Chứng khoán Mỹ bước lùi trước động thái của Trung Quốc
Trước tình hình bùng nổ của dòng chảy tín dụng hồi đầu Tháng 1, giới chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn siết chặt hoạt động cho vay trong thời gian còn lại của tháng.
Thông tin trên cũng như đồng USD mạnh đã tác động xấu đến nhóm cổ phiếu ngành tài nguyên thiên nhiên và các nhà sản xuất lớn do mối quan ngại rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể suy yếu.
Bên cạnh đó, mặc dù công bố lợi nhuận quý IV khả quan hơn mong đợi nhưng Tập đoàn máy tính quốc tế (IBM) lại đưa ra triển vọng năm 2010 hết sức dè dặt. Do đó, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ có phiên giảm giá mạnh.
Nhộn nhịp kết quả kinh doanh ngân hàng
Do phải hoàn trả tiền cứu trợ cho Chính phủ nên thành viên Dow Jones Bank of America (BoA) công bố thua lỗ quý IV mạnh hơn dự đoán là 5.2 tỷ USD, tương đương EPS giảm 60 cent. Theo BoA chỉ việc thanh toán tiền cứu trợ đã “cướp” mất của hãng đến 4 tỷ USD.
Trong khi đó, một năm sau khi công bố thua lỗ khổng lồ 11 tỷ USD, ngân hàng Morgan Stanley thông báo làm ăn có lãi quý thứ hai liên tiếp trong quý IV với lợi nhuận 617 triệu USD.
Cuối cùng, Wells Fargo bất ngờ thu được lãi cao 2.82 tỷ USD trong quý cuối năm 2009, tương đương 8 cent/cp và ngược với dự đoán giảm nhẹ. Yếu tố đem lại lợi nhuận cho ngân hàng này là sự gia tăng của các khoản thu phí thậm chí khi hãng phải trả 25 tỷ USD tiền giải cứu cho Chính phủ.
|
|
Nguồn: Reuters |
Ba chỉ số chính giảm mạnh khoảng 2% vào đầu phiên nhưng dần phục hồi trở lại khi giới đầu tư mua vào cổ phiếu ngành ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm mạnh 122.28 điểm (1.14%) xuống 10,603.15 USD/cp. Chỉ số S&P 500 rớt 12.19 điểm (1.06%) xuống 1,138.04 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 29.15 điểm (1.26%) đóng cửa tại 2,291.25 điểm.
Chỉ số Dow Jones trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm 2010; trong khi giá trị của Nasdaq giảm mạnh nhất trong một tuần và đây cũng là ngày đen tối nhất của S&P 500 kể từ Thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn tăng 68.2 so với mức thấp đầu Tháng 3/2009.
Nền kinh tế tiếp tục phát đi tín hiệu trái chiều
Chính phủ Mỹ thông báo số nhà được cấp phép xây mới Tháng 12 tăng từ 589,000 đơn vị lên 653,000 đơn vị, cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên, số nhà mới khởi công bất ngờ sụt giảm mạnh hơn dự đoán xuống còn 557,000 đơn vị từ 580,000 đơn vị trong Tháng 11.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.2% trong Tháng 12 sau khi leo 1.8% trong tháng trước. PPI cơ bản (trừ giá năng lượng và thực phẩm) không đổi sau khi tăng 0.5% trong Tháng 11. Dự đoán trước đó của các nhà kinh tế là PPI sẽ đứng yên và PPI cơ bản tăng 0.1%.
Trong ngày nhà đầu tư cũng để mắt đến thắng lợi đầy bất ngờ của Scott Brown, ứng viên Đảng Cộng Hòa, trong cuộc đua giành chức Thượng nghị sĩ Liên bang tiểu bang Massachusetts.
Thắng lợi của đảng Cộng Hòa đã lấy mất đa số 60 ghế của đảng Dân Chủ tại Thượng viện. Điều này sẽ làm cho Tổng thống Obama gặp khó khăn hơn trong việc thông qua kế hoạch cải tổ y tế.
Giới đầu tư dự đoán rằng sự thay đổi quyền lực trong Thượng viện đồng nghĩa với việc các chương trình chi tiêu sẽ bị cắt giảm hay gạt sang một bên, qua đó sẽ tác động đến đồng USD.
Lợi tức trái phiếu kho bạc giảm từ 3.69% xuống 3.65%, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 2 trên sàn NYMEX hạ 1.87 cent xuống 77.62 USD/thùng.
Giá vàng COMEX giao Tháng 2 sụt mạnh 27.40 USD/oz còn 1,112.60 USD/oz, đồng USD tiếp tục leo thang so với đồng EUR và JPY.
Thị trường chứng khoán Á – Âu cũng đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày trong sắc đỏ. Đáng chú ý, Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lao dốc 3% do động thái siết chặt tín dụng của Chính phủ nước này. Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 1.67%, chỉ số DAX của Đức rớt 2.09%, chỉ số CAC 40 của Pháp tuột 2.01%.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money, Reuters)