ấn định giá cuối cùng vẫn thuộc về EVN.

 

Tái cơ cấu EVN để hình thành thị trường điện lực

 

Hơn sáu năm trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ cho một chương trình nghiên cứu nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, trong đó có ngành điện.

 

Các giải pháp được chuyên gia của WB đề xuất lúc bấy giờ là cơ cấu lại EVN theo hướng tách khâu truyền tải ra khỏi lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, cổ phần hóa các công ty phân phối và các nhà máy điện thuộc EVN nhằm tăng số lượng đơn vị tham gia sản xuất và khách hàng mua điện của họ để bán lẻ. Trong đó, phải thí điểm cổ phần hóa ít nhất một công ty phân phối điện có quy mô tương đối lớn. Hiện EVN đang tiến hành tái cơ cấu theo đường hướng trên. 

 

Đến cuối năm ngoái, EVN đã hoàn tất việc cổ phần hóa hai doanh nghiệp sản xuất điện là Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Nhiệt điện Phả Lại. Ngoài nhà máy Thác Bà đã bán cổ phần xong, trong năm nay dự kiến sẽ có thêm năm nhà máy điện nữa được cổ phần hóa, gồm thủy điện Thác Mơ, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và các nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Uông Bí, Bà Rịa. 

 

Lãnh đạo EVN cho rằng, việc cổ phần hóa Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Phả Lại là thành công, nhưng trên thực tế cổ phiếu của hai công ty này chưa thật hấp dẫn đối với nhà đầu tư. EVN chỉ bán được 85% số cổ phiếu chào bán của Công ty Nhiệt điện Phả Lại trong lần đưa ra đấu giá trên thị trường chứng khoán hồi cuối năm ngoái, mặc dù EVN đã cam kết dành cho nhà đầu tư mức cổ tức là 12%/năm trong bốn năm liên tiếp, cao gấp ba lần tỷ lệ lợi nhuận trên vốn kinh doanh bình quân của EVN vào năm ngoái. Giá cổ phiếu của các công ty bán được chỉ cao hơn khoảng 6% so với giá khởi điểm. 

 

Trong sáu công ty điện sẽ cổ phần hóa trong năm nay, có đến ba thủy điện. Đây cũng là những đơn vị có giá thành sản phẩm thấp, nên về lý thuyết cổ phiếu của những công ty này sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Nhưng với chính sách giá mua điện do EVN quyết định, dù giá thành sản phẩm có thấp thì cổ phiếu của các công ty thủy điện cũng chỉ được hưởng cổ tức 12%, tương đương của các nhà máy nhiệt điện khác.

 

Hiện nay, EVN chỉ mua điện của Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi với giá 200 đồng/kwh, còn giá mua của Thác Mơ là 148,59 đồng/kwh. Trong khi đó, cùng là thủy điện nhưng EVN lại mua của Cần Đơn (do Tổng công ty Sông Đà đầu tư xây dựng) tới 4,5 xu Mỹ (tương đương hơn 700 đồng/kwh).

 

Một khi Nhà nước còn kiểm soát giá bán lẻ điện, và giá mua điện cũng như mức cổ tức còn bị khống chế, mục tiêu cổ phần hóa để thu hút 11.200 tỉ đồng vốn của EVN sẽ không dễ thực hiện. 

 

Ngoài các nhà máy điện, EVN còn chủ trương cổ phần hóa cả những điện lực địa phương (doanh nghiệp hoạt động trong khâu phân phối). Bên cạnh điện lực Khánh Hòa đã cổ phần hóa xong, trong hai năm 2006 - 2007 EVN tiếp tục cổ phần hóa 16 đơn vị phân phối thuộc Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 2 và Công ty Điện lực 3. 

 

Mục tiêu cổ phần hóa các điện lực địa phương là nhằm hình thành những nhà phân phối điện độc lập, tăng thêm số lượng khách hàng đối với các công ty sản xuất điện. Tuy nhiên, ít nhất chín năm tới sẽ chưa có chuyện cạnh tranh mua bán điện, mà tất cả nhà phân phối vẫn phải thông qua EVN.

 

Điều này thể hiện khá rõ trong lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào cuối tháng 1/2006. 

 

Lộ trình dài đến năm 2022

 

Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra lộ trình ba bước để tiến tới hình thành thị trường điện lực.

 

Theo đó, bước đầu tiên là thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2005 đến năm 2008 và sẽ triển khai mở rộng để hoàn chỉnh thị trường vào năm 2014. Bước kế tiếp là thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh trong hai năm 2015 - 2016 và hoàn thiện vào năm 2022.

 

Việc bán lẻ điện theo cơ chế thị trường chỉ có thể bắt đầu hình thành sau năm 2022 và bản lộ trình này chỉ xác định thời gian thí điểm trong hai năm mà không nói rõ đến bao giờ mới có thể xác lập một cách hoàn chỉnh cơ chế cạnh tranh cho mảng thị trường này.

 

Như vậy, trong giai đoạn đầu, tuy mục tiêu là hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng các nhà đầu tư nguồn điện vẫn chưa thể bán sản phẩm trực tiếp (bán buôn) cho các nhà phân phối. Sự cạnh tranh ở đây có thể hiểu là cạnh tranh giữa họ để ký được hợp đồng bán cho EVN.

 

Do vậy, các công ty hoạt động trong khâu phân phối sẽ chưa được hưởng lợi trực tiếp từ cơ chế cạnh tranh này, mà phải đợi đến năm 2015, thời điểm bắt đầu thí điểm cho các đơn vị phân phối quyền mua điện trực tiếp của nhà sản xuất. 

 

Với lộ trình kể trên, có thể thấy thị trường điện Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu có cạnh tranh sau chín năm nữa, nhưng mới là cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn. Riêng với khách hàng sử dụng điện trực tiếp, hy vọng về cuộc cạnh tranh giữa các công ty cung ứng điện dẫn đến chất lượng dịch vụ tăng, giá hấp dẫn, như đang diễn ra với ngành viễn thông, sẽ chưa xảy ra, ít nhất là đến năm 2022.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng