Chứng khoán Châu Á: “Ngựa quen đường cũ”
Đối lập với đà tăng mạnh trong phiên hôm qua, các chỉ số chính trong khu vực đồng loạt giảm sâu. Đồng USD tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư tìm đến với các kênh đầu tư an toàn hơn và đó cũng là nguyên nhân đẩy giá hàng hóa giảm mạnh.
Triển vọng nghèo nàn của hai đại gia công nghệ Mỹ Qualcomm và Motorola đã làm gia tăng mối quan ngại rằng nhu cầu toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp có thể kém quả quan hơn mong đợi sau khi đạt được những cải thiện nhất định trong năm 2009.
Khoản nợ chính phủ khổng lồ của một số quốc gia Châu Âu như Hy Lạp và Bồ Đào Nha khiến nhà đầu tư càng thêm lo sợ bởi những tác động mạnh mẽ của nó lên hệ thống tài chính. Tiếp đó, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đã làm giới đầu tư thực sự hoảng loạn và đẩy đồng EUR xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, khi cảnh báo vị trí xếp hạng của Bồ Đào Nha có thể bị tác động nặng nề nếu quốc gia này không hạ thấp mức thâm hụt ngân sách.
Giám đốc quản lý quỹ Mark Tan thuộc Tập đoàn Quản lý Tài sản UOB tại Singapore nhận định, nhà đầu tư đã xem những bất ổn xung quanh kế hoạch cải tổ ngân hàng của Mỹ, động thái siết chặt tín dụng của Trung Quốc và một số vấn đề khác là cái cớ để chốt lời sau đà phục hồi mạnh trong năm ngoái. Ông dự đoán, thị trường sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ông nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng đợt điều chỉnh này sẽ nhanh chóng kết thúc. Hiện tình hình thị trường khá lộn xộn. Tuy nhiên thanh khoản và các yếu tố cơ bản vẫn còn khá tốt, vì vậy đây là một đợt điều chỉnh trong bối cảnh bức tranh chung của thị trường vẫn còn tương đối tích cực.”
Một yếu tố khiến nhà đầu tư khu vực khá hồi hộp chính là số liệu sơ bộ về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV của Mỹ được công bố vào 20:30 tối nay.Theo dự đoán của các nhà kinh tế, GDP quý IV của Mỹ tăng 4.5%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tụt sâu 216.25 điểm (2.1%) xuống 10,198.04 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 234.38 điểm (1.2%) xuống 20,121.99 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 40 điểm (2.4%) còn 1,602.43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.2%. Chỉ số S&P/ASX của Australia lao dốc 2.2% do sự rớt giá mạnh của nhóm cổ phiếu tài nguyên thiên nhiên.
Như vậy, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một khởi đầu khá chệnh choạng trong tháng đầu tiên của năm 2010. Đa số các chỉ số chính đều giảm mạnh trong năm nay, đặc biệt là các thị trường đang phát triển.
Các chỉ số chính của Trung Quốc và Ấn Độ đã đánh mất lần lượt 9% và 7% kể từ đầu năm do giới đầu tư cắt giảm việc nắm giữ các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Theo khảo sát của Tổ chức EPFR Global, nhìn chung lượng tiền mà nhà đầu tư rút ra khỏi các quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi nhiều hơn lượng tiền thu vào trong tuần kết thúc ngày 27/01. Đây là lần đầu tiên trong 3 tháng qua, các quỹ đầu tư này phải chứng kiến dòng vốn bị thất thoát.
Giá dầu dao động quanh mức thấp 6 tuần dưới 74 USD/thùng. Hợp đồng giao dầu Tháng tăng nhẹ 26 cent lên 73.90 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng EUR giảm từ 1.3976 USD/EUR xuống 1.3967 USD/EUR. Đồng USD tăng từ 89.87 JPY/USD lên 90.25 JPY/USD.
Trong phiên giao dịch buổi sáng tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.6%, chỉ số DAX của Đức cộng 0.8% và chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 0.7%.
Thị trường tương lai Mỹ gần như đi ngang, chỉ số Dow Jones tương lai hạ 5% (0.1%) xuống 10,057 điểm. Chỉ số S&P 500 tương lai đánh mất 1 điểm (0.1%) xuống 1,078.20 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo AP)