Chứng khoán Châu Á ngẩng cao đầu
>>Nikkei tăng 2.7% nhờ cổ phiếu ngành xuất khẩu, tài nguyên
Các chỉ số chính trong khu vực tăng vọt gần 3% khi giới đầu tư đã có cái nhìn chín chắn hơn về động thái của FED và nghiệm ra rằng đó là một điềm lành đối với nền kinh tế chứ không làm chậm đà phục hồi như dự đoán ban đầu.
Sự chuyển biến của tâm lý thị trường trong ngày là nhờ vào bảng báo cáo được công bố cuối tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn đứng yên. Theo đó, lần đầu tiên kể từ năm 1982, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (trừ năng lượng và thực phẩm) suy giảm. Thông tin trên có công rất nhiều trong việc trấn an các chuyên viên giao dịch rằng mặc dù nâng lãi suất ngân hàng, nhưng FED sẽ giữ nguyên chi phí vay mượn đối với người tiêu dùng để tiếp thêm sức mạnh cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Giám đốc đầu tư Peter Lai thuộc Công ty DBS Vickers tại Hồng Kông nhận định: “Nếu FED tăng lãi suất cho vay lên mức bình thường thì chắc hẳn bức tranh nền kinh tế đã thực sự khả quan hơn – ít nhất thì đó cũng là cách cảm nhận của nhà đầu tư tại thời điểm này.”
Theo ông đó là một dấu hiệu tốt nhưng thực tế vẫn chưa được như vậy. Ông chỉ ra bằng chứng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn ảm đạm của Mỹ và vấn đề nợ nần tại một số quốc gia Châu Âu đã gây áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán trong các tuần gần đây.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản nhảy vọt 276.89 điểm (2.7%) lên 10,400.47 điểm sau khi tăng hơn 3% vào đầu phiên. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến mạnh 483.25 điểm (2.4%) lên 20,377.27 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 2.1%, chỉ số Sensex của Ấn Độ nhích 0.08% và chỉ số All Ordinaries của Australia đóng cửa nhận thêm 1.64%.
Trong khi đó tại Đài Loan, niềm lạc quan kinh tế đã giúp chỉ số Taiex giành thêm 1.6%. Cụ thể, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này tăng trưởng với tốc độ 9.2% trong quý IV/2009 nhờ sự cải thiện trong nhu cầu đối với các hàng hóa công nghệ cao từ Trung Quốc.
Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.5% trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài.
Mối quan ngại về các nỗ lực kiểm soát đà tăng trưởng kinh tế của nước này đã khiến nhà đầu tư tỏ ra khá lưỡng lự. Vào đầu tháng, các nhà lập pháp Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã lần thứ hai trong năm nay nhằm hạn chế hoạt động tín dụng.
Được biết vào tuần này, FED và kế hoạch thoái lui khỏi các biện pháp kích thích một lần nữa trở thành tâm điểm của thị trường. Chủ tịch Ben Bernanke sẽ thảo luận về nền kinh tế và chính sách tiền tệ trong suốt buổi các điều trần trước các nhà lập pháp vào hai ngày Thứ Tư và Thứ Năm tới.
Thêm vào đó, lợi nhuận từ các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Target và Macy có thể cung cấp thêm bằng chứng về tình hình của các công ty trong ngành. Tại Châu Á, nhà đầu tư sẽ được cập nhật số liệu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Nhật Bản cùng với báo cáo về thương mại, sản xuất và lạm phát.
Giá dầu tại Châu Á dao động gần mốc 80 USD/thùng với hợp đồng dầu giao Tháng 3 giảm 4 cent xuống 79.77 USD/thùng. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng từ 91.48 JPY/USD lên 91.53 JPY/USD, đồng EUR giảm từ 1.3633 USD/EUR xuống 1.3599 USD/EUR.
Trong phiên giao dịch buổi sáng tại Châu Âu, cả ba chỉ số chính của Anh, Pháp, Đức đều nhích 0.2%. Thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên mở cửa tăng điểm khi chỉ số S&P 500 tương lai cộng 1.6 điểm (0.1%) lên 1,107.60 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo AP)